Để nông sản trở thành 'thương phẩm' giá trị cao

Khi liên kết vùng và cơ cấu lại sản xuất một cách nhất quán, nông sản không chỉ là "sản phẩm" trên đồng, dưới ao mà sẽ trở thành các "thương phẩm" có giá trị trên thị trường nội địa và quốc tế.

Ngày 22/4, tại Hội nghị của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã chia sẻ về định hướng phát triển ngành hàng lúa gạo nói riêng và định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung tại vùng ĐBSCL.

tom-lua-1650614763685160232827-1650700565.jpeg

Mô hình sản xuất "con tôm ôm cây lúa" tại ĐBSCL - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Nhìn từ sản phẩm lúa gạo

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia, bao gồm thuỷ sản, cây ăn quả, lúa gạo. Mặc dù lúa gạo không còn độc tôn như trước đây nhưng vẫn luôn giữ vai trò chiến lược trong việc bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nông nghiệp và là sinh kế của hàng triệu nông dân. Biến đổi khí hậu, biến động thị trường, chuyển đổi xu thế tiêu dùng cùng định hướng phát triển nông nghiệp "hàng hoá, sinh thái, bền vững" theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu mới hơn, cách tiếp cận phù hợp hơn trong một xu thế đã đổi khác.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ lời tâm sự chân tình của một lão nông vùng miền Tây sông nước: "Chỉ cần lúa có giá, nông dân chúng tôi sẵn sàng ra đồng giăng mùng ngủ giữ lúa. Chứ giá lúa thấp thì nông dân sẽ bỏ ruộng. Đó mới là mất an ninh lương thực".

Theo số liệu từ khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi ha hằng năm, canh tác lúa thấp hơn từ khoảng 2-3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thuỷ sản. Nếu chỉ dựa trên các chỉ tiêu về diện tích, năng suất, sản lượng đơn thuần thì rủi ro nông dân bỏ ruộng vì giá lúa thấp vẫn hiện hữu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng đây cũng là trăn trở chung của lãnh đạo địa phương trước "lời nguyền": Thu nhập từ nông nghiệp đã thấp, thu nhập từ trồng lúa lại càng thấp hơn.

Nhận diện thực trạng đáng lo ngại này, nhiều địa phương trong vùng đã mạnh dạn thí điểm điều chỉnh, đổi mới các mô hình canh tác. Đó là mô hình "Lúa thơm – Tôm sạch", "Chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang đa canh, xen canh", "Nuôi tôm dưới tán rừng" hay "Kết hợp dịch vụ du lịch, ẩm thực trên cánh đồng lúa" đã giúp bà con nông dân bán đảo Cà Mau, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên có thu nhập tốt hơn.

Nhờ các mô hình như "con tôm ôm cây lúa", cây lúa không còn đứng riêng một mình, không phải gồng mình tăng vụ. Đất trồng có thêm thời gian để "thở", để ngơi nghỉ, để đắp bồi phù sa. Chất lượng hạt gạo dần được cải thiện, sinh kế mở rộng nhờ vào nguồn lợi từ con tôm, con cá, cây trồng đa canh, xen canh, dù diện tích canh tác không hề tăng lên.

Đây có thể được xem là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo ngày càng ưu tiên chất lượng, tiêu dùng xanh là một xu thế không thể đảo chiều. Người tiêu dùng giảm dần lượng tiêu thụ và quan tâm nhiều hơn đến quy trình canh tác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Từ ĐBSCL, những điểm sáng thay đổi về phương thức sản xuất đã được nhóm lên bằng sự năng động, chủ động thích ứng với điều kiện mới của lãnh đạo, doanh nghiệp và người nông dân trong vùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhìn nhận: "Vấn đề tiếp theo là chúng ta cùng nhau đánh giá, lan toả và hệ thống thành chiến lược phát triển bền vững".

Giờ đây, khái niệm "an ninh lương thực" dần được mở rộng thành "an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng". Với góc nhìn này, đất canh tác nói chung, đất trồng lúa nói riêng, được tiếp cận theo hướng đa chức năng, đa công dụng, hướng đến tối ưu hoá giá trị tăng thêm trên một đơn vị diện tích. Đó chính là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp như chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đã xác định.

Tài nguyên nước - yếu tố cốt lõi trong sản xuất nông sản

Sông Cửu Long chín cửa hai dòng. Nguồn nước sông Tiền, sông Hậu dồi dào, đất đai màu mỡ tạo nên thương hiệu vùng đất trù phú và hào sảng.

Tài nguyên nước không chỉ giới hạn ở nước ngọt, mà còn cả nước lợ, nước mặn. Tài nguyên nước gắn kết chặt chẽ, mật thiết với các vùng sinh thái nông nghiệp đa dạng, dựa vào nguồn nước, bao gồm: Vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái mặn - lợ, vùng chuyển tiếp ngọt lợ, ngọt - lợ luân phiên.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh tinh thần chủ động, linh hoạt, thích ứng với sự thay đổi sẽ tiếp tục mở ra dư địa phát triển mới. Như cách thức một nhà khoa học phát minh thiết bị cảm biến tích hợp trí tuệ nhân tạo, đo đạc nồng độ mặn ngọt trên dòng Cổ Chiên, Trà Vinh, vốn thay đổi khác nhau theo giờ trong ngày, để tính toán thời điểm bơm nước tưới tiêu tốt nhất. Như cách thức các nhà nông học, người nông dân tâm huyết kiên trì lai tạo các giống cây trồng chịu hạn, chịu mặn, mà thành công nhất là các loại giống dòng ST và nhiều giống bản địa đang được phục tráng khác.

Với nguyên tắc "thuận thiên có kiểm soát", các công trình thủy lợi cấp vùng và tiểu vùng sẽ tiếp tục được khai thác hiệu quả, tổ chức quản lý, vận hành thống nhất, an toàn, phù hợp với định hướng chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tiêu biểu như hệ thống thuỷ lợi Cái Lớn – Cái Bé vừa đi vào hoạt động. Đồng thời, các giải pháp phi công trình, nâng cao năng lực cộng đồng, cải thiện sinh kế cho người dân sẽ được kết hợp hài hoà, đồng bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích những sản phẩm của nông nghiệp ĐBSCL (điển hình như lúa gạo) mới chỉ là "sản phẩm" trên đồng, trong vườn, dưới ao, chứ chưa tạo ra giá trị. Chỉ khi nào, những sản phẩm đó trở thành "thương phẩm", nghĩa là đến được thị trường một cách thông suốt, nhờ đáp ứng những chuẩn mực của thị trường với mức giá cạnh tranh, chi phí sản xuất tối ưu, thì nông nghiệp ĐBSCL mới thoát khỏi lời nguyền "được mùa, mất giá", nông dân mới trở nên khá giả.

Đó chính là chặng đường hướng tới thị trường chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng cao và tăng thêm thu nhập cho người nông dân.

Cần nhất quán trong tổ chức lại sản xuất nông sản

Để đạt được mục tiêu chiến lược đưa các sản phẩm nông sản của ĐBSCL, đặc biệt là lúa gạo thành thương phẩm giá trị cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần tổ chức lại sản xuất. Trong đó tập trung phát triển hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, sẽ hoá giải tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. "Đó là chủ trương cần nhất quán và cần được xem như một cuộc cách mạng của lãnh đạo các địa phương", ông Lê Minh Hoan khẳng định.

Từ tổ chức lại sản xuất tiến đến tổ chức lại ngành hàng và mở rộng thành hệ sinh thái từng ngành hàng nông sản, dựa trên không gian phát triển cấp vùng thống nhất, là những bước đi cần thiết và cấp thiết để dẫn dắt nông dân tiếp cận thị trường một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Sự điều phối theo chuỗi ngành hàng, tính liên kết vùng, tiểu vùng giữa các địa phương cần phải được chú trọng ngay đầu mùa vụ, chứ không phải chỉ tập trung xử lý khi nông sản ùn ứ sau thu hoạch. Mỗi địa phương cần chủ động mở rộng không gian liên kết, phát triển. Đất đai có thể manh mún, đơn vị hành chính có thể phân chia theo địa giới, nhưng tư duy không thể manh mún, không gian kinh tế không thể bị chia cắt.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai Chương trình phối hợp công tác với UBND 13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Song song đó, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL tại TP. Cần Thơ đã đi vào hoạt động.

Văn phòng sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, các cụm liên kết ngành nông - công nghiệp; kêu gọi đầu tư hệ thống hạ tầng kho bảo quản nông sản theo từng vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi ngành hàng và hệ sinh thái ngành hàng, bắt đầu là vận động thành lập các hiệp hội ngành hàng; hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã; thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp và tham gia hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: "Một doanh nhân nước ngoài từng nói nhiều nhà đầu tư quốc tế có thể khó nhận biết chính xác và rất mơ hồ về từng địa phương riêng rẽ, nhưng chắc chắn mọi người đều biết đến một Mekong Delta-ĐBSCL. Điều đó cho thấy tầm quan trọng trong tư duy liên kết vùng, cùng tạo ra thương hiệu chung cho vùng. Tính liên kết, hợp tác vừa tạo ra giá trị chung, vừa khơi gợi, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của từng địa phương, dần mở rộng không gian vượt ra địa giới vùng"./.