Theo ông Võ Văn Chiêu, Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng: quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch tổng cộng có 20 dự án, với tổng quy mô công suất 1.435MW. Đến cuối năm 2021, tỉnh đã triển khai thi công được 11 dự án. Đến trước ngày 31/10/2021, tỉnh đã có 4 nhà máy điện gió hoàn thành và hoàn thành giai đoạn 1 với tổng công suất 110,8MW.
Việc một số nhà máy điện gió đã vượt mọi khó khăn, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 làm cho nhiều hoạt động lưu thông, đi lại khó khăn nhưng trên các công trường điện gió vẫn duy trì hoạt động cho thấy các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, giám sát đã rất nỗ lực, cố gắng cho kịp tiến độ đề ra. Các dự án nhà máy điện gió sớm hoàn thành không chỉ góp phần làm lợi cho doanh nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước, tăng thêm nguồn điện hòa lưới quốc gia.
Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng là một trong 4 dự án đã đóng điện vận hành thương mại đầu tiên ở Sóc Trăng. Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Công ty Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng cho biết, thực hiện theo kế hoạch và được sự động viên của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, ngay từ cuối tháng 10/2021, nhà máy đã chính thức vận hành thương mại.
Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng do liên danh Công ty cổ phần FECON và Công ty Ecotech làm chủ đầu tư với công suất giai đoạn 1 là 30 MW, tổng mức đầu tư hơn 1.420 tỷ đồng, triển khai trên diện tích 7,5 ha vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu, với 6 trụ turbine gió, mỗi turbine có công suất 5 MW, sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp điện năng cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng khoảng 97,5 triệu kWh/năm.
Không xa nhà máy điện gió Quốc Vinh là nhà máy điện gió số 7 do Công ty Cổ phần Năng lượng Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Đây là dự án thực hiện có 7 turbine gió và gần như toàn bộ nằm ngoài bãi bổi ven biển của thị xã Vĩnh Châu.
Ông Nguyễn Bá Tiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Sóc Trăng cho biết, lúc mới triển khai thi công, cũng là lúc dịch bùng phát ở Vĩnh Châu mà khu vực công trường cũng là tâm dịch nên doanh nghiệp phải chuẩn bị phương án ứng phó, vừa thi công vừa phòng chống dịch, lãnh đạo đề ra phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Sự an toàn của nhà máy đã đóng góp ý nghĩa việc thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cùng địa phương”.
Khó khăn trong thi công của dự án này cũng theo ông Tiến là phải hoàn thành lắp đặt 7/7 turbine gió, hợp long toàn tuyến 7,4 km cầu dẫn trên mặt nước, vùng bãi bồi, hoàn thành kéo rải và đấu nối cáp 22kV trên cầu và 5 khoảng cột đường dây 22kV phục vụ đấu nối các turbine về trạm biến áp.
Nhờ sự nỗ lực cố gắng của nhà thầu, thi công và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động ngày đêm mà ngay trong tháng 10/2021, Nhà máy điện gió số 7 Sóc Trăng đã chính thức được công nhận vận hành thương mại toàn bộ nhà máy, với công suất 29,4MW.
Cùng với nhà máy điện gió Quốc Vinh và nhà máy số 7 Sóc Trăng sớm hoàn thành đưa vào vận hành, từ cuối tháng 10/2021, trên địa bàn tỉnh còn có 2 nhà máy đưa vào vận hành một phần là nhà máy điện gió Lạc Hòa giai đoạn 1 (số 5) và nhà máy điện gió Hòa Đông 2.
Việc được công nhận vận hành thương mại trước ngày 31/10, các dự án nhà máy điện gió đã được hưởng giá ưu đãi cố định (giá FIT) cho điện gió theo Quyết định số 39 được Thủ tướng Chính phủ ban hành về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.
Trong nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió còn lại đang triển khai thi công tại vùng ven biển Sóc Trăng, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, hiện sắp hoàn thành 2 dự án nhà máy điện gió với quy mô công suất 60MW có thể trước Tết Nguyên đán này là nhà máy điện gió Công lý Sóc Trăng (số 1), với công suất 30MW và dự án nhà máy điện gió Lạc Hòa (số 20), với công suất 30MW.
Còn lại 5 dự án nhà máy điện gió đang thi công là nhà máy điện gió số 2, số 3, nhà máy điện gió Hòa Đông, nhà máy điện gió Lạc Hòa 2 và nhà máy điện gió số 18 sẽ hoàn thành trong năm 2022 này.
Để có những cánh quạt turbine gió sớm sải cánh, đem lại nguồn năng lượng sạch phục vụ quê hương, trong thời gian qua, các dự án diện gió đã được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương và địa phương luôn tạo điều kiện cho dự án sớm được triển khai, thi công an toàn, được động viên kịp thời...
Trong một lần đi kiểm tra, khảo sát tiến độ các công trình điện gió vùng ven biển Vĩnh Châu, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, ông Lâm Văn Mẫn đã động viên các chủ đầu tư cùng các công nhân, kỹ sư đang thi công trên công trường nhà máy điện gió và đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa nguồn năng lượng sạch hòa vào lưới điện quốc gia, đồng thời phải thi công an toàn, đảm bảo chất lượng cao nhất.
Theo bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng thì, khi các công trình điện gió hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo nên những cánh đồng điện gió vùng ven biển thêm sinh động, tạo cảnh quan môi trường vùng ven biển Sóc Trăng, thúc đẩy du lịch phát triển, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Xuân Nhâm Dần đã đến cận kề, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cũng đã vừa hoàn thành là đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vùng ven biển thị xã Vĩnh Châu cũng như thay áo mới với hàng chục cánh quạt gió khổng lồ đang ngày đêm đem về nguồn lợi vô tận cho quê hương. Trên những công trường các nhà máy điện gió ở Sóc Trăng vẫn đang hối hả thi công, để mỗi mùa Xuân về, càng nhiều thêm những cánh gió vươn xa vùng ven biển, một đô thị mới đang hình thành bên bờ biển Đông không xa./.