Hậu Giang: Đặc sản Khóm cầu Đúc trên vùng đất phèn

Là đặc sản của Hậu Giang, sau một thế kỷ phát triển, Khóm (cây Dứa) cầu Đúc đang là một trong những cây trồng quan trọng của tỉnh này.

Hậu Giang có khoảng 2.800 ha khóm, riêng thành phố Vị Thanh đã có gần 2.400 ha, trong đó tập trung ở xã Hỏa Tiến, trên 1.200 ha. Thời điểm này, người dân ở xã Hỏa Tiến đang tích cực thu hoạch khóm, tránh những cơn mưa làm giảm chất lượng trái khóm.

Là đời thứ 3 trong gia đình trồng khóm, ông Vu Suổi (50 tuổi) ở xã Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh) cho biết, ông và người dân ở đây không thể trồng loại cây nào khác ngoài khóm. “Người ta trồng cây gì rồi cũng quay lại với cây khóm vì nó phát triển tốt trên vùng đất nhiễm phèn này. Cây khóm giúp người dân ấm no suốt bao thế hệ qua”, ông nói.

Ông Suổi là Giám đốc Hợp tác xã Thạnh Thắng 17 năm qua. Hiện, Hợp tác xã này có 39 thành viên với tổng diện tích trồng khóm trên 110 ha. Ông Suổi cho biết, năm nay vụ khóm không đạt về chất lượng lẫn số lượng. Nguyên nhân do giá phân bón cao, người dân không mạnh tay sử dụng. “Mỗi công khóm, đúng vụ bón đúng chuẩn hết 3 bao phân NPK, mỗi bao bây giờ có giá gần 1,5 triệu đồng, giá khóm cũng chưa thực sự tốt nhất, hiện vào khoảng 7.000 đồng/trái nên lợi nhuận năm nay giảm hơn năm trước”, ông Suổi phân tích.

khom-cau-duc-1-1654323453.jpg
khom-cau-duc-2-1654323466.jpg
Cây khóm phát triển tốt trên vùng đất nhiễm phèn.

Để trồng khóm, nông dân ươm giống từ 2 - 3 tháng, khi cây con cao bằng gang tay là có thể mang đi trồng. Mỗi công đất (1.000 m2) trồng được khoảng 2.000 cây. Cây khóm trưởng thành cao khoảng trên dưới 1 m. Từ lúc trồng đến 5- 6 tháng sẽ bắt đầu cho hoạch, mỗi công đất trồng dứa sẽ cho thu hoạch trung bình từ 1.700 - 1.800 trái/công.

Khóm được phân làm 3 loại dựa vào trọng lượng, trái khóm loại 1 phải đạt trọng lượng từ 1,2 kg trở lên, đây là loại có giá bán cao nhất. Khóm sau khi thu hoạch sẽ được thương lái mua tận ruộng và vận chuyển đi tiêu thụ. Cây khóm được nông dân trồng gối vụ nên cho trái quanh năm. Một ruộng khóm trưởng thành có thể cho từ 2 – 3 vụ/năm, giá bán trái khóm tương đối ổn định.

Được biết, cây khóm xuất hiện trên mảnh đất Hậu Giang vào năm 1930, người dân Hỏa Tiến thấy giống tốt bắt đầu nhân giống ra trồng cặp bờ sông Cái Lớn. Từ đó cây khóm bám rễ và trụ vững cho đến ngày nay. Khóm Cầu Đúc thuộc giống Queen (Nữ Hoàng). Nét riêng của giống khóm này là trái có hình dáng thanh nhã, cuống ngắn, lõi nhỏ, mắt lồi, hố mắt hơi sâu, thịt màu vàng sậm, ít xơ, ít nước, ăn giòn và ngọt. Đặc biệt, trái khóm Cầu Đúc có thể để khoảng 10-15 ngày không bị thối.

Người dân ở “xứ khóm” kể rằng, cha ông của họ đưa cây khóm về trồng vùng đất này gần trăm năm qua, đến nay cây khóm đã gắn chặt với cuộc sống của họ. Nguồn gốc tên gọi “Khóm cầu Đúc” bắt nguồn từ ngày xưa, người dân vận chuyển khóm từ ruộng ra chiếc cầu đúc bằng xi măng bắt qua sông Cái Lớn để bán, rồi từ đó tên khóm cầu Đúc ra đời. Dòng sông Cái Lớn là ranh giới, phía bên này là xã Hỏa Tiến, bên kia sông là xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. Ở Hỏa Tiến, nông dân be bờ, xẻ đất, tạo rãnh dẫn nước để trồng khóm. Đi khắp xã Hỏa Tiến, dễ dàng bắt gặp những ruộng khóm bất tận.

 

Có trong tay 2 ha khóm của cha để lại, anh Trang Anh Tuấn (33 tuổi) cho hay: “Hơn 10 năm trồng khóm, có lần tôi bán rẻ nhất là 2.000 đồng/trái vào khoảng 5 năm trước, còn lại giá khóm tương đối ổn định. Lúc cao nhất giá khóm đạt 10.000 - 11.000 đồng/trái, có thể nói cuộc sống của chúng tôi khấm khá nhờ cây khóm”.

Cũng như anh Tuấn, người trồng khóm ở Hỏa Tiến và thành phố Vị Thanh nói chung bao năm qua vẫn cày sâu cuốc bẫm trên ruộng khóm của mình. Từ trái khóm họ chế biến ra nhiều sản phẩm khác như nước màu, rượu, mứt, nước ép… nâng cao giá trị trái khóm. Ông Suổi cho biết thêm, ngoài phân phối trái khóm đi các tỉnh, một phần lớn khóm của Hợp tác xã Thạnh Thắng được cung cấp cho những nhà máy chế biến nước trái cây ở Hậu Giang và Cần Thơ.

dac-san-khom-cau-duc-3-1654323482.jpg

Nông dân “xứ khóm” phấn khởi bốc xếp chuẩn bị vận chuyển Khóm cầu Đúc đi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Thanh Đoàn – Phó chủ tịch xã Hỏa Tiến cho biết, xã Hỏa Tiến là vùng đất nhiễm phèn quanh năm, chỉ có cây khóm mới phát triển tốt trên loại đất này. So với các địa phương khác, xã còn gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ có một con đường độc đạo vào xã, dân số hiện tại chỉ ngấp nghé 5.000 người. Cây khóm là mũi nhọn kinh tế của xã, hơn 80% diện tích đất nông nghiệp ưu tiên trồng loại cây này.

Gần một thế kỷ trôi qua, diện tích trồng khóm ở Hậu Giang được liên tục mở rộng. Điều này chứng tỏ hiệu quả kinh tế mà loại trái cây này mang lại cho vùng đất nhiễm phèn. Ông Trương Cảnh Tuyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, khóm cầu Đúc là một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh. “Bước đầu, tỉnh định hướng phát triển diện tích của Khóm cầu Đúc lên 3.500 ha. Đầu ra của trái khóm được hướng tới là nhà máy nước ép khóm của tỉnh ở Cụm công nghiệp, tiểu thủ công ngiệp, đây cũng là hướng đi để xuất khẩu sản phẩm của trái khóm ra nước ngoài”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói.

Công Việt