Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ ứng dụng ngân hàng số cao trong khu vực, với tỉ lệ tăng trưởng khoảng 40% chỉ trong thời gian ngắn, qua đó, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động cho ngân hàng. Với sự đầu tư lên đến 15.000 tỷ đồng, đến nay, ngành Ngân hàng đã bắt đầu hái “quả ngọt”.

Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi”, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực. Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn.

Ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 vừa qua, khi các giao dịch trực tuyến lên ngôi trong thời gian dài giãn cách xã hội, thanh toán trực tuyến bùng nổ, quá trình chuyển đổi số ngân hàng cũng được rút ngắn và có những bứt phá thần tốc”.

Số liệu từ Vụ Thanh toán cho thấy, hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số, ông Dũng cho biết thêm.

Đồng thời, nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%, phản ánh hiệu quả từ chuyển đổi số, phát triển dịch vụ ngân hàng số. Trong 8 tháng đầu năm 2022, thanh toán trên thiết bị di động tăng 107% về số lượng và 92% về giá trị.

nganhangso-1597291527-750x0-1664864944.jpg
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng đã đầu tư khoảng 15 nghìn tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Ảnh minh họa

Chung quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước. Đến nay, bước đi đó đã thành công vượt mong đợi. Thậm chí, thành công vượt qua tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

“Trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn hoạt động bình thường, vẫn giao dịch thanh toán mua hàng hóa mà vẫn cách ly. Đấy là những kết quả tôi cho rằng nếu không chuyển đổi số thì không thể làm được. Lợi ích của người dân vừa rồi là minh chứng rất rõ ràng cho việc sử dụng dịch vụ của ngân hàng”, ông Hùng nói.

Ông Hùng dẫn chứng việc ngành Ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Có thể kể tên một số ngân hàng như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… vừa qua đã chuyển đổi số và đưa vào ứng dụng sớm nhất, cho nên thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA lên đến 40-50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Có những lúc người ta chưa hiểu được rằng tại sao ngân hàng lợi nhuận cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Lợi nhuận cao như thế, CASA lên đến 40-50% thì hệ số rất lớn, góp phần tăng tỷ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi.

“Đây là tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân - người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi. Một trong những điều tôi cảm thấy rất phấn khởi là cả một quá trình như vậy hệ thống thanh toán của ngân hàng thông suốt, đảm bảo an toàn, tất cả giao dịch xử lý, kịp thời, nhanh chóng, an toàn”, ông Hùng khẳng định.

Dù đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số, tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra rằng, quá trình chuyển đối số còn mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài.

Bởi theo ông Hùng, hiện nay trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số. Còn lại cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì chưa thể triển khai được. Kể cả Thông tư 39 hiện nay cũng không thể sửa đổi được nếu Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung. Từ đó mới thấy được khó khăn của ngành ngân hàng, các ngân hàng thương mại trong việc triển khai chuyển đổi số.

Được biết, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số… Do vậy, các ngân hàng cũng với các doanh nghiệp về thanh toán đang tập trung nguồn lực, đầu tư cho phát triển các hạ tầng có tính vận hành, hệ thống thanh toán điện tử…

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Tổng Giám đốc VNPAY, cho biết: "Chúng tôi đang cung cấp dịch vụ cho hơn 40 ngân hàng, tạo ra các sản phẩm dành cho khách hàng số và làm đa dạng các hình thức thanh toán cho khách hàng".

Trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công an để kết nối nền tảng dữ liệu đang có như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc định danh, xác thực điện tử chính xác và cung cấp những dịch vụ an toàn, tiện lợi, nhanh chóng. Ngành ngân hàng không chỉ cung cấp dịch vụ của chính ngân hàng mà còn ngoài ngân hàng, thông qua việc tạo lập hệ sinh thái số để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ an toàn cho người dân trên các thiết bị điện tử.

Thi Nguyên (t/h)