Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ mùa

Hiện nay, hầu hết các trà lúa vụ mùa năm 2023 tại nhiều địa phương khu vực Bắc, Bắc Trung Bộ đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, một số diện tích đã bắt đầu trổ. Tuy nhiên, nhiều diện tích mùa ở các địa phương này xuất hiện tình trạng sâu, bệnh, nông dân cần tập trung phòng trừ, đảm bảo hiệu quả sản xuất.

Vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh Hòa Bình gieo cấy 21.830ha lúa. Hiện trà lúa sớm giai đoạn đứng cái-ôm đòng, trà chính vụ đẻ nhanh rộ-cuối đẻ nhánh, trà muộn đẻ nhánh rộ. Điều kiện thời tiết hiện nay lại thuận lợi cho sâu cuốn lá nhỏ có nguy cơ bùng phát, gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa giai đoạn làm đòng và năng suất lúa nếu không phòng trừ hiệu quả, kịp thời.

Theo báo cáo nhanh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang xuất hiện rộ và bắt đầu đẻ trứng. Từ 5/8 trở đi sâu non sẽ nở rộ, mật độ trung bình 10 - 20c/m2, cao 50 - 70con/m2, cao cục bộ từng ruộng, từng sứ đồng >100 con/m2, sẽ gây hiện tượng trắng lá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Để bảo vệ năng suất lúa vụ mùa năm 2023 theo Kế hoạch và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu sâu cuốn lá nhỏ gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố: Chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường bám sát cơ cơ, tham mưu cấp tốc văn bản chỉ đạo phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ. Huy động tối đa lực lượng cán bộ tăng cường cho cơ sở để hỗ trợ công tác chỉ đạo sản xuất và phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ càng sớm càng tốt.

lua-mua-1691918528.jpg
Các địa phương chủ động theo dõi, bám đồng để nắm bắt kịp thời tình hình sâu bệnh gây hại trên diện tích lúa.

Đối với diện tích lúa mùa sớm - chính vụ (Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn, TPHB, Kim Bôi, Lạc Sơn) có trưởng thành vũ hóa rộ từ 25/7 - 5/8, thời điểm phun phòng trừ tốt nhất từ nay đến 10/8. Đối với diện tích mùa chính vụ - muộn (Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong) có trưởng thành vũ hóa rộ từ 5 - 15/8, thời điểm phun trừ tốt nhất từ 15 - 25/8/2023. Đặc biệt quan tâm đến diện tích lúa ôm đòng - trỗ bông, tập trung phun phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ có mật độ 20con/m2 trở lên để bảo vệ bộ lá đòng; đối với những diện tích có mật độ sâu cao cần thiết phải phun kép 02 lần, phun lần 2 cách lần 1 từ 3-5 ngày.

Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời về tình hình sâu cuốn lá nhỏ hại tại các khu vực cụ thể để nông dân biết và chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Trong những trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ tránh lây lan bùng phát trên diện rộng.

Theo thống kê và kiểm tra thực tế của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh có kế hoạch sản xuất 22.434ha lúa, đến nay đã gieo cấy khoảng 20.812ha. Hiện trà lúa mùa sớm (250ha) đang ở giai đoạn đứng cái, làm đòng; lúa mùa trung (14.560ha) trong giai đoạn đẻ nhánh rộ; lúa mùa muộn (6.002ha) đang tiến hành sạ/cấy, bén rễ.

Theo báo cáo tổng hợp của các địa phương, hiện nay, một số diện tích lúa mùa trên địa bàn đã nhiễm sinh vật hại, như: Sâu cuốn lá nhỏ, mật độ 3-5 con/m2, cao 15-20 con/m2 tại Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên; rầy đang nở và gây hại trên các trà lúa mật độ phổ biến 60-80 con/m2, cao 500-700 con/m2; trên trà lúa đang giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh, bệnh nghẹt rễ đang gây hại tỷ lệ phổ biến 1-3%, cao 5-7%, cục bộ >10% số khóm...

Để đảm bảo cho diện tích lúa sinh trưởng tốt, thời điểm này, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương bố trí cán bộ khuyến nông theo dõi, bám sát đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn bà con nông dân biện pháp bón phân, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo theo đúng nguyên tắc, liều lượng để hạn chế sâu bệnh hại phát triển, duy trì ổn định sinh trưởng của cây.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh hối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát, đánh giá lượng nước tích trữ tại các hồ, đập, từ đó có biện pháp điều tiết phù hợp qua các kênh, phục vụ ổn định tưới tiêu cho những diện tích đã được canh tác. Hiện tổng lượng nước trữ ở 39 hồ chứa nước lớn, vừa trong tỉnh là trên 223 triệu m3. Nguồn nước ở các hồ chứa hiện đang ở mức ổn định, đảm bảo kế hoạch tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ mùa trên địa bàn tỉnh.

phun-thuoc-1691918580.jpg
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu hại gây bệnh tuân thể theo hướng dẫn, quy định.

Tại tỉnh Thanh Hóa, vụ mùa 2023, các địa phương ở Thanh Hóa gieo trồng được 151.731 ha lúa và hoa màu các loại. Hầu hết các trà lúa vụ Mùa đang ở giai đoạn đứng cái - làm đòng, một số diện tích đã bắt đầu trỗ. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến khá phức tạp, cuối tháng 7 có nắng mưa xen kẽ, đầu tháng 8 có mưa vừa đến mưa to trên địa bàn toàn tỉnh, trùng với thời điểm phát sinh của nhiều đối tượng sâu, bệnh hại.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay tại các huyện Cẩm Thủy, Yên Định, Thạch Thành, Quan Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Thường Xuân, Bá Thước và thị xã Bỉm Sơn, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 với mật độ phổ biến 3- 5 con/m2, cao 10-20 con/m2, cục bộ có nơi 40- 50 con/m2 với diện tích nhiễm 48 ha. Bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ rầy phổ biến 35-60 con/m2, cao 120-250 con/m2, cục bộ 380-400 con/m2 phân bố tại các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Nông Cống, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Quảng Xương, và TP Sầm Sơn.

Sâu đục thân lứa 5 chủ yếu sâu non tuổi 2, 3; tỷ lệ hại phổ 0,6-1%, cao 2-4%, phân bố tại Yên Định, Thiệu Hóa, Thạch Thành, Đông Sơn, Triệu Sơn, Hoằng Hóa, Bá Thước, Quan Sơn, Vĩnh Lộc, Quảng Xương... Bệnh khô vằn gây hại trên một số diện tích lúa bón phân không cân đối tại Thọ Xuân, Yên Định, Đông Sơn, Triệu Sơn với tỷ lệ hại phổ biến 5-10%, cao 20-30%, diện tích nhiễm 45,2 ha, diện tích phòng trừ 60 ha. Ngoài ra, ở một số dịa phương đã xuất hiện bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện sau các trận mưa rào tại một số ruộng lúa lai bón nặng đạm, có bản lá to, mỏng, mềm tại huyện Yên Định, Đông Sơn.

Để cây trồng vụ mùa đảm bảo đạt được cả năng suất và sản lượng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tối đa những thiệt hại cho cây trồng; trong đó, yêu cầu các địa phương phải tập trung phân công cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở xác định, phân loại trà lúa theo thời gian trổ bông, nhất là các trà lúa trổ từ ngày 10-20/8.

Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các phòng ban có liên quan tổ chức, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh: tăng cường thông tin trên phương tiện truyền thông của thôn, xã, huyện, tổ chức giao ban theo cụm hoặc từng đơn vị cấp xã khi có nguy cơ sâu bệnh gây hại nặng để đề ra phương án, thời điểm, phương thức phòng trừ hiệu quả; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các doanh nghiệp nông nghiệp có tham gia liên kết sản xuất hoặc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, máy bay phun thuốc trên địa bàn để hỗ trợ nông dân.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, hiện nay trên lúa vụ mùa trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đã ra rộ, mật độ trung bình 1-3 con/m2, nơi cao 10-15 con/m2, một số địa phương đã bắt đầu xuất hiện sâu non tuổi 1. Cụ thể, tại xã Thạch Văn, Thạch Trị (huyện Thạch Hà), phổ biến trưởng thành, trứng và rải rác sâu non tuổi 1, ở các xã như Phúc Lộc, Vượng Lộc, Tùng Lộc, Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc), Cẩm Hưng, Cẩm Quang, Nam Phúc Thăng (huyện Cẩm Xuyên), An Dũng, Bùi La Nhân, Lâm Trung Thuỷ (huyện Đức Thọ), Kỳ Giang, Kỳ Tiến, Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh). Ngoài ra, bệnh khô vằn cũng đã phát sinh gây hại cục bộ trên diện tích gieo cấy dày, bón thừa đạm, diện tích nhiễm 250ha; rầy nâu, rầy lưng trắng xuất hiện mật độ 50-100 con/m2, nơi cao 200-300 con/m2.

Để tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Tĩnh, hướng dẫn các địa phương cần kiểm tra, giám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương để xác định chính xác thời điểm sâu non nở rộ, mật độ sâu gây hại để quyết định thời điểm và những diện tích cần tập trung xử lý, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Clever 150SC, Opulent 150SC, Obaone 95WG, Virtako 40WG, Tasieu 1.9EC, Voliam Targo 063SC, Angun 5WG...

Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng, trước mắt, tập trung xử lý triệt để các ổ rầy để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên đồng ruộng. Đồng thời, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, chú trọng vùng thấp trũng, vùng hàng năm rầy thường phát sinh gây hại. Khi phát hiện tổ chức khoanh vùng, hướng dẫn bà con nông dân phun trừ kịp thời khi rầy tuổi 1, tuổi 2 sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Chess 50WG, Sutin 5EC, Dantotsu 50WG, Ba Đăng 300WP, Cyo Super 25WP…

Đối với bệnh bạc lá, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chủ động phun phòng bệnh bạc lá trên diện tích gieo cấy các giống lúa nhiễm bệnh như: Thái Xuyên 111, TH3-3, KD18, nhóm nếp... và những diện tích hàng năm bệnh phát sinh gây hại, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xantocin 40WP… Với bệnh khô vằn, tập trung điều tra phát hiện và hướng dẫn phun phòng trừ kịp thời khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc hóa học sau: Vida5WP, Validacin 5SL, Anvil 5SC, Nevo 330EC, Tilt Super 300ND…

Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) thời gian lúa chuyển giai đoạn và cũng là thời điểm chuyển mùa, là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh gây hại và lan truyền. Vì vậy, sâu bệnh trên lúa vụ đông xuân cũng như các loại cây trồng sẽ phức tạp hơn. các địa phương phải tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh hại, dự báo chính xác thời điểm phát sinh gây hại và phòng trừ kịp thời. Đặc biệt chú ý giai đoạn lúa trổ nếu thời tiết mưa, độ ẩm cao cần đề phòng bệnh đạo ôn cổ bông. Ngoài ra, người dân cần bám sát quy luật phát sinh của một số loại sâu bệnh như sâu cuốn lá nhỏ, đục thân để bảo vệ cây lúa, tránh gây thiệt hại về năng suất. Nếu lúa đã hoàn thành đẻ nhánh bước vào phân hóa cần rút nước, phơi ruộng, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ, tạo điều kiện cho rễ lúa ăn sâu, cứng cây.