Đa dạng hoá thị trường sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam

Sầu riêng Việt Nam không chỉ phân phối tập trung vào thị trường Trung Quốc, mà còn xuất khẩu tới 24 thị trường khác nhau trên thế giới.
sau-rieng-1-1694423936.jpg
Thị trường sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng. Ảnh minh họa

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, trong 8 tháng đầu năm 2023, lượng sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 300.000 tấn, tới 24 thị trường khác nhau trên toàn thế giới, bao gồm cả Trung Quốc. Trong khi đó, sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu. Điều này chứng tỏ thị trường sầu riêng của Việt Nam tương đối đa dạng.

Ngoài Trung Quốc là thị trường chủ đạo khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu thì những thị trường khác vẫn còn dư địa để có thể tập trung phát triển.

Với Trung Quốc, đây là thị trường lớn nhất và gần như cũng có quy định cụ thể và chặt chẽ nhất đối với sầu riêng. Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký vào tháng 7/2022 và đến tháng 9/2022 đã xuất khẩu lô đầu tiên tại Đắk Lắk. 

Tuy nhiên, bà Hoa cho hay, sắp tới Cục Bảo vệ thực vật đang tiếp tục mở cửa cho quả sầu riêng sang Ấn Độ, một thị trường tỷ dân rất tiềm năng. Như vậy, sầu riêng còn nhiều dư địa thị trường để phát triển, trong điều kiện Việt Nam đảm bảo được khâu sản xuất và chất lượng.

Chia sẻ về quy định của Trung Quốc hiện nay, bà Hương cho hay, cũng như quy định chung của nhiều thị trường theo thông lệ quốc tế. Thứ nhất là yêu cầu về vùng trồng phải đăng ký, phải quản lý được sinh vật gây hại, được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý, đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc… Còn về cơ sở đóng gói phải đảm bảo quy tắc một chiều, đảm bảo phân khu đầy đủ, yêu cầu hồ sơ ghi chép đầy đủ về quản lý sinh vật gây hại, hồ sơ truy xuất…

Từ đó, bà Hương kiến nghị Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số tại địa phương.

Đối với các địa phương, cần tăng tính chủ động, bố trí đủ nguồn lực để tăng cường thanh tra, kiểm tra, đào tạo tập huấn, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan mã số.

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu, hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật, hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn từ giống, phân bón, trồng trọt, nhận diện thương hiệu... đến kỹ thuật sản xuất cho bà con thuận tiện sử dụng.

Bà Hương cho rằng thương hiệu của từng doanh nghiệp rất quan trọng, nên những lô hàng chộp giật, mạo danh thương hiệu sớm muộn cũng sẽ phá sản, chỉ những đơn vị làm ăn uy tín mới có thể tồn tại. Tuy nhiên, việc bị mạo danh sẽ dẫn đến mất luôn thương hiệu sầu riêng Việt Nam, những doanh nghiệp làm ăn uy tín sẽ bị ảnh hưởng. Vậy những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp kịp thời.

Hương Lan