Tạo động lực tăng trưởng kinh tế tư nhân từ giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thông tin được công bố tại Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp, tổ chức vào sáng 15/4.

hoi-nghi-doanh-nghiep-tu-nhan-01-1713167917.jpg
Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tại Quảng Ninh. (Ảnh BTC)

Doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện nay, Việt Nam có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tại Quảng Ninh là hoạt động đầu tiên của cộng đồng khoa học và doanh nhân Việt Nam hưởng ứng, thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), thông tin thế giới đang bước vào một giai đoạn mới với sự phát triển dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 ở một mức cao chưa từng có.

Vì thế, doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển mới có thể tồn tại và hơn nữa là để doanh nghiệp Việt sánh vai với các doanh nghiệp trên thế giới.

hoi-nghi-doanh-nghiep-tu-nhan-03-1713167953.jpg
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh BTC)

Tại hội nghị, các diễn giả và doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý sẽ bàn thảo chuyên sâu, làm sáng tỏ nhiều vấn đề về như doanh nhân trẻ trong doanh nghiệp tư nhân vì sự phát triển của đất nước; vị trí, vai trò, giải pháp, tầm nhìn chiến lược phát triển; khoa học công nghệ trong tồn tại và phát triển doanh nghiệp; hệ sinh thái khoa học công nghệ doanh nghiệp, doanh nhân trẻ tư nhân; những thuận lợi khó khăn đề xuất phát triển giải pháp tháo gỡ.

Đồng thời, đề xuất những bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế, mô hình phát triển và kiến nghị áp dụng triển khai tại Việt Nam, những kiến nghị với Trung ương về giải pháp cụ thể sửa đổi hệ thống pháp luật vì chủ trương lớn của Đảng.

Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 lan tỏa đến cộng đồng khoa học - doanh nhân các chủ trương chính sách của quốc gia, với các nội dung xuyên suốt gồm giải pháp đa dạng nguồn vốn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, nâng cao vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân Việt Nam; Giải pháp liên kết khoa học và doanh nhân xây dựng chính sách phát triển kinh tế tư nhân trong chiến lược phát triển quốc gia định hướng đến năm 2030; lãnh đạo bộ, ngành chia sẻ bài học kinh nghiệm của tỉnh Quảng Ninh; Định hướng của Chính phủ và phát động liên kết mạng lưới cố vấn và chuyên gia của hệ sinh thái khoa học-doanh nhân vòng trong chính sách; giới thiệu chương trình tại các địa phương tiếp theo trong tổng thể chiến lược phát triển Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta)- Chủ nhiệm Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống: Hội nghị Chiến lược phát triển Kinh tế tư nhân 2024 tiếp tục liên kết hợp tác 3 nhà: Chính quyền-doanh nghiệp-viện nghiên cứu, thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hệ sinh thái nghiên cứu truyền thông chính sách.

Khu vực kinh tế tư nhân là một động lực của nền kinh tế

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, theo các chuyên gia, cần chú trọng việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế...

Theo các chuyên gia, việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, cần đặc biệt chú trọng trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các chính sách vĩ mô phải xoay quanh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu...

Đặc biệt, kỷ luật kỷ cương cần tiếp tục được siết chặt, đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo tăng năng lực phản ứng chính sách theo hướng linh hoạt, đa dạng.

Chính sách vĩ mô cần đồng bộ, thiết thực và hiệu quả cao; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

Liên quan tới đầu tư tư nhân, theo ông Nguyễn Đức Hiển- Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, đầu tư tư nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP trong năm 2023 rất thấp, chỉ đạt 2,7%- đây là mức thấp so với giai đoạn từ 2019-2023. So với giai đoạn trước, năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, 2021 là 2,6 lần, 2022 là 3,3 lần.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng đồng quan điểm rằng, "trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân. Và kinh tế tư nhân, doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam cần được chú trọng và phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

hoi-nghi-doanh-nghiep-tu-nhan-04-1713167901.jpg
Theo các chuyên gia, việc phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực của nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh minh họa)

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - TS. Nguyễn Đình Cung, nhận xét: Khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động, đây là khu vực không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế-xã hội. Nếu kinh tế tư nhân không duy trì được thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo TS.Nguyễn Đình Cung, doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Vì thế, cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển. Đồng thời, cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình.

Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Việt Nam không chỉ thu hút các nhà đầu tư vào, mà cần đồng hành, cải cách mạnh về thể chế, tạo ra môi trường pháp lý, tạo cơ hội chứ không phải tháo gỡ. Song, ngoài sự hành động của Chính phủ trong thực thi chính sách, không thể thiếu vai trò từ chính những doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là tạo niềm tin, nhìn thấy cơ hội vào thị trường Việt Nam./.

Trọng Bình