Tăng cường khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics

Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics, tuy nhiên, để phát triển ngành logistics các chuyên gia cũng đề xuất cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, chú trọng hợp tác công - tư, sự tham gia của khu vực tư nhân.
logictics-1706601416.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do và với lợi thế địa kinh tế, dịch vụ logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.

Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Chất lượng cung cấp dịch vụ logistics được nâng cao rõ rệt, số lượng các dịch vụ logistics được cung cấp đa dạng, thị trường logistics của Việt Nam được mở rộng, các doanh nghiệp tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, tiến dần đến những khâu có giá trị gia tăng cao.

Chia sẻ về thị trường logistics, tại hội thảo xin ý kiến đối với dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới đây, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, sau 7 năm triển khai Quyết định 200 (Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025), ngành logistics nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở nước ta nói riêng đã có những bước tiến đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Đông cũng cho rằng hoạt động phát triển logistics vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Vì thế, để khắc phục, Bộ Công thương đã nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

dich-vu-logistic-lawnet-1706601406.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics. Ảnh minh họa

Theo đó, mục tiêu của Chiến lược đến năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6% - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60% - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Mục tiêu đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12% - 15%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 70% - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên. Với mục tiêu này, nhiều ý kiến cũng kỳ vọng có sự đổi mới trong quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Nhận định về dự thảo Chiến lược, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) cho biết: Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã phản ánh hầu hết những vấn đề cần giải quyết để gỡ các nút thắt hiện nay cho hoạt động logistics phát triển và đáp ứng kỳ vọng của toàn xã hội, đáp ứng đòi hỏi của nền kinh tế. Tuy nhiên, Chiến lược cần xác định vai trò của các địa phương là nơi phối hợp với các bộ, ngành tổ chức thực hiện, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất (xây dựng cảng, trung tâm logistics, depot...); xác định vai trò của các hiệp hội logistics trong công tác quy hoạch và phát triển hạ tầng logistics; đồng thời chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ra thị trường nước ngoài; hỗ trợ kết nối với các hiệp hội, doanh nghiệp các nước.

Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), chúng ta cần có những mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường và logistics xanh. Hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài có yêu cầu khá khắt khe về các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị), trong đó dịch vụ logistics cũng phải đáp ứng các tiêu chí xanh, bền vững. Ngoài ra, ngành cần có mục tiêu cụ thể về phát triển nguồn nhân lực. Hiện nhiều cơ quan, đơn vị đề ra mục tiêu đào tạo đến năm 2030 có thể cung cấp cho thị trường lượng nhân lực có trình độ cao. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành rất khó trong việc tuyển dụng cán bộ từ cấp trung trở lên. Đào tạo nguồn nhân lực cũng cần cải tiến chương trình đào tạo sát với thực tiễn.

Ngoài ra, để phát triển ngành logistics các chuyên gia cũng đề xuất cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ logistics, chú trọng hợp tác công - tư, sự tham gia của khu vực tư nhân./.

Đông Nghi