Giá nông sản "khởi sắc" khi cửa khẩu được thông quan

Tình hình cửa khẩu phía Bắc có tín hiệu khởi sắc ở những ngày đầu tháng 5, khi lượng xe thông quan tăng lên, kéo theo giá thu mua nông sản ở các tỉnh cũng có sự khởi sắc.

Cụ thể, theo Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, lượng xe xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đang ổn định ở mức trên 100 xe/ngày, lượng xe còn tồn đã giảm còn dưới 1000 xe.

Ghi nhận thị trường nông sản tại một số chủ vườn ớt tại Bình Định, Đắk Lắk cho biết, giá ớt chỉ thiên vài ngày gần đây đã tăng lên mức trên 30.000 đồng/kg. Qua đó, giá ớt đã có sự phục hồi khá cao ở ngày 4/5.

Khoảng 1 tháng trước có thời điểm giá ớt đã vọt lên 50.000 đồng/kg nhưng sau đó đã rớt lại về mức dưới 20.000 đồng/kg và duy trì từ đó đến nay.

Sau khi tình hình cửa khẩu phía Bắc có sự khai thông, ớt được thu mua xuất khẩu nhiều hơn kéo theo giá ớt tăng lên.

-1651656698.jpeg
Giá ớt chỉ thiên vài ngày gần đây đã tăng lên mức trên 30.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ.

Tương tự, giá mít sau một thời gian dài rớt giá sâu đã có dấu hiệu tăng lên. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá mít thu mua tại các vựa ở Tiền Giang đã tăng 1.000 đồng/ngày.

Sáng ngày 4/5, giá mít xuất khẩu loại 1 được thương lái thu mua giá 8.000 đồng/kg, mít chợ cũng tăng lên mức 5.000 đồng/kg. Dù vẫn chưa đạt kỳ vọng của các chủ vườn nhưng so với mức giá nằm ở đáy suốt 2 tháng nay thì diễn biến này là tín hiệu tích cực, giúp các nhà vườn không bi quan chặt bỏ vườn khi chi phí tăng cao mà giá bán lại quá thấp.

Một nguyên nhân khiến giá các loại nông sản tăng lên là sản lượng thu hoạch giảm sút do nông dân giảm đầu tư.

Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo Tọa đàm trực tuyến “Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (4/3) tại Hà Nội nhận định, tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc, các đại biểu cho rằng, Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero COVID". Do đó, việc kiểm tra chặt chẽ dịch bệnh theo chính sách này khiến việc thông quan chậm. Trước thực tế này, từ Trung ương đến địa phương đã liên tục có điện đàm với phía bạn để tháo gỡ. Kết quả, từ ngày 25/1 đến nay đã có 15 ngàn xe hàng được thông quan.

Vì vậy, để không còn tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu thì cần tăng cường trao đổi, thống nhất các tiêu chuẩn phòng, chống dịch Covid-19 với các cơ quan chức năng của các nước để đảm bảo quy trình thông quan hàng hóa tại cửa khẩu nhanh chóng, thuận lợi.

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Là một trong những đơn vị chủ trì trong việc thông quan hàng hóa, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chúng tôi nghĩ rằng, việc thiết lập vùng xanh để làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa rất quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu”.

Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, sau Tết Nguyên đán, đến nay việc ùn ứ trở lại, xuất hiện ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Mặc dù Lạng Sơn đã triển khai xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực biên giới với quy trình, tiêu chuẩn phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, thực hiện các phương thức giao nhận hàng hóa chưa có tiền lệ; trao đổi hàng ngày, hàng giờ với các cơ quan chức năng của phía bạn để đảm bảo quy trình thông quan, đặc biệt đối với hàng nông sản đang vào chính vụ. Tuy nhiên, hoạt động thông quan chưa được cải thiện, trong khi hàng hóa tiếp tục được đưa lên cửa khẩu.

Trước đó ngày 4/3, lượng xe chờ thông quan là 1.400 xe, gồm 800 xe chở nông sản nên đang tạm ngừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi qua Lạng Sơn đến ngày 15/3. Dự báo lượng xe sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới vì đang vào chính vụ thu hoạch, tiêu thụ nội địa chưa nhiều, nên vẫn chuyển lên cửa khẩu khiến tình hình ùn ứ vẫn tiếp diễn.

Đến thời điểm hiện nay, có 13/78 cửa khẩu trên cả nước hoạt động. Tuy nhiên, từ ngày 26/2 đến nay, hàng nông sản chỉ xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Các cửa khẩu ở địa phương khác đã tạm dừng.
Phương Ly (t/h)