Sơn La: Phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn

Trong năm 2022, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân.
daigiasuc2-1674699237.jpg
Chợ trâu, bò ở Bảo Lâm, Cao Bằng

Triển khai thực hiện Kết luận số 703-KL/TU ngày 30/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố cụ thể hóa kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy thành các chương trình, đề án triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn. Ngày 09/12/2022 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 156/NQ-HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tổng đàn trâu ở các xã vùng III hiện có 88.608 con, bằng 76,9% tổng đàn trâu toàn tỉnh; sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 3.542 tấn, bằng 68,6% sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh. So với năm 2021 tổng đàn tăng 4,7%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng giảm 1,2%. Tổng đàn bò 211.432 con, bằng 60,2% tổng đàn bò của tỉnh; sản lượng thịt hơi xuất chuồng: 4.521 tấn, bằng 70,2% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của tỉnh. So với năm 2021 tổng đàn tăng 7,9%, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng 7,3%.

Hiện 90% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán với các phương thức khác nhau tùy thuộc vào quy mô và loại vật nuôi. Đây là hình thức chăn nuôi có từ lâu đời với mục đích tự cung tự cấp, đặc trưng của phương thức chăn nuôi này là đầu tư vốn và kỹ thuật chăn nuôi thấp, phổ biến đối với trâu bò chăn thả tự do, chuồng giản đơn với nguồn thức ăn tận dụng. Năng suất vật nuôi thấp, sản phẩm hàng hóa và hiệu quả kinh tế không cao; song, phương thức chăn nuôi này lại dễ thực hiện, phù hợp khả năng vốn đầu tư và kinh nghiệm, trình độ chăn nuôi của hầu hết các hộ gia đình nông thôn.

48b71fbe16dfd4818dce-16579663475882101449037-16579696451591598746305-1674699544.jpeg
Nuôi trâu, bò vỗ béo nhốt chuồng, dễ chăm sóc, chi phí thức ăn thấp, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, chỉ sau vài tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Ảnh: Văn Ngọc

Trên địa bàn tỉnh có 309 trang trại (trong đó bò sữa: 240 trang trại, bò thịt: 69 trang trại), trong đó có 36 trang trại bò thịt tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn, bằng 52,2% tổng số trang trại chăn nuôi bò thịt trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ chăn nuôi trang trại, chăn nuôi tập trung trên địa bàn còn thấp, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Diện tích cây thức ăn ở các xã vùng III và bản đặc biệt khó khăn: 6.631,4 ha trồng cỏ, sản lượng 3.171,2 tấn; 642 ha cây thức ăn khác. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nhà máy chế biến thức ăn tinh cung cấp ra thị trường.

Tổng số doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi là 28 tổ chức, bằng 66,7% số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Hiện nay có 3 sản phẩm từ thịt trâu, bò đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 01 sản phẩm thịt Trâu hun khói tại Trại giống, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã thuộc xã khu vực III đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao./.

Như Thuỷ