Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu nông sản sang thị trường UAE

Văn bản của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam gửi các đơn vị hội viên cho biết, theo cảnh báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ với Hiệp hội, từ tháng 6/2023 một số doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng xuất khẩu nông sản như: hồ tiêu, quế, điều… sang Dubai (UAE) gặp khó khăn về vấn đề thanh toán.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết gần đây nhận được phản ánh của một doanh nghiệp hội viên về việc nghi bị lừa đảo khi xuất khẩu điều nhân sang UAE.

Theo đó, Công ty Tín Mai ký hợp đồng bán nhân điều cho BAB AL REHAB FOODSTUFF TRADING LLC OFFICE NO 1006. MAI TOWER, AL NAHDA, DUBAI, UAE Tel +971 43868859, +971586001304; Email: info@barft.com Người giao dịch trực tiếp: Mr. Naeem Chaudhry, Mob/Whatsapp: +971 58 600 1304, email: naeem@barft.com.

Đáng chú ý, giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua nơi các doanh nghiệp này gửi bộ chứng từ nhờ thu, liên quan đến nhân sự và nghiệp vụ giao dịch của ngân hàng, có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Do đó, người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp nêu trên.

Qua kiểm tra được biết, bộ chứng từ của lô hàng đã được đơn vị vận chuyển là DHL giao cho một nhân viên an ninh của ngân hàng AJMAN BANK PJSC - Sheikh Zayed Road Dubai Branch nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu. Bên hãng tàu vận chuyển hàng cho biết họ giao hàng khi người nhận có đầy đủ chứng từ theo quy định.

dieu-1689729512.jpg
Ảnh minh họa.

Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng thư ký VINACAS thông tin, theo Công ty Tín Mai và Hiệp hội Tiêu và cây gia vị Việt Nam, ngoài Công ty Tín Mai còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan, ngoài việc liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ; lãnh đạo VINACAS sẽ phối hợp với Lãnh đạo Hiệp hội Tiêu và cây gia vị tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ các thông tin; từ đó sẽ chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc.

Theo ông Trần Hữu Hậu, trong vụ việc này, 3 doanh nghiệp khác nhau giao 3 container hàng gồm điều, tiêu và gia vị với tổng trị giá gần 300.000 USD. VINACAS cũng đề nghị các hội viên và doanh nghiệp xuất khẩu điều nếu đang gặp sự việc tương tự cần liên lạc với Văn phòng VINACAS để cung cấp thông tin và được hỗ trợ.

6 tháng, xuất khẩu hồ tiêu sang UAE giảm gần 30%

Số liệu sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 152.986 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 138.377 tấn, tiêu trắng đạt 14.609 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 485,9 triệu USD, tiêu đen đạt 417,9 triệu USD, tiêu trắng đạt 68,0 triệu USD.

So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu tăng 21,8% tương đương 27.433 tấn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu giảm 14,6% tương đương giảm 82,3 triệu USD. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3.484 USD/tấn, tiêu trắng đạt 5.011 USD/tấn, giảm lần lượt 879 USD đối với tiêu đen và 1.070 USD đối với tiêu trắng.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 50.369 tấn, chiếm 32,9% thị phần xuất khẩu và so cùng kỳ tăng 798,0%. Tính chung cả khu vực châu Á trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu hồ tiêu tăng 60,2% và chiếm 58,3% thị phần xuất khẩu. Tuy nhiên xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống giảm mạnh như Ấn Độ giảm 41,1%, UAE giảm 29,3%; Pakistan giảm 25,9%; Hàn Quốc giảm 54,2%…

Về mặt hàng quế, tính đến hết tháng 6/2023, Việt Nam xuất khẩu được 43.186 tấn quế, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 129,2 triệu USD, tăng 25,1% về lượng và 0,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu quế trung bình 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.992 USD/tấn, giảm 737 USD so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ, Hoa Kỳ và Bangladesh là 3 thị trường xuất khẩu chính của quế Việt Nam chiếm 67,1% trong đó Ấn Độ đứng đầu đạt 17.380 tấn, tăng 35,4%; Hoa Kỳ đạt 5.000 tấn giảm 4,5%; Bangladesh đạt 4.271 tấn, tăng 60,7%. Xuất khẩu cũng tăng ở Trung Quốc, Ai Cập, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan…

Thi Nguyên (t/h)