Tác hại khôn lường khi sử dụng các loại thuốc tây không rõ nguồn gốc xuất xứ

Những ngày gần đây, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tại các địa phương liên tiếp phát hiện hàng loạt vụ buôn bán, thu giữ hàng nghìn các loại thuốc tây không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo. Điều này gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với sức khỏe của người tiêu dùng khi sử dụng các loại thuốc tây không rõ nguồn gốc. 

Liên tiếp phát hiện các cơ sở kinh doanh thuốc tây không rõ nguồn gốc

Ngày 23/2, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP Hà Nội đã phối hợp với Cục CSHS, Bộ Công an và Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại địa chỉ: P2.11.12, Park 2, Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cơ quan chức năng đã phát hiện gần 3 tấn thực phẩm chức năng và nguyên liệu thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo lời khai của chủ cơ sở kinh doanh, tất cả số thuốc này đều là thuốc về lợi tiểu và đường tiêu hóa. 

thuoc-tay-khong-ro-nguon-goc-1678333294.jpg
Cơ quan chức năng phát hiện hơn 2 tấn nguyên liệu làm thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ tại khu đô thị Times City. Ảnh: QLTT Hà Nội

Đáng chú ý trong vụ việc, đối tượng này thường xuyên thay đổi và sử dụng các căn hộ cao cấp để làm địa điểm tập kết hàng hóa. Mọi thông tin, giao dịch chốt đơn đều được thực hiện thông qua mạng xã hội Facebook và vận chuyển hàng qua ship code nhằm tránh sự chú ý của người dân cũng như sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Tiếp đó, ngày 6/3, Cục QLTT tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công an tỉnh Bình Dương tiến hành kiểm tra ki ốt chứa hàng tại địa chỉ: 20/22B, tổ 22, khu phố Bình Phú, phường Bình Chuẩn, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ  2.460 viên thuốc tây dùng cho người dạng viên nén, nhãn hiệu Fugacar loại 500mg/viên, hộp 1 viên, trên bao bì thể hiện xuất xứ tại Thái Lan cùng 5.082 cái Tem chống giả.

thuoc-gia-mao-1678333408.jpg
Cục QLTT tỉnh Bình Dương phát hiện 2.460 viên thuốc tây dùng cho người dạng viên nén, nhãn hiệu Fugacar loại 500mg/viên, hộp 1 viên có dấu hiệu giả mạo tại ki ốt chứa hàng tại Thuận An, Bình Dương.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 2.700 viên thực phẩm chức năng (cường dương) có nhãn gốc bằng tiếng Ả Rập, qua sử dụng phần mềm google dịch (Ả Rập - Việt) thể hiện Hong Kong, Trung Quốc và 70.272 cái bao cao su các loại trên bao bì thể hiện xuất xứ Thái Lan.

Tất cả các số thuốc tây, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng trong các vụ việc được phát hiện đều không có nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì thể hiện bằng chữ nước ngoài, có dấu hiệu giả mạo. Các chủ cơ sở đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hợp pháp.

Tiềm ẩn mối nguy hại khi sử dụng thuốc tây giả

Hiện nay, theo quy định thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc; quầy thuốc; tủ thuốc của trạm y tế xã/phường; cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu. Do đó, việc mua bán thuốc phải được diễn ra tại nhà thuốc, dược sĩ phải có mặt để thực hiện công tác chuyên môn, tư vấn; các thuốc bán phải được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. 

Nếu người bệnh điều trị bằng thuốc giả mạo sẽ không có kết quả tốt mà ngược lại có thể gây kháng thuốc. Đặc biệt, đối với người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường… phải dùng thuốc trong thời gian lâu dài, nếu dùng phải thuốc giả thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, quá trình điều trị không hiệu quả, bệnh tật diễn biến nặng hơn khi sử dụng loại thuốc không phù hợp.

Đáng chú ý, thuốc tây giả, thuốc tây không rõ nguồn gốc sẽ không xác định chính xác thành phần hoạt chất có trong thuốc, có nguy cơ gây tác dụng phụ đối với người bệnh, nguy hiểm hơn nữa là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. 

Một số loại thuốc giả có chứa hoạt chất, tá dược kém chất lượng có lẫn độc chất, kim loại nặng có thể gây nhiễm độc, suy giảm chức năng các bộ phận quan trọng của cơ thể, thậm chí gây tử vong cho người dùng thuốc.

Do vậy, để tránh mua phải thuốc giả, người tiêu dùng nên mua thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc tân dược có uy tín. Tuyệt đối không nên mua thuốc không rõ nguồn gốc được rao bán, quảng cáo rầm rộ trên mạng, tránh tiền mất tật mang. 

Ngoài ra, người tiêu dùng cần chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình mình bằng việc trang bị thêm thông tin cho mình về các sản phẩm thuốc, cơ sở sản xuất, bao bì, hạn sử dụng, tem nhãn, quan sát nếu có dấu hiệu bất thường nên nhờ các bác sỹ, dược sỹ tư vấn trước khi sử dụng. 

Hiện nay, để bảo vệ uy tín cũng như lợi ích của khách hàng, nhiều công ty dược phẩm đã áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại trong đó có việc sử dụng các mã nhúng, mã xác minh, mã vạch bằng tin nhắn hoặc xác minh trực tuyến để xác nhận sản phẩm là hàng chính hãng. 

Khi có các triệu chứng bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế,bệnh viện để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng cách, uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra./.

Anh Thư