Chương trình nhằm quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc tới bạn bè quốc tế và giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống cho các thế hệ mai sau; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến giới thiệu du lịch Làng cổ ở Đường Lâm, giới thiệu các đặc sản địa phương, quảng bá điểm đến du lịch đến người dân và du khách, đặc biệt người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội.
“Hoạt động cũng nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến, phát triển thương mại, kích cầu du lịch Làng cổ ở Đường Lâm nói riêng và Thị xã Sơn Tây nói chung”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây nhấn mạnh. Theo Trưởng ban Quản lý Di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, “Tết làng Việt” chào Xuân Quý Mão 2023 sẽ có sự tham dự của đại diện đại sứ quán, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện doanh nghiệp nước ngoài, sinh viên quốc tế trên địa bản thành phố Hà Nội; các Sở, ban, ngành Thành phố cùng các doanh nghiệp lữ hành…
Đến với “Tết làng Việt” du khách sẽ được biết đến các phong tục truyền thống trong dịp Tết, các nghề truyền thống của những hộ gia đình ở Đường Lâm; du khách được mời trải nghiệm ẩm thực Tết của người dân Đường Lâm, như: Bánh chưng, gà Mía, thịt quay đòn...; xem trình diễn sản phẩm thủ công, trang phục truyền thống của Làng cổ; được giới thiệu, trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống như: chọi gà, bắt chạch trong chum, bịt mắt đập niêu... cùng nhiều hoạt động diễn ra tại sân đình làng Mông Phụ, nhà cổ của gia đình ông Hà Nguyên Huyến, xưởng sản xuất sản phẩm sơn mài của nghệ nhân trẻ Nguyễn Tấn Phát…
Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, cách trung tâm thành phố Hà Nội chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia./.