Tạo bước đột phá từ 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng...
lua-gao-viet-01-1704242685.jpg
Gạo Việt đang ngày càng nâng tầm và tạo nên thương hiệu uy tín trên thế giới.

Tạo kỷ lục tăng trưởng lúa gạo vẫn còn nhiều lợi thế

Những năm qua, ngành lúa gạo đang ngày càng khẳng định vị thế là ngành chủ lực của nền nông nghiệp nước ta. Năm 2022, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 7,17 triệu tấn, trị giá 3,49 tỷ USD - tăng 6,2% so với năm 2021. Năm 2023, dự báo xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo với kim ngạch khoảng 4,5 tỷ USD, đây là con số cao nhất từ trước đến nay và là năm thắng lợi xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Sản xuất lúa gạo đã có những thành tựu đột phá, tuy nhiên, người nông dân vẫn đối mặt với những áp lực về giá cả bấp bênh. Ngành hàng lúa gạo vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục, nhằm hướng tới sản xuất bền vững và hiệu quả.

Ngày 27/11/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 1490 phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" với mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha.

Mới đây, trong khuôn khổ Festival Lúa gạo quốc tế 2023 tại Hậu Giang, đã diễn ra Lễ phát động thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" tại xã Vị Trung, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt mới: Việt Nam là nước đầu tiên xây dựng và phát triển kế hoạch một triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp, thể hiện trách nhiệm của mình đối với cộng đồng quốc tế…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, Đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo. Từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, sự thay đổi nhận thức của người sản xuất, kinh doanh lúa gạo, hợp tác công - tư hiệu quả, cùng với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á… sẽ là chìa khóa cho thành công của Đề án.

“Trong quá trình triển khai Đề án, chúng ta sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như chi trả tín chỉ Carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chỉ ra.

lua-gao-viet-02-1704242727.jpg
Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa cho các tỉnh ĐBSCL.

Ông Lê Hữu Toàn, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, cho biết sau khi Chính phủ phê duyệt đề án này, Kiên Giang đã xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Cụ thể, năm 2024 Kiên Giang sẽ tham gia 60.000ha/vụ (tương đương 120.000ha/năm hai vụ), đến năm 2025 là 100.000ha/vụ và năm 2030 sẽ có 200.000ha/vụ (tương đương 400.000ha/hai vụ). Tất cả diện tích đã đạt chuẩn trong chương trình VnSAT sẽ tham gia đề án, giai đoạn 2024 - 2025.

Bước đầu có 112 hợp tác xã đủ điều kiện tham gia đề án tại tám huyện của tỉnh. Hiện nay, Kiên Giang có diện tích sản xuất lúa lớn nhất cả nước với trên 700.000ha, ước đạt trên 4,5 triệu tấn lúa.

Dự kiến trong tháng 12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang sẽ trình UBND tỉnh về kế hoạch thực hiện đề án này và đề xuất nguồn vốn cho đề án. Trong bốn tiêu chí của đề án 1 triệu ha lúa, có hai chỉ tiêu là kéo rơm ra đồng ruộng, tiêu thụ rơm và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để tưới nước ngập, khô xen kẽ khó thực hiện.

Đề án giúp cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi

Mục tiêu của đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là hướng đến xây dựng các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống, 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (Sustainable Rice Platform - SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh: tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Đề án được tiếp cận các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và tài chính không hoàn lại từ nguồn tài chính chuyển đổi tài sản carbon (Transformative Carbon Asset Facility - TCAF) của Ngân hàng Thế giới để hỗ trợ xây dựng hệ thống MRV làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ carbon trong và ngoài nước để tăng thu nhập cho nông dân và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo.

lua-gao-viet-03-1704242774.jpg
Thu hoạch lúa tại huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Chí Công)

Là đối tác đồng hành với Việt Nam trong chuyển đổi ngành nông nghiệp từ nhiều năm qua, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai Đề án. Bà nhấn mạnh, Đề án cùng lúc nhằm ba mục tiêu: Góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sống.

Bà Carolyn Turk cũng khẳng định, Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai đề án này; hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường Carbon tự nguyện để có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế.

“Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ cho Đề án 1 triệu ha lúa cho các tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT và Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án này. Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam các cơ chế để có thể tham gia thị trường Carbon tự nguyện, trong tương lai có thể sử dụng được nguồn tài chính bền vững để tiếp tục các hoạt động phát triển và sinh kế”, bà Carolyn Turk cam kết.

Theo Bộ NN&PTNT, Đề án chia làm 2 giai đoạn, triển khai tại 12 tỉnh, thành: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long; với tổng diện tích khoảng 1 triệu ha chuyên canh lúa đến năm 2030. Ngay từ vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao bắt đầu được triển khai ở ĐBSCL với tổng diện tích tham gia khoảng 180.000 ha. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là đảm bảo lợi nhuận cho nông dân ở mức trên 40% vào năm 2025 và trên 50% vào năm 2030. Mục tiêu này là hoàn toàn khả thi với sản xuất lúa bền vững.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp chính là giải pháp căn cơ, giúp cả người nông dân và DN cùng toàn xã hội đều có lợi. “Đây là đề án được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở thế giới làm đề án này. Đây chính là đề án mang ý nghĩa giảm phát thải khí nhà kính, đồng hành với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cam kết COP 26 đưa ròng phát thải khí bằng 0 vào năm 2050”, ông Bình nói.

Khởi sự cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là Đề án của 13 địa phương vùng ĐBSCL, không chỉ là Đề án của riêng Bộ NN&PTNT. Chính vì thế, Đề án triển khai, rất cần sự phối hợp, chung tay của các địa phương và các thành phần có liên quan; chuyển tải được những thông điệp của đề án đến được với bà con nông dân.

Ông Trần Thái Nghiêm, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết TP Cần Thơ đã đăng ký 50.000ha. Cụ thể, giai đoạn 2024 - 2025 TP đăng ký 30.000ha, giai đoạn đến năm 2030 tăng thêm 20.000ha tại ba huyện: Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Cần Thơ sẽ tập trung làm các giống thơm, giống đặc sản như Jasmine 85, Đài thơm 8, RVT hoặc các giống ST cho vụ đông xuân 2023. Còn vụ hè thu và thu đông, tập trung vào các bộ giống chất lượng cao là OM 5451 và OM 18.

Người nông dân, doanh nghiệp và ngành nông nghiệp đón nhận thông tin thực hiện "đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao" với tinh thần hưng phấn vì đề án mở ra triển vọng thúc đẩy ngành hàng lúa gạo bền vững hơn./.

Trọng Đạt