Tăng cường quản trị, kiểm soát rủi ro trong giao dịch và thanh toán điện tử

Việc chuyển đổi số ngân hàng đang cho thấy những con số ấn tượng và xu hướng này có thể đem lại những hiệu quả đột biến về năng suất, nhưng bên cạnh đó, nhiều “vật cản” cũng không nhỏ khi ngân hàng đang là đối tượng số một của tội phạm công nghệ.

Với sự bùng nổ của chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt trong 2 năm gần đây, dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu giao dịch điện tử đã bùng nổ mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, phương thức giao dịch cũng có nhiều thay đổi, với sự phát triển đột phá của các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, sinh trắc học, chuỗi khối...

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước (NHNN), thời gian qua, việc triển khai các dịch vụ ngân hàng điện tử nói chung, trong đó có dịch vụ thanh toán điện tử tại các ngân hàng thương mại đang có sự phát triển mạnh mẽ, mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Chỉ tới cuối tháng 7/2022, đang có 80 tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng dịch vụ Internet Banking, 44 TCTD cung ứng dịch vụ Mobile Payment, 48 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Giao dịch qua Internet tăng trưởng 63% về số lượng và tăng 32% về giá trị. Giao dịch qua kênh Mobile tăng khoảng 98% về số lượng và 84% về giá trị. Thanh toán qua kênh QR tăng 86% về số lượng và tăng 126% về giá trị. Doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đang ở mức khoảng 15 tỷ USD.

tp-1665996300.jpg
Tăng cường quản trị, kiểm soát rủi ro trong giao dịch và thanh toán điện tử.Ảnh minh họa

Đề cập về các dịch vụ ngân hàng điện tử, bà Nguyễn Thị Thu, Vụ Thanh toán (NHNN) thông tin thêm, với việc thực hiện Quyết định 316 của Chính phủ, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin – Truyền thông và các đơn vị liên quan cho phép 3 đơn vị viễn thông được thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money. Tính đến cuối tháng 6/2022 có hơn 1,8 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money, đáng chú ý là hơn 60% là khách hàng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo, góp phần phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam.

Kể từ khi NHNN cho phép mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ bằng phương thức điện tử eKYC không cần đến tại quầy, đến nay đã có khoảng 5,5 triệu tài khoản, khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được phát hành bằng hình thức này.
Nhờ đó, thanh toán qua Mobile Banking và Internet có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng. Mobile Banking với tốc độ tăng trưởng 140%/năm về giá trị giao dịch, 87%/năm về lượng giao dịch. Internet có tốc độ tăng trưởng 41%/năm về giá trị giao dịch, 44%/năm về lượng giao dịch. Các nghiệp vụ thanh toán cơ bản đều đã được số hóa hoàn toàn, từ khâu mở tài khoản, phát hành thẻ, cho đến thực hiện các giao dịch, khách hàng gần như không phải đến ngân hàng.

Với số liệu như trên, NHNN cũng nhận được những đánh giá khả quan từ một số tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín trên thế giới. Đơn cử, theo khảo sát của Mc Kinsey giai đoạn 2015 – 2021, Việt Nam là nước có mức độ chuyển đổi số xếp hàng đầu trong khu vực các nước mới nổi châu Á – Thái Bình Dương. Còn Hãng sản xuất phần mềm bảo mật Kaspersky Lab đánh giá Việt Nam là nước an toàn nhất Đông Nam Á trước các đe dọa tấn công mạng vào hệ thống tài chính – ngân hàng.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển bùng nổ của thanh toán điện tử, rủi ro gian lận trong thanh toán điện tử cũng tăng mạnh với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thống kê từ Interpol cho hay, trên toàn thế giới, tội phạm sử dụng công nghệ cao gây thiệt hại hàng năm khoảng 400 tỷ USD, trung bình 14 giây lại xảy ra 1 vụ phạm tội công nghệ cao. Tại Việt Nam, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Công an phát hiện và xử lý 840 chuyên án/vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, tăng 42% so 6 tháng cuối năm 2021. Hay Công ty An ninh mạng Viettel cũng thông tin, năm 2021, các vụ tấn công phishing vào Việt Nam tăng gấp 3 lần so 2020 với khoảng 6.000 website giả mạo, lừa đảo.

Theo lãnh đạo NHNN, trong quá trình hoạt động, các ngân hàng Việt Nam thường gặp phải những gian lận phổ biến như: đánh cắp thông tin bảo mật để chiếm quyền sử dụng thẻ/tài khoản ngân hàng điện tử; lừa đảo khách hàng tự thực hiện giao dịch gian lận (kẻ gian lừa khách hàng tự thực hiện giao dịch như chuyển tiền cho kẻ gian; trộm cắp danh tính (kẻ gian sử dụng trái phép/bất hợp pháp thông tin cá nhân của khách hàng để đăng ký mở tài khoản, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng để chiếm quyền sử dụng, đăng ký vay trực tuyến, hoặc sử dụng vào các mục đích gian lận).

Do đó, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, NHNN cho rằng, cần đẩy nhanh hoàn thiện các tiêu chuẩn kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cho phép chia sẻ, kết nối mở với các ngành dịch vụ như ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm... để hỗ trợ định danh, xác thực khách hàng bằng phương tiện điện tử, qua đó tăng độ chính xác trong định danh, xác thực khách hàng. Hệ thống pháp luật cũng cần sửa đổi Luật Giao dịch điện tử 2005 tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho các bộ, ngành thực hiện chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho giao dịch điện tử và tăng cường lòng tin đối với giao dịch điện tử.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu cho biết, định hướng của NHNN trong thời gian tới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề: tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý (cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox, các quy định tạo thuận lợi cho ứng dụng công nghệ số…). Chú trọng triển khai Đề án 06: tập trung vào kết nối, khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số; tăng cường kết nối, hợp tác với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng hệ sinh thái số. Tiếp tục chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong giao dịch thanh toán điện tử. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân.
 

Hương Lan (T/h)