
Cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc BVTV
Trong nền nông nghiệp hiện đại, thuốc BVTV đóng vai trò thiết yếu trong việc phòng trừ sâu bệnh và nâng cao năng suất cây trồng. Tuy nhiên, việc sử dụng thiếu hiểu biết hoặc không đúng quy định có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn khiến người nông dân đối mặt với các chế tài xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự.
Theo luật sư Hoàng Văn Hà, đại diện Công ty Luật ARC Hà Nội (HNLAW), người dân, đặc biệt là bà con nông dân, cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc BVTV. Việc sử dụng sai cách hoặc lạm dụng các loại thuốc này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cộng đồng.
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể để xử lý hình sự trực tiếp hành vi lạm dụng thuốc BVTV gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nếu hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng, người vi phạm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều khoản của Bộ luật Hình sự. Trong đa số trường hợp, hành vi vi phạm sẽ bị xử lý dưới hình thức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành, luật sư Hoàng Văn Hà nhấn mạnh.
Theo Nghị định 31/2023/NĐ-CP, các hành vi vi phạm hành chính trong việc sử dụng thuốc BVTV sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ vi phạm. Cụ thể, cá nhân sử dụng thuốc ngoài danh mục được phép có thể bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng; sử dụng sai hướng dẫn, sai liều lượng hoặc sai kỹ thuật sẽ bị phạt từ 1 đến 2 triệu đồng; sử dụng thuốc hết hạn sử dụng bị xử phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Trường hợp lạm dụng thuốc BVTV gây ảnh hưởng đến môi trường hoặc cây trồng, mức phạt có thể lên tới 5–10 triệu đồng. Đối với tổ chức vi phạm, mức xử phạt sẽ gấp đôi so với cá nhân.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường, các hành vi liên quan đến thuốc BVTV còn có thể bị áp dụng mức phạt cao hơn. Ví dụ, hành vi vứt bỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV ra môi trường có thể bị phạt từ 10 đến 100 triệu đồng; nếu gây ô nhiễm đất, nước hoặc không khí do sử dụng hoặc thải bỏ thuốc BVTV, mức phạt có thể dao động từ 50 đến 200 triệu đồng.
Không dừng lại ở xử phạt hành chính, những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị xử lý hình sự. Luật sư Hoàng Văn Hà cho biết, theo Điều 235 Bộ luật Hình sự, người sử dụng thuốc BVTV gây hậu quả như làm chết người, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người khác hoặc hủy hoại hệ sinh thái có thể bị phạt tù từ 1 đến 7 năm và bị phạt tiền lên tới 1 tỷ đồng.
Việc nâng cao nhận thức và tuân thủ quy định pháp luật khi sử dụng thuốc BVTV là yêu cầu cấp thiết hiện nay, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, đồng thời bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sống.
Sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn và hiệu quả
Việc sử dụng thuốc BVTV (BVTV) đúng cách không chỉ giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn cho cộng đồng mà còn góp phần xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam sạch, uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế canh tác, không ít bà con nông dân vẫn còn lúng túng hoặc chủ quan trong quá trình sử dụng thuốc, dẫn đến những hệ lụy về sức khỏe, môi trường và thậm chí là vi phạm pháp luật.
Theo ông Nguyễn Hữu Quảng – chuyên gia của Hiệp hội CropLife Việt Nam, để sử dụng thuốc BVTV một cách an toàn và hiệu quả, người dân cần tuyệt đối tuân thủ 5 nguyên tắc "vàng". Trước tiên, cần hiểu rõ hướng dẫn an toàn trên nhãn sản phẩm: khi mua thuốc, phải kiểm tra kỹ bao bì, nhãn mác và hướng dẫn sử dụng; khi vận chuyển, cần đảm bảo đúng cách để tránh rơi vãi, gây hại cho người và môi trường.
Tiếp đó là nguyên tắc tuân thủ đúng liều lượng và hướng dẫn sử dụng. Bà con cần pha chế đúng tỷ lệ, biết rõ nhóm độc của thuốc và thời gian cách ly nhằm đảm bảo nông sản không bị tồn dư hóa chất, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Một nguyên tắc quan trọng khác là trang bị đầy đủ đồ bảo hộ khi phun thuốc. Đây là biện pháp cơ bản nhưng thiết yếu để người sử dụng tránh tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại, bảo vệ chính sức khỏe của mình trong quá trình làm việc.
Bên cạnh đó, bà con cần xử lý đúng cách sau khi sử dụng, bao gồm súc rửa bình phun, xử lý phần thuốc còn lại theo quy định và tuyệt đối không đổ thuốc thừa xuống ao hồ, đồng ruộng – những hành vi có thể gây ô nhiễm nghiêm trọng cho hệ sinh thái.
Cuối cùng, không thể bỏ qua nguyên tắc vệ sinh cá nhân sau khi phun thuốc. Việc rửa kỹ mắt, mũi, tai, tay chân và các vùng cơ thể tiếp xúc với thuốc là rất cần thiết để hạn chế tối đa rủi ro hóa chất ngấm vào cơ thể.
Ông Quảng nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng hướng tới tiêu chuẩn an toàn và bền vững, việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc trên không chỉ giúp bà con tránh bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường mà còn là cách để bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng nông sản và uy tín của người làm nông.