Vượt thách thức lúa gạo Việt trong hành trình "thống trị" thị trường thế giới

Là nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo của Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu và uy tín hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng “vựa lúa” trọng điểm của cả nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
lua-gao-viet-01-1704096127.jpg
Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình.

Đề án 1 triệu ha lúa kỳ vọng và những thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ NN và PTNT Lê Minh Hoan, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn và ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với 3 chữ "biến", cụ thể là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Chính vì thế, vấn đề đặt ra là sản xuất nông nghiệp phải tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải.

Tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Từ đó, có thể thấy ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình.

Là một trong những đồng bằng lớn trên thế giới, là vựa lúa của Việt Nam, vùng ĐBSCL mỗi năm đóng góp tới 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu và mang về giá trị hàng tỷ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu hộ nông dân. Mặc dù vị thế ngành hàng lúa gạo được khẳng định khi Việt Nam nằm trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn thể hiện trách nhiệm với các quốc gia không có thế mạnh về nông nghiệp. Tuy nhiên, giá lúa vẫn chưa đảm bảo đem lại thu nhập cho người dân bởi những thách thức từ biến đổi khí hậu đã gây ra những tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp của vùng.

lua-gao-viet-02-1704096185.jpg
Vùng ĐBSCL mỗi năm đóng góp tới 50% sản lượng lúa và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu và mang về giá trị hàng tỷ USD.

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, trước tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện thị trường, xu hướng người tiêu dùng thì việc thay đổi tư duy là xu thế tất yếu. Với diện tích tham gia đề án 1 triệu ha của cả vùng, Cần Thơ có khoảng 50.000ha, tập trung ở những vùng chuyên canh lúa mà trước đây đã tham gia vào dự án VnSAT để làm “hạt nhân” trong quá trình thực hiện.

Ông Trần Thái Nghiêm cho biết: "Với mục tiêu, tên gọi của đề án, ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL sẽ có một bước tiến xa hơn về chất lượng, có thể chất lượng gồm nhiều nội hàm - chất lượng hạt gạo, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là một trong những giải pháp đặc biệt quan tâm đó là sự minh bạch, trách nhiệm trong quá trình sản xuất lúa, gạo. Điều đó cũng kỳ vọng hạt gạo trong vùng 1 triệu ha này sẽ hỗ trợ cho các doanh nghiệp mạnh dạn, yên tâm phát triển được đến các thị trường với xu hướng tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao, trách nhiệm trong quá trình sản xuất".

Để lúa gạo Việt "thống trị" thị trường toàn cầu

GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định: Chương trình “1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, hướng đến tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” rất hợp thời. Chương trình ra đời có vai trò rất quan trọng trong việc sắp xếp lại trật tự của chuỗi sản xuất lúa gạo, từ khâu sản xuất lúa, chế biến gạo, cung cấp ra thị trường và đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Giáo sư - Tiến sĩ Võ Tòng Xuân cho biết, về Đề án “1 triệu hécta lúa chất lượng cao, phát thải thấp, hướng đến tăng trưởng xanh ĐBSCL” mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức phát động.

“Nếu thành công, đó sẽ là một cuộc cách mạng cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Chương trình này có vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp sắp xếp lại trật tự chuỗi sản xuất lúa gạo của Việt Nam. Từ khâu sản xuất lúa, chế biến gạo, đến việc tìm kiếm, mở rộng thị trường và đến tận bàn ăn của người tiêu dùng, cả trong nước và quốc tế” - Giáo sư Xuân nhấn mạnh.

Theo Giáo sư Xuân, điểm yếu cố hữu của sản xuất lúa gạo Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL nói riêng, là tình trạng mạnh ai nấy làm. Nông dân sản xuất nhỏ lẻ, không theo quy chuẩn mà chỉ tự tin vào kinh nghiệm. Doanh nghiệp mạnh ai nấy đi kiếm nguồn nguyên liệu, thị trường, thậm chí là tranh mua tranh bán. Điều này dẫn đến hệ luỵ là khách hàng dựa vào đó để ép giá. Doanh nghiệp biết lỗ nhưng vẫn phải chấp nhận.

lua-gao-viet-04-1704096234.jpg
Lúa gạo Việt từng bước nâng cao cả chất và lượng trên thị trường xuất khẩu.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho biết, thị trường lúa gạo thế giới ban đầu chỉ có 3 quốc gia là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Sau này mới đến Ấn Độ tham gia.

Những năm gần đây, gạo Việt Nam vượt mặt Thái Lan nhờ các giống lúa cao sản ngắn ngày như ST24, ST25, OM18… nhưng không xếp vào nhóm gạo trắng để bán với giá thấp vì chất lượng thơm và ngon như gạo dài ngày.

“Việt Nam hiện đang là bá chủ thế giới về loại gạo ngắn ngày, ngon cơm. Nếu không mua gạo Việt Nam, thì khách hàng phải mua gạo Thái Lan với giá cao hơn, nhưng ăn cũng như gạo ST25 của Việt Nam. Đây là một lợi thế” - Giáo sư Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Nhận định tình hình, Giáo sư Xuân cho rằng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong vài năm tới, các hiện tượng ElNino, LaNina sẽ tiếp tục hoành hành vùng nhiệt đới nên chắc chắn các quốc gia như: Thái Lan, Ấn Độ sẽ không thể đủ gạo để bán. Trong khi đó, các giống gạo ngon ngắn ngày của Việt Nam có thể cung ứng sản lượng lớn.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt - Bộ NN&PTNT, doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ nông dân, mà từng hộ nông dân cũng không thể liên kết với doanh nghiệp. Vì vậy, điều quan trọng trong mắt xích này chính là tổ hợp tác, HTX làm cầu nối với doanh nghiệp để đảm bảo chuỗi cung ứng, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên cùng phát triển.

Ông Cường cho biết thêm: "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giảm phát thải khí nhà kính gắn với tăng trưởng xanh với mong muốn và mục đích có những cơ chế, chính sách phù hợp để chúng ta tạo sự tham gia của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và tạo ra chuỗi giá trị phát triển ngành hàng lúa gạo Việt Nam ở vùng ĐBSCL một cách bền vững"./.

Bình Châu