Tạo dấu ấn riêng để phát triển làng nghề

Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm, đồng thời giảm những tác động tiêu cực vì vậy ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo đòn bẩy cho phát triển du lịch làng nghề.

Xây dựng hệ sinh thái thiết kế

Trong đó, hơn 60% làng nghề thủ công mỹ nghệ, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Những năm qua, Hà Nội đã thu hút một lượng khách du lịch đến thăm quan các làng nghề như: Làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, nón Chuông...

Mới đây, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) đã chủ trì tổ chức Tọa đàm “Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề”. Hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, chuyên gia nghiên cứu, nhà thiết kế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân làng nghề... đã tham dự.

a890694232b8e5faa8a5a9aba6cdfde8-1669337337.jpg
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch làng nghề.

Tại Tọa đàm, các diễn giả là chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, lĩnh vực du lịch, đại diện doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ và các nhà quản lý đã trao đổi, chia sẻ nhiều kinh nghiệm liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề, đưa yếu tố thiết kế sáng tạo vào sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, hợp tác thiết kế để phát triển du lịch làng nghề hướng tới xây dựng hệ sinh thái thiết kế để phát triển bền vững làng nghề Hà Nội…

Theo ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân ở làng nghề vẫn gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề nghiệp của cha ông như là “kế sinh nhai” vững bền; tạo ra những sản phẩm gốm sứ vô cùng tinh xảo, đa dạng, phong phú, đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trong nước và xuất khẩu; đã và đang là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, trải nghiệm.

Tuy nhiên, công tác quản lý làng nghề còn có nhiều chồng chéo, chưa nhận được sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch chung. Bởi vậy, các làng nghề vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển, tự sản xuất và tìm nguồn ra. Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập, đặc biệt là về giao thông, vấn đề đảm bảo môi trường bền vững. Việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn kém do thiếu vốn và các hộ ở xen trong các khu dân cư, quy mô sản xuất chủ yếu là thủ công, máy móc lạc hậu, mặt bằng sản xuất chật hẹp; chất lượng sản phẩm làng nghề chưa cao; sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn...

Tạo thêm trải nghiệm cho du khách

Chia sẻ kinh nghiệm gia tăng trải nghiệm cho du khách tại doanh nghiệp nói riêng, làng Bát Tràng nói chung, ông Thành cho biết, Bát Tràng có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Đơn cử, Bát Tràng có ẩm thực cỗ tiến vua nổi tiếng. Hiện, nhà hàng của Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt và nhiều gia đình ở làng đã làm những mâm cỗ theo phương thức truyền thống để phục vụ du khách.

Bên cạnh đó, Bát Tràng nhiều điểm đến hấp dẫn để du khách trải nghiệm nghề gốm như: Lò bầu cổ, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, Đình làng Bát Tràng, Văn chỉ, Nhà cổ… Đặc biệt, nhiều hộ kinh doanh ở Bát Tràng đã và đang có sự dịch chuyển không gian bán hàng sang làm không gian phục vụ du khách. Đồng thời, hướng đến sản xuất những mặt hàng nhỏ gọn, tinh tế để du khách có thể dễ dàng mang về theo đường hàng không.

Cũng theo ông Thành, sắp tới, làng Bát Tràng khuyến khích các gia đình, hộ kinh doanh treo hoa theo mùa ở trước nhà, để ngoài gốm, du khách đến Bát Tràng sẽ được thưởng lãm, check-in với không gian xanh mát, rực rỡ của các loài hoa. Làng Bát Tràng cũng hướng đến trang trí cảnh quan theo không khí lễ hội, dần dần các ngôi nhà sẽ sơn cùng một màu đồng bộ, để nơi đây không chỉ là làng nghề sản xuất mà còn thực sự trở thành ngôi làng du lịch nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội, của Việt Nam và thế giới.

Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển du lịch làng nghề tại Bát Tràng, ông Thành cho biết, hiện giao thông tại làng chưa phát triển đồng bộ. Mặc dù đã được chính quyền quan tâm nhưng chưa được đầu tư xứng tầm về giao thông, môi trường, quảng bá, quy hoạch… Đặc biệt, nhân sự nghiên cứu và phát triển sản phẩm đang là thách thức lớn tại Bát Tràng.

62466d445631648ccd5cf5efef579f2e-1669337355.jpg
Du khách trải nghiệm làm gốm tại Làng nghề Bát Tràng. Ảnh: TT

“Việc nghiên cứu sản phẩm mới, nhất là các sản phẩm phục vụ du lịch còn yếu và thiếu. Mặc dù thời gian qua, thành phố Hà Nội, các sở, ngành đã tổ chức nhiều cuộc thi thiết kế sản phẩm tuy nhiên những sản phẩm ưu việt phục vụ du lịch còn rất ít”, ông Thành cho hay. Do đó, ông Thành đề xuất thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì các cuộc thi thiết kế sản phẩm phục vụ du lịch. Chính quyền địa phương quan tâm nghiên cứu quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, cải tạo cảnh quan, môi trường đồng bộ hơn. Đồng thời, kêu gọi mỗi làng đầu tư trung tâm thương mại làng nghề phục vụ du khách với những sản phẩm tốt nhất.

Chuyển đổi số sẽ tạo đòn bẩy phát triển du lịch làng nghề

Nói về chuyển đổi số, ông Thành cho rằng, cần kêu gọi toàn dân, doanh nghiệp, các cấp chính quyền thúc đẩy chuyển đổi số, bởi đây là trụ cột thúc đẩy sự phát triển du lịch làng nghề.

Cùng bàn về chủ đề này, ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng hóa thủ công mỹ nghệ Việt Nam nhấn mạnh: “Thiết kế là nền tảng chuyển đổi số thành công. Chuyển đổi số mang đến những trải nghiệm khác biệt và rất thú vị trong mua sắm, đồng thời giảm những tác động tiêu cực, vì vậy ứng dụng chuyển đổi số sẽ tạo “đòn bẩy” cho phát triển du lịch làng nghề”.

Tại Tọa đàm, đa số các ý kiến đều cho rằng, trong tình hình hiện nay, để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề, bên cạnh một sản phẩm tốt, cần tập trung cải tiến về mẫu mã, thiết kế sáng tạo; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo… Đồng thời, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều giá trị như quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến với nhiều khách hơn với chi phí tiết kiệm nhất; quảng bá sản phẩm sống động nhất; quản lý làng nghề trực quan nhất.

Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch làng nghề đạt hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Cần hoàn thiện bản đồ du lịch làng nghề Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các du khách dễ dàng tra cứu điểm đến./.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, Thủ đô Hà Nội từ lâu được biết đến là nơi hội tụ tinh hoa làng nghề Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Hà Nội chính thức trở thành thành viên mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO thì làng nghề Việt Nam càng trở thành một phần không thể thiếu trong việc nâng cao giá trị thẩm mỹ, giá trị kinh tế của làng nghề nói chung cho hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam nói riêng, góp phần đưa Hà Nội trở thành trung tâm hội tụ thiết kế và đổi mới ở khu vực - kinh đô sáng tạo của Đông Nam Á.