Khắc phục các điểm nghẽn, nâng cao năng lực và thứ hạng của ngành logistics

Dù sở hữu tiềm năng to lớn và đang có những cơ hội rộng mở, nhưng cần khắc phục những điểm nghẽn để thị trường logistics Việt Nam có thể phát triển như kỳ vọng.
cang-bien-1-1696497726.jpg
Việt Nam đang có nhiều lợi thế phát triển thị trường logistics. Ảnh minh họa

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.

Đánh giá về tiềm năng ngành logistics, tại Hội nghị Logistics 2023 - Con đường phía trước, các chuyên gia đều nhận định, logistics Việt Nam đang có con đường phát triển đầy kỳ vọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới nhiều tiềm năng phát triển nhưng để ngành này bước lên được "con đường màu xanh" cần phải kéo giảm chi phí logistics trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) của quốc gia vẫn còn điểm nghẽn.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cũng cho thấy chi phí logistics so với tổng GDP của Việt Nam đang ở mức 16,8%, trong khi bình quân thế giới là 10,7%. Nếu tính trong khu vực ASEAN, chi phí logistics VN cao hơn các nước Singapore (đang ở mức 8,5%), Malaysia (13%) và Thái Lan (15,5%).

Trước thực tế trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, để đạt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta còn nhiều việc phải làm.

Cụ thể, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi.

Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi phải có sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics...

Về phía các doanh nghiệp logistics, cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược nhân lực cho hoạt động logistics, sử dụng các chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc phát triển các dịch vụ logistics mới.

Đông Nghi