Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng có nhiều thuận lợi về thời tiết, địa hình nhưng phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) so với các vùng trong cả nước thì ngày càng tụt hậu, việc thu ngân sách và đời sống của người dân còn thấp.
ĐBSCL có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nhưng năng suất vận chuyển còn thấp, chủ yếu bằng phương tiện thủy nội địa và đường bộ.
Hệ thống cảng chủ yếu nằm trong sông, luồng vào cảng còn hạn chế và ít cảng container chuyên dùng. Ngay cả dự án luồng cho tàu lớn vào sông Hậu khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 10.000 DWT đầy tải, 20.000 DWT giảm tải ra vào. Tình hình ấy khiến cho 70-80% hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL đang phải tiếp chuyển đến các cảng khu vực. Từ đó tăng chi phí vận chuyển mỗi tấn hàng từ 6-8 USD, làm giảm sức cạnh tranh với hàng hóa.
Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Trong đó, tỉnh đề xuất đưa cảng Trần Đề vào quy hoạch, làm cơ sở cho việc việc kêu gọi đầu tư.
Theo đó, cảng Trần Đề sẽ xây dựng 6 bến cảng dài 1.600 - 2.200m, gồm 4 bến tổng hợp, hàng rời tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT giảm tải và 2 bến container tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT. Công suất hàng hóa thông qua khoảng 30 - 35 triệu tấn/năm. Diện tích cảng rộng 1.400ha.
Cảng cũng sẽ có bến sà lan dài 500m tiếp nhận sà lan đến 5.000T phục vụ tiếp chuyển hàng hóa từ bến cảng ngoài khơi vào phía bờ. Cầu dẫn vượt biển dài 18km.
Đồng thời, định hướng đến năm 2050 và sau năm 2050, nâng cấp cảng lên 7 bến tổng hợp và 8 bến container, tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000DWT (18.000Teu). Công suất hàng hóa thông qua khoảng 80 - 100 triệu tấn/năm.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT đẩy nhanh tiến trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đường bộ kết nối vùng ĐBSCL đến bến cảng Trần Đề.
Trước đó, ngày 12/12/2018, tại Sóc Trăng, Bộ GTVT đã tổ chức “Hội nghị kết nối mạng giao thông các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nghiên cứu, đầu tư xây dựng cảng Trần Đề” với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng các lãnh đạo, cơ quan chuyên môn thuộc 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL và TP.HCM.
Do tầm quan trọng của cảng Trần Đề, chính vì thế không chỉ lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, mà lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), lãnh đạo Bộ GTVT và nhân dân toàn vùng đang khát khao làm sao xây dựng được cảng nước sâu Trần Đề. Nếu hải cảng này mở ra thì đây là cơ hội vàng cho "đất Chín Rồng" cất cánh...