Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả

Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cho biết, qua 2 năm thực hiện Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người dân.

Thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh cho thấy, đến nay các địa phương trên địa bàn tỉnh chuyển đổi 5.566,75ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Năm 2021 có trên 2.610ha diện tích chuyển đổi (vượt 1.021ha so kế hoạch): Chuyển sang cây hàng năm 1.350ha, cây lâu năm 1.043ha, kết hợp nuôi thủy sản 161ha và chuyên nuôi thủy sản 55ha. Năm 2022 có trên 2.956ha chuyển đổi (vượt 1.618ha so kế hoạch): Chuyển sang cây hàng năm 926ha, chuyển sang cây lâu năm 1.978ha, chuyển sang kết hợp nuôi thủy sản 25,6ha và chuyên nuôi thủy sản 26ha. Riêng năm 2023, dự kiến chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa là 1.671ha, trong đó: Chuyển sang cây hàng năm khác 867,95ha, cây lâu năm 581,9ha, trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 221,9ha.

Dự kiến giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 8.084,6 ha, gồm: Chuyển sang cây hàng năm khác 4.258,9 ha, sang cây lâu năm 2.315,2 ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 1.510,5 ha. Định hướng đến năm 2030 chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa 4.304,7 ha, gồm: Chuyển sang cây hàng năm khác 2.652,3 ha, sang cây lâu năm 1.064,4 ha, sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản 588 ha.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi trong hơn 2 năm qua vượt hơn 2.600 ha so với kế hoạch tỉnh đề ra. Phần lớn diện tích đất trồng lúa chuyển đổi được nông dân tập trung trồng cây ăn trái, với diện tích hơn 3.000 ha, cây trồng ngắn ngày rau màu thực phẩm gần 2.300 ha, còn lại nuôi trồng thủy sản. Hầu hết nông dân đã mạnh dạn tiếp nhận phương thức sản xuất mới, không ngại đầu tư, chọn cây trồng phù hợp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

trong-lac-1690726318.jpg
Nông dân chuyển đổi sang trồng lạc cho hiệu quả cao hơn so với trồng lúa. Ảnh: TH.

Việc chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn; góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích và tăng thu nhập cho người dân. Chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản hoặc kết hợp nuôi thủy sản đã mang lại hiệu quả đáng kể, tăng từ 2,93 đến 8,57 lần so với chuyên trồng lúa.

Tại huyện Tiểu Cần, thời gian qua các địa phương trên địa bàn huyện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi được hơn 627ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất vườn tạp sang trồng các loại cây trồng khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đồng thời, các địa phương đã xây dựng và nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả có tính liên kết gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ như: mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, mô hình sản xuất lúa theo hướng ngập khô xen kẻ, mô hình canh tác lúa sử dụng phân bón thông minh, mô hình trồng bưởi Ruby xen ổi Ruby sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, mô hình dừa hữa cơ, mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP…Quá trình chuyển đổi, bước đầu cho thấy thu nhập của người dân tăng từ 1,5 - 02 lần so với trồng lúa trước đây, giá trị sản xuất đạt trên 120 triệu đồng/ha đất trồng trọt.

Tại huyện Cầu Ngang, địa phương này đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang phát triển mạnh diện tích một số loại cây màu có giá trị kinh tế cao, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở một số xã Mỹ Long Bắc, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Hòa, Nhị Trường, có thị trường tiêu thụ ổn định mở rộng, nhất là các loại cây màu thực phẩm; rau ngắn ngày (mùa nghịch) sản lượng đạt khá cao, lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng/ha/vụ; cây ngô giống năng suất trung bình 08 tấn/ha, lợi nhuận từ 25 - 30 triệu đồng/ha/vụ; dưa hấu năng suất trung bình từ 20 - 30 tấn/ha, lợi nhuận từ 50 - 70 triệu đồng/ha/vụ.

Đối với diện tích lạc, năng suất đạt khá cao, trung bình từ 8,5 - 9,5 tấn đậu tươi/ha/vụ, lợi nhuận bình quân từ 30 - 50 triệu đồng/ha/vụ. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn huyện đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ngắn ngày và nuôi thủy sản với diện tích 5.428ha đem lại hiệu quả kinh tế tăng gấp 02 - 03 lần so với trồng lúa, đặc biệt việc chuyển đổi sang nuôi thủy sản đem lại lợi nhuận tăng gấp 10 - 15 lần trên cùng đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, việc hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một hạn chế, khó khăn: Nông dân chuyển đổi còn mang tính tự phát, đầu ra của sản phẩm sau chuyển đổi chưa liên kết nên tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Từ việc sản xuất lúa hiện nay hiệu quả không cao, nên nhiều nông dân tự chuyển sang các cây trồng khác; cơ sở pháp lý trong xác định đất lúa kém hiệu quả (lấy mẫu đất kiểm nghiệm…).

Một số vùng sản xuất lúa kém hiệu quả ở Đôn Châu, Đôn Xuân (huyện Duyên Hải), nông dân chưa mạnh dạn trong chuyển đổi sản xuất, do thiếu vốn, nguồn lực lao động…Đối với các vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích lúa chuyển đổi sang các cây ăn trái (trồng cam, dừa…) rất mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp 07-10 lần so với cây lúa; từ đó, gây khó cho địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát về diện tích, quy mô khi chuyển đổi các diện tích lúa theo quy định…

dua-1690726348.jpg
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chuyển đổi mô hình độc canh lúa sang 1 vụ lúa, kết hợp với trồng cây rau màu, dưa hấu.

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đảm bảo có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa có hiệu quả kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sở Công Thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm để tiêu thụ và xuất khẩu; giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đến các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình biết để thực hiện đúng theo quy định. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý đất trồng lúa, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân chuyển đổi đất trồng lúa không đúng theo quy định, không đúng theo kế hoạch, phải tiến hành lập biên bản, xử phạt và yêu cầu hoàn trả lại hiện trạng đất trồng lúa nhằm hạn chế việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tràn lan như hiện nay.

UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, việc chuyển đổi đất trồng lúa nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, nguồn nước, lao động nông thôn ở từng địa phương; từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông hộ. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển bền vững, UBND tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp chuyển đổi phải đúng quy định pháp luật về quản lý đất đai, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu; chú trọng việc hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi nhằm tạo thị trường tiêu thụ bền vững, góp phần nâng cao sản lượng trên cùng một đơn vị sản xuất.

Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất; thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo và phòng, chống sâu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người sản xuất. Đồng thời thực hiện tốt công tác thông tin thị trường tiêu thụ nông sản, xúc tiến thương mại, quảng bá và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và truy xuất nguồn gốc nông sản chủ lực của tỉnh.

Bên cạnh đó, các ngành liên quan nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến và ứng dụng các giống mới cho năng suất, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu và chống chịu với sâu bệnh; ứng dụng các quy trình kỹ thuật luân canh, xen canh, tuần hoàn, kết hợp… để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát huy tối ưu hiệu quả của từng mô hình nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Song song đó, tăng cường công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, công nghệ hữu cơ, công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế.