Sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để tăng giá trị ngành lúa gạo Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam khẳng định: “Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sẽ chuyển đổi căn bản hệ thống sản xuất lúa của vùng gắn với việc chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân về nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng, qua đó chuyển từ sản xuất lúa chất lượng cao nâng lên trình độ cao hơn mà ở đó gia tăng giá trị lúa gạo và phát triển bền vững.

Những năm gần đây, Việt Nam luôn là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo lớn nhất trên thế giới. Trong giai đoạn 2016 - 2022, tổng lượng gạo tiêu dùng của Việt Nam dao động từ 20 - 25 triệu tấn/năm; sản lượng gạo xuất khẩu dao động từ 5 - 7 triệu tấn/năm; giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm. Năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7,17 triệu tấn, đạt kim ngạch 3,49 tỷ USD, tăng 6,2% về giá trị so với năm 2021.

Tuy vậy, sản xuất lúa gạo của vùng còn nhiều khó khăn, chất lượng lúa gạo, sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu chưa cao. Việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, cùng với đó là tình trạng sử dụng chưa hợp lý, thiếu tiết kiệm vật tư đầu vào, đặc biệt là thâm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Địa bàn sản xuất lúa có thể bị thu hẹp do tác động của biến đổi khí hậu và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Me Kong. Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ đang là trở ngại lớn nhất với việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết, chế biến và xuất khẩu, hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Nhằm thúc đẩy ngành hàng lúa gạo, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự kiến trong tháng 4/2023, đề án sẽ được trình Thủ tướng thông qua.

Theo Đề án, dự kiến sẽ có 12.000 tỷ đồng được đầu tư vào Đề án, trong đó, 3.000 tỷ từ vốn ngân sách nhà nước và 8.400 tỷ vốn xã hội hóa, còn lại là từ các nguồn vốn khác…

Tham gia vào Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở Đồng bằng sông Cửu Long, nông dân sẽ được hỗ trợ chi phí mua giống lúa xác nhận, được ngân hàng cho vay không thế chấp tối đa 20 triệu đồng/vụ. Thời gian vay 6 tháng, được hỗ trợ bảo hiểm với cây lúa.

lua-gao-vn-1680168495.jpg
Sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp để tăng giá trị ngành lúa gạo Việt Nam. Ảnh minh họa

Hợp tác xã tham gia Đề án được ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy lợi và giao thông nội đồng, kiến thiết đồng ruộng. Được vay vốn ưu đãi không thế chấp để xây dựng kho, máy sấy và máy móc, thiết bị.

Doanh nghiệp tham gia cũng sẽ được vay đủ vốn ngắn hạn để tiêu thụ lúa từ vùng liên kết. Vay đủ vốn dài hạn đầu tư xây dựng kho, hệ thống sấy, chế biến. Được hỗ trợ 50% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt các tiêu chuẩn sản xuất tốt (GAP) trong nước hoặc quốc tế và 100% chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn carbon thấp.

Đồng thời, có năng lực tổ chức và giám sát quá trình sản xuất, được quyền liên kết với tư nhân thu mua lúa và các doanh nghiệp khác để vận hành chuỗi giá trị. Có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu từ 2 năm trở lên…

Kế hoạch từ nay đến năm 2025, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 500.000ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Lợi nhuận bình quân của nông dân đạt trên 35%. Đến năm 2030, vùng sẽ đạt 1 triệu ha, lợi nhuận bình quân được nâng lên 40%. Kéo giảm lượng lúa giống còn 80kg/ha, giảm lượng phân bón hóa học 30%. Giảm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Giảm lượng nước tưới, và giảm phát thải khí nhà kính từ 20 - 40%...

Tại Hội thảo tham vấn các đối tác quốc tế và tổ chức tín dụng trong nước về Dự thảo Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, ngành lúa gạo Việt Nam không ngừng phát triển với nhiều giống mới chất lượng cao, hạ tầng được đầu tư đồng bộ hơn, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại vào chế biến, thương mại. Trong khâu sản xuất, lúa gạo cũng đã có những chuyển đổi tích cực theo hướng bền vững hơn, áp dụng các quy trình canh tác bền vững như 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng, các biện pháp tưới khô xen kẽ (AWD), quy trình canh tác lúa bền vững (SRP) hay sản xuất lúa hữu cơ. Khoảng trên 75% diện tích ở các vùng chuyên canh sử dụng lúa chứng nhận...

Tuy nhiên, hiện nay ngành lúa gạo còn thiếu các vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với hợp tác xã, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các biện pháp canh tác vẫn còn chưa bền vững, người dân sử dụng đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chưa phù hợp. Với hệ thống canh tác hiện tại sẽ gây lãng phí và còn làm phát thải khí nhà kính.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được Bộ NN&PTNT tích cực xây dựng, được kỳ vọng có ý nghĩa lớn trong chuyển đổi tư duy sản xuất từ nâng cao chất lượng, tạo giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây cũng là Đề án đặt ra rất nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có thời gian và lộ trình cụ thể.

Đồng quan điểm, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao có chất lượng tốt, rõ ràng; nhưng để triển khai hiệu quả cần có các giải pháp về vốn như khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong giai đoạn sản xuất chuỗi giá trị gạo, thị trường; ưu tiên sử dụng vốn ODA của các dự án thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường tín chỉ carbon. "Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất với WB xây dựng chương trình quốc gia về 1 triệu ha lúa chất lượng cao, trong đó có vấn đề hạ tầng. Từ đó, xác định nhu cầu về kết cấu hạ tầng của các tỉnh để có mức đầu tư phù hợp" - đại diện WB nhấn mạnh./.

Đông Nghi