Thái Nguyên phát triển vùng quế vừa phủ xanh rừng vừa tăng thu nhập cho người dân

Thời gian qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách, dự án hỗ trợ phát triển cây quế. Theo đó, người dân được hỗ trợ cây giống, đối với các hộ trồng quế trong diện tích rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón. Để khuyến khích mở rộng diện tích, tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ chế hỗ trợ cho người dân trồng quế có diện tích đất lâm nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho thuê, giao khoán, đất lâm nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài.
phat-trien-cay-que-3-1722932144.jpg
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha. (Ảnh minh họa)

Hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng quế

Theo đề án phát triển cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, cây quế được xác định là một trong sáu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Theo đó, Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng quế đạt 6.500 ha, năm 2030 đạt 11.500 ha.

Những năm gần đây, cây quế được nhiều hộ dân ở tỉnh Thái Nguyên lựa chọn trồng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Với đặc tính dễ chăm sóc và cho thu nhập cao, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế. Hiện huyện Định Hóa và Võ Nhai là địa phương đang phát triển mạnh loại cây này.

phat-trien-cay-que-1-1722932190.jpg
Người dân xã Kim Phượng (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) thu hoạch cành, lá quế.(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các cấp, các ngành ở tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều chính sách, dự án hỗ trợ phát triển cây quế. Theo đó, người dân được hỗ trợ cây giống, đối với các hộ trồng quế trong diện tích rừng phòng hộ còn được hỗ trợ thêm phân bón.

Để khuyến khích mở rộng diện tích, tỉnh Thái Nguyên xây dựng cơ chế hỗ trợ cho người dân trồng quế có diện tích đất lâm nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho thuê, giao khoán, đất lâm nghiệp sử dụng ổn định, lâu dài.

Theo Bí thư Huyện ủy Định Hóa Nguyễn Đức Lực, với diện tích tự nhiên hơn 50 nghìn ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 65%, cấp ủy, chính quyền huyện xác định cây quế là một trong những hướng phát triển kinh tế địa phương, vừa tăng tỷ lệ che phủ, bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Điều thuận lợi đối với cây quế ở Định Hóa là diện tích đất lâm nghiệp lớn, địa phương có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, công chăm sóc; thu hoạch quế không theo mùa vụ, thời điểm nào được giá, thời tiết thuận lợi thì thu hoạch. Mặt khác, trên địa bàn có doanh nghiệp thu mua quế nên không lo phải giải cứu như những loại cây trồng khác nên người dân yên tâm phát triển cây quế để giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ loại cây dược liệu này.

Phát triển vùng trồng quế tập trung theo hướng an toàn hữu cơ

Là đơn vị được giao triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển cây quế, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: “Những năm gần đây, diện tích quế tăng mạnh ở Định Hóa, đến nay đã trồng hơn 4 nghìn ha. Để bảo đảm chất lượng rừng quế, chúng tôi cử lực lượng bám sát các cơ sở, kiểm tra nguồn gốc, kích cỡ, chiều cao cây giống, hướng dẫn người dân trồng đúng kỹ thuật nên quế phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số”.

phat-trien-cay-que-2-1722932227.jpg
Lực lượng Kiểm lâm huyện Định Hóa kiểm tra công tác trồng rừng, hướng dẫn người dân trồng quế đúng kỹ thuật. (Ảnh minh họa)

Còn theo ông Nông Đình Tinh, Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết, để giúp bà con phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, huyện Định Hóa chủ trương đưa cây quế trồng làm cây mũi nhọn. “Từ khi thực hiện đến nay theo tinh thần Nghị quyết mỗi năm trồng mới 500ha. Sau 2-3 nhiệm kỳ đến nay huyện đã trồng được trên 4.000 ha cây quế”, ông Tinh thông tin.

Cây quế đã và đang khẳng định là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng ở tỉnh Thái Nguyên. Cùng với đó, cây quế còn góp phần giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Ông Lê Cẩm Long, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cho biết, tất cả các thành phần từ cây quế như lá, cành, vỏ, thân đều được tận dụng để chế biến, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Ngành nông nghiệp cũng tham mưu cho tỉnh phát triển sản phẩm chủ lực, trong đó có cây quế xác định hai địa phương đó là Định Hóa và Võ Nhai. Phát triển bền vững đầu tiên sẽ là cần vùng nguyên liệu và vùng trồng tập trung đủ lớn, sau đó đưa vào công nghiệp chế biến sâu, sản xuất theo hướng an toàn hữu cơ, sản phẩm ổn định đầu ra nâng cao giái trị ngành hàng quế”, ông Long cho hay./.

Bình Châu