Tăng cường, thúc đẩy mối quan hệ bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp

Sáng ngày 6/6, tại TP.HCM, Báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức Diễn đàn “Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững”. Diễn đàn với sự tham dự của hơn 150 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà báo.
a4-1717654735.jpg
PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị chia sẻ tại Diễn đàn.

Diễn đàn được tổ chức nhân kỷ niệm kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), nhằm tổng kết các thành tựu phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam trong chặng đường 99 năm xây dựng và phát triển; tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, nhu cầu trao đổi thông tin từ cộng đồng đến doanh nghiệp và ngược lại là một nhu cầu tất yếu, thường xuyên. Điều này đòi hỏi thông tin trao đổi hai chiều phải mang tính thời sự, trung thực, vì mục tiêu chung. Từ thực tiễn cho thấy, mối quan hệ hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp là mối quan hệ tương hỗ, cộng sinh, đồng thời là cầu nối giữa doanh nghiệp và Nhà nước.

Báo chí là kênh truyền thông tốt nhất của doanh nghiệp

Theo Th.s Nguyễn Minh Quân - Phó Chủ tịch thường trực CLB Doanh nhân C&D chia sẻ tại diễn đàn, báo chí là kênh truyền thông tốt nhất để nâng cấp thương hiệu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có uy tín hay không, có chất lượng hay không đều được khách hàng đánh giá qua những bài báo chất lượng chính quy.

“Báo chí không chỉ tuyên truyền và phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn phản ánh thực trạng, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp, khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong xã hội và thúc đẩy văn hóa kinh doanh” - Th.s Nguyễn Minh Quân nói và nhấn mạnh, một bài báo có thể giúp doanh nghiệp đạt được thành công, lan tỏa tinh thần kinh doanh trong xã hội, nhưng cũng có thể gây tổn hại đến uy tín của một thương hiệu hay doanh nghiệp.

a3-1717654816.jpg
Th.s Nguyễn Minh Quân cho rằng Báo chí là kênh truyền thông tốt nhất của doanh nghiệp.

“Do đó, trong bất cứ tình huống nào, hoàn cảnh nào, sự hợp tác và đồng hành lành mạnh, hiệu quả giữa báo chí và doanh nghiệp có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của cả hai bên và trong việc đạt được các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước” - Th.s Nguyễn Minh Quân nói thêm.

Để mối quan hệ hợp tác này bền vững, theo Th.s Nguyễn Minh Quân, cần xây dựng văn hóa hợp tác, thiết lập nền tảng hợp tác dựa trên các giá trị văn hóa. Trong đó, doanh nghiệp không chỉ là nguồn cung cấp thông tin mà còn là đối tác, nguồn lực và khách hàng quan trọng của báo chí. Hơn thế nữa, doanh nghiệp cần báo chí để thúc đẩy thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Hay nói khác hơn, báo chí là nơi bảo vệ truyền thông thương hiệu của doanh nghiệp tốt, vừa là nơi thanh trừng những doanh nghiệp xấu, gây hại cho xã hội.

Thực tiễn cho thấy quan hệ giữa báo chí, truyền thông và doanh nghiệp luôn là mối quan hệ gắn bó, đồng hành cùng phát triển. Báo chí giữ vai trò then chốt trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là phương tiện giúp thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp tiếp cận đến người tiêu dùng. Mối quan hệ này là một vòng tuần hoàn, trong đó báo chí và doanh nghiệp không chỉ hỗ trợ mà còn bổ trợ lẫn nhau.

Niềm tin và sự hiệu quả

Niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp chưa bao giờ thiếu vắng vai trò đồng hành của báo chí. Khi doanh nghiệp thành công, báo chí là người bạn đồng hành nhân rộng điển hình tốt. Khi doanh nghiệp khó khăn, vướng mắc, báo chí luôn sát cánh, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, vai trò, lợi ích và tầm quan trọng của mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đã được chứng minh là điều thiết yếu trong nền kinh tế thị trường. Ở đó, sự chung tay và đồng hành luôn đem lại lợi ích cũng như thúc đẩy phát triển không chỉ cho cả hai bên mà cho xã hội nói chung.

a1-1717654875.jpg
Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn luật sư TP.HCM.

Tuy nhiên, trong thời gian qua vì nhiều lý do, trong đó có sự bùng nổ về nhiều hình thức thông tin qua internet như một lẽ tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0, cũng như giai đoạn phục hồi kinh tế đầy khó khăn sau đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự hợp tác giữa báo chí và doanh nghiệp mà đòi hỏi mỗi bên đều phải tìm cách thích ứng.

Trong thời điểm khó khăn và sự lan truyền thông tin một cách tràn ngập như hiện nay, (theo tôi) chúng ta đang phải tập trung xử lý cho 2 vấn đề nan giải, đó là: niềm tin và sự hiệu quả. Bởi lẽ:

Thứ nhất, có thể thấy giá trị của uy tín doanh nghiệp luôn được xem là thước đo với thị trường và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của chính doanh nghiệp. Trong khi đó, ngoài việc đem lại sự tiết giảm về chi tiêu trong việc quảng bá thông qua mạng xã hội thì mặt trái của hầu hết các phương tiện truyền tải thông tin này là sự thiếu kiểm chứng vì (các phương tiện này) không hoạt động với chức năng và trách nhiệm đặc thù như báo chí. (ví dụ: thông tin đồn thổi, thông tin sai lệch …). Mà hậu quả của nó dẫn đến sự mất niềm tin với người tiêu dùng, và nhất là sự mất niềm tin với cả doanh nghiệp và thị trường.

Thứ hai, sự phối hợp giữa báo chí và doanh nghiệp chưa thực sự thích ứng với kỳ vọng trong bối cảnh hiện nay. Lẽ ra, báo chí trở thành nguồn tham chiếu về thông tin kiểm chứng, là nơi phản ánh những khó khăn về chính sách, vướng mắc về cơ chế để nói lên mong muốn và nguyện vọng của doanh nghiệp để từ đó Nhà nước kịp thời quan tâm hỗ trợ và tạo ra hành lang về pháp lý, chính sách hữu hiệu; đồng thời thông qua kênh báo chí là nơi cung cấp thông tin về những mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh và định hướng phát triển để cộng đồng doanh nghiệp cùng tham khảo, thúc đẩy và làm trong sạch thị trường hướng đến phát triển bền vững.

a6-1717654917.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Báo chí – Doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững.

“Muốn giải quyết được hai nội dung này, theo tôi cần sự chung tay của cả hai bên. Doanh nghiệp cần những bài viết sâu sát, am hiểu và phản ánh thực tiễn hơn để hỗ trợ đưa thông tin đến thị trường, phản ánh nguyện vọng của mình và khuyến khích phát triển. Báo chí cần sự phối hợp cung cấp nguồn tin minh bạch, chất lượng và kịp thời để nâng cao giá trị về truyền thông, khẳng định vị trí là nơi tham chiếu trong thời đại công nghệ số tràn lan thông tin thiếu kiểm chứng” – luật sư Lê Ngô Trung nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Lê Ngô Trung, trong tương lai việc đồng hành và hợp tác, gắn kết giữa báo chí và doanh nghiệp cần phải phát triển hơn nữa, bao gồm cả phương thức và biện pháp hữu hiệu để vừa ứng phó với mặt trái của thời đại bùng nổ thông tin, vừa thích nghi với nhu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hiện nay; hướng đến sự phát triển bền vững./.

Quốc Cường