Vì sao là cường quốc xuất khẩu, lúa gạo Việt vẫn bấp bênh?

Năm 2023 với sự bứt tốc trong xuất khẩu lúa gạo tính đến hết nửa đầu tháng 12, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 7,9 triệu tấn gạo với trị giá hơn 4,5 tỷ USD, tăng 11% về lượng và 29% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, lúa gạo Việt vẫn còn bộc lộ những hạn chế, người trồng lúa vẫn thường xuyên đối mặt với sự bấp bênh.
xuat-khau-lua-gao-6-1703897876.jpg
Ngành hàng lúa gạo Việt hiện đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị.

Trụ đỡ nền kinh tế và những thách thức trong nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với 3 chữ "biến", cụ thể là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.

Là một trong những đồng bằng lớn trên thế giới, là vựa lúa của Việt Nam, vùng ĐBSCL mỗi năm đóng góp tới 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu và mang về giá trị hàng tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nông dân. Mặc dù vị thế ngành hàng lúa gạo được khẳng định khi Việt Nam nằm trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn thể hiện trách nhiệm với các quốc gia không có thế mạnh về nông nghiệp. Tuy nhiên, giá lúa vẫn chưa đảm bảo đem lại thu nhập cho người dân bởi những thách thức từ biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của vùng.

Ngành hàng lúa gạo Việt hiện đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Để thực hiện được điều này, trước mắt Hậu Giang đang tập trung triển khai Đề án Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

xuat-khau-lua-gao-5-1703897849.jpg
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân hình thành các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng xuất khẩu.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, trước tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện thị trường, xu hướng người tiêu dùng thì việc thay đổi tư duy là xu thế tất yếu. Với diện tích tham gia đề án 1 triệu ha của cả vùng, Cần Thơ có khoảng 50.000ha, tập trung ở những vùng chuyên canh lúa mà trước đây đã tham gia vào dự án VnSAT để làm “hạt nhân” trong quá trình thực hiện.

Ông Trần Thái Nghiêm cho biết: "Với mục tiêu, tên gọi của đề án, ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL sẽ có một bước tiến xa hơn về chất lượng, có thể chất lượng gồm nhiều nội hàm - chất lượng hạt gạo, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là một trong những giải pháp đặc biệt quan tâm đó là sự minh bạch, trách nhiệm trong quá trình sản xuất lúa, gạo. Điều đó cũng kỳ vọng hạt gạo trong vùng 1 triệu ha này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn, yên tâm phát triển được đến các thị trường với xu hướng tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao, trách nhiệm trong quá trình sản xuất".

Thực tế cho thấy, những năm gần đây mùa nước nổi ở mức thấp, hiện tượng nước biển dâng, mặn xâm nhập đã làm xáo trộn nghiêm trọng các hoạt động canh tác nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Tại Hội thảo “Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam trách nhiệm và bền vững", PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích, có 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững. Trong đó, có những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” như: các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết là một quá trình và linh động phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc, chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn hơn là trong dài hạn, dẫn đến hợp đồng liên kết giữa họ chỉ mang tính thời vụ; tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững.

Bên cạnh đó, việc thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị; năng lực sản xuất kinh doanh, thị trường của cá nhân, tổ chức nông dân còn rất hạn chế, qui mô sản xuất nhỏ dẫn đến thiếu vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, chất lượng cao, cũng như làm hạn chế khả năng ứng dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất lúa, dẫn đến chi phí sản xuất cao, làm giảm năng lực cạnh tranh và khả năng thâm nhập vào các thị trường cao cấp, gây khó khăn nhất định trong liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến nền sản xuất xanh, bền vững. Ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn, đây là một điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu, bởi thiếu một dự báo thị trường tốt làm giảm hiệu quả hoạt động của tất cả các tác nhân trong chuỗi…

“Để có thể phát triển chuỗi giá trị lúa gạo trách nhiệm và bền vững thì có 4 giải pháp, đó là: đầu tư phát triển vùng nguyên liệu lúa tập trung, đồng thời với việc xây dựng bộ dữ liệu lớn. Thứ hai là phát triển mô hình liên kết bền vững giữa các tác nhân; thứ ba là cắt giảm chi phí và cuối cùng là xây dựng dự án phát triển giống lúa và phát triển thương hiệu gạo chung của Việt Nam", PGS.TS. Nguyễn Phú Son chỉ rõ.

Thuận thiên và liên kết mở hướng phát triển bền vững

Theo PGS – TS Văn Phạm Đăng Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, việc quản lý vùng đồng bằng theo hướng thuận thiên đã mở ra hướng đi mới cho cả vùng với Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung là phát triển vùng ĐBSCL đến 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao, thích ứng biến đổi khí hậu.

Nhìn nhận từ quy hoạch vùng, PGS – TS Văn Phạm Đăng Trí cho rằng, với chính sách vĩ mô của Chính phủ, hy vọng các địa phương trong vùng có thể xác định được những định hướng phát triển nông nghiệp phù hợp với những thay đổi “chưa từng có trước đây”. Đồng thời, sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân là cần thiết, đây là cơ hội để các hoạt động sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL chuyển mình, trước hết là tạo được cuộc sống tốt đẹp cho người dân và sau đó là hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị nông sản quốc tế.

"Cần triển khai các giải pháp khoa học, hy vọng rằng sản xuất của chúng ta sẽ thân thiện với môi trường, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp xanh như Thủ tướng đã cam kết tại COP 26 và tiếp tục phủ khẳng định tại COP28 lần này chúng ta hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp thông minh. Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao giá trị chuỗi nông sản, không chỉ chú trọng đến sản phẩm nông nghiệp chính, truyền thống, chúng ta chú trọng thêm nữa phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như là một dạng tài nguyên quan trọng, và nguồn tài nguyên này cần được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn trong tương lai" - PGS – TS Văn Phạm Đăng Trí cho biết.

xuat-khau-lua-gao-7-1703897985.jpg
Ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị.

Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ nông dân, mà từng hộ nông dân cũng không thể liên kết với doanh nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng trong mắt xích này chính là tổ hợp tác, HTX làm cầu nối với doanh nghiệp để đảm bảo chuỗi cung ứng, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên cùng phát triển.

Ông Cường cho biết thêm: "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giảm phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh với mong muốn và mục đích có những cơ chế, chính sách phù hợp để chúng ta tạo sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và tạo ra chuỗi giá trị phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam ở vùng ĐBSCL một cách bền vững".

Ngành hàng lúa gạo Việt hiện đang có nhiều cơ hội nâng cao vị thế trên thị trường thế giới cả về sản lượng và giá trị. Tuy nhiên, để khẳng định thương hiệu riêng cho hạt gạo Việt Nam và mang lại lợi ích tương xứng cho người trồng lúa đòi hỏi phải xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo một cách khoa học, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2024, sản lượng gạo toàn cầu có thể đạt kỷ lục gần 520 triệu tấn, đồng thời, mức tiêu thụ cũng tiến sát 525 triệu tấn. Như vậy, thế giới sẽ thiếu hụt 5 triệu tấn gạo trong năm tới. Hơn nữa, lượng gạo tồn kho toàn cầu giảm, chỉ còn hơn 160 triệu tấn nên đây là thời cơ lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Hiện một số nước, trong đó, có bạn hàng lớn của Việt Nam là Indonesia dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn. Hay như Philippines, một đối tác quan trọng khác của Việt Nam, ngay trong năm 2023 này, ước nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn gạo, trong đó: 90% khối lượng nhập là từ Việt Nam; 4,5% từ Thái Lan (126.560 tấn); 4,3% từ Myanmar (120.538 tấn), còn lại đến từ Pakistan, Ấn Độ, Campuchia.

Như vậy, cơ hội là có, song cơ hội luôn đi cùng thách thức. Thách thức lớn nhất là gạo Việt Nam đa phần chưa có thương hiệu; tỷ trọng xuất khẩu các sản phẩm chất lượng thấp vẫn còn cao… Do đó, để duy trì tăng trưởng bền vững, ngành lúa gạo cần tiếp tục cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và bảo đảm gia tăng về giá trị hơn số lượng.

Cùng với quy hoạch vùng, giám sát trong sản xuất thì các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được khuyến cáo cần đẩy mạnh liên kết sản xuất gạo chất lượng cao, chuyển dịch cơ cấu, chủng loại... nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phù hợp với Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 2030.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, chuyên gia ngành lúa gạo “hiến kế”, ngành lúa gạo cần kiên trì chiến lược phát triển hạt gạo theo hướng chất lượng và giá trị. Phát triển nền kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng hiện đại, thân thiện môi trường hay còn gọi là nền nông nghiệp Net Zero. Phát triển vựa lúa-cá-tôm-trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long theo hướng "thuận thiên" mà Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu đã vạch ra./.

Bình Nguyên