Sức hút của nông nghiệp thông minh trong hành trình khởi nghiệp nghề nông

Những năm gần đây, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được nhiều người chọn lựa, dù trải qua nhiều khó khăn, vất vả nhưng nhiều người trong số họ đã thành công, trở thành những điển hình trong phong trào phát triển sản xuất kinh doanh giỏi ở mỗi địa phương.
nong-nghiep-thong-minh-01-1705895287.jpg
Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu thế Việt Nam không thể đứng ngoài.

Nông nghiệp thông minh thu hút giới trẻ

Nông nghiệp đang ngày càng thu hút nhiều người trẻ, là mảnh đất màu mỡ cho các startup, nhất là với khởi nghiệp về nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi một cá nhân hay tổ chức khởi nghiệp đều có một con đường, một phương thức đến với nông nghiệp nhưng ở họ có một điểm chung là quyết tâm nâng tầm những sản phẩm nông nghiệp, góp phần mang lại diện mạo mới cho nông nghiệp – nông nghiệp thông minh thời kỳ mới.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ canh tác thông minh là một lĩnh vực tiềm năng và hấp dẫn cho các bạn sinh viên và các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

nong-nghiep-thong-minh-02-1705895277.jpg
Công nghệ canh tác thông minh là một lĩnh vực tiềm năng và hấp dẫn cho các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn và Đầu tư khởi nghiệp quốc gia (NSCI) nhận định: Trước đây, nhắc đến hoạt động nông nghiệp thường là điệp khúc “được mùa - mất giá” hoặc ngược lại, nhưng thời điểm hiện tại, nhờ áp dụng công nghệ mà những mô hình khởi nghiệp từ nông nghiệp chuyển biến rõ rệt. Rất nhiều mô hình đã chứng minh xu thế khởi nghiệp nông nghiệp, đặc biệt nông nghiệp thông minh là sự lựa chọn đúng đắn.

Còn anh Trần Văn Tân (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) - Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Năm 2018, tôi dấn thân vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, quá trình khởi nghiệp gặp muôn vàn khó khăn về tích tụ ruộng đất, cơ chế thủ tục… Giai đoạn đó, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao còn mới với chúng tôi. Tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng đến nay, chúng tôi đã chọn và tìm được con đường đúng đắn. Đó là, xây dựng vùng nguyên liệu trồng rau má Thanh Hóa. Nếu như trước đây, cây rau má mọc dại ở nhiều nơi thì đến nay chúng tôi xây dựng thành công vùng nguyên liệu, có nhà máy chế biến. Hiện, vùng nguyên liệu trồng rau má, tía tô, diếp cá… phát triển được hơn 200ha".

Theo các chuyên gia nông nghiệp, tham gia vào sản xuất nông nghiệp thông minh sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam tăng khả năng kết nối giữa người sản xuất với thông tin, quản lý sản xuất tốt hơn, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp để sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Nhà nước cho nông nghiệp. Điều này cho thấy những lợi ích, giá trị mà nông nghiệp thông minh mang lại cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Song để phát triển nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần có cách tiếp cận thông minh, phù hợp dựa trên nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo phương thức sản xuất được tối ưu nhất và hài hòa nhất và hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

Nông nghiệp thông minh bắt nhịp xu thế hội nhập

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, nguyên Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương, với Việt Nam, rõ ràng nông nghiệp là lợi thế. Nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc… điều kiện tự nhiên của họ khắc nghiệt hơn chúng ta nhiều. Chúng ta có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nền nông nghiệp. Từ năm 2008, sau khi hội nhập, nền nông nghiệp nước ta phát triển rất nhanh. Bởi vậy, trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, yếu tố đặt lên hàng đầu là hiệu quả. Hiệu quả dựa trên quy mô, công nghệ, quản trị.

Cũng theo ông Tiến, về cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, chúng ta có rất nhiều. Chúng ta có chính sách tích tụ ruộng đất, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã. Chúng ta có chính sách hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị... Vấn đề đặt ra chúng ta tiếp cận chính sách như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết thêm, hiện có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp, như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai tiến tới sản xuất lớn. Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là lĩnh vực mới ở Việt Nam và chưa phát triển như kỳ vọng nên trong quá trình sản xuất của bà con sản xuất rất gian nan. Nhưng hiện nay chúng ta có nhiều chính sách cởi mở trong nông nghiệp như Luật Đất đai khuyến khích nông dân tích tụ đất đai để sản xuất lớn.

Bên cạnh đó, chúng ta phải phát triển nông nghiệp đa giá trị kết hợp với các yếu tổ lịch sử, hay du lịch sinh thái để nâng cao giá trị cho sản phẩm.

Ông Tiến cho rằng, thời gian tới chúng ta cần có đội ngũ tư vấn để tổ chức sản xuất để thuyết phục các cơ quan nhà nước vào cuộc hỗ trợ. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là xu thế chúng ta không thể đứng ngoài. Vì nếu đứng ngoài thì chúng ta sẽ không cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường. Khi sản xuất sản phẩm, chúng ta phải xác định phải có truy xuất nguồn gốc và đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn để xuất khẩu nhiều hơn.

nong-nghiep-thong-minh-04-1705895350.jpg
Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, yếu tố đặt lên hàng đầu là hiệu quả.

Đồng quan điểm với ông Tiến, nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, cần chú ý tới các xu hướng nông nghiệp hiện đại, đó là:

Thứ nhất, chúng ta đều nhìn thấy rõ xu hướng hiện tại và trong tương lại sẽ luôn luôn thời sự, đó là các sản phẩm "sạch". Để có sản phẩm sạch thì hữu cơ sẽ là yếu tố giúp sản phẩm của chúng ta tăng giá bán, vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Bên cạnh yếu tố sản xuất hữu cơ, chúng ta có thể tham gia và xây dựng sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn OCOP, đây cũng là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm mà nhiều địa phương đã và đang tiếp tục xây dựng.

Thứ hai là xu hướng xuất khẩu. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp đang được xuất khẩu nhanh, nhiều như vũ bão. Mỗi khi đọc các bản tin hay xem thời sự chúng ta đều có thể nắm bắt được các thông tin về xuất khẩu nông sản. Và chỉ khi xuất khẩu thì mới có thể mang lại giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần so với bán ở thị trường nội địa.

Thứ ba là xu hướng lựa chọn những sản phẩm tinh chế áp dụng công nghệ cao.

Thứ tư, cần tiếp cận và chú trọng tới hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiện đại thông qua các hình thức phân phối logistics. Xây dựng kênh phân phối riêng để có thể chủ động hoàn toàn trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm.

Và cuối cùng là xu hướng kết hợp yếu tố công nghệ cao vào sản xuất chế biến để tạo ra những sản phẩm đột phá. Khi đưa yếu tố công nghệ vào không chỉ giúp tiết kiệm được chi phí tăng được sự cạnh tranh của sản phẩm, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, rõ ràng.

Điều các nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp hiện nay cần nhất chính là Nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương quan tâm nhiều hơn tới nông nghiệp tại địa bàn, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện giúp các startup khởi nghiệp thành công, tạo dựng được sản phẩm uy tín hơn nữa không chỉ ở thị trường Việt Nam mà cả nước ngoài.

Thêm vào đó, Nhà nước, Bộ, ngành có cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp bền vững, mang tính dài lâu để không chỉ sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các vùng miền trong cả nước tiếp cận được với người tiêu dùng, mà còn nhiều loại nông sản khác của Việt Nam, đặc biệt là không chỉ người có thu nhập mua được mà cả những người lao động bình dân cũng có cơ hội tiếp cận. Muốn vậy, Chính phủ cần hỗ trợ các startup về lãi suất, nguồn vốn để giảm giá thành./.

Bình Châu