Sầu riêng xuất khẩu đạt mốc hơn 1,32 tỷ USD, vẫn còn hiện tượng cắt trái non chạy theo số lượng

Sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng năm 2024 đã tăng vọt khi đạt kỷ lục hơn 1,32 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2023. Cơ hội để kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay của Việt Nam khoảng trên 3 tỷ USD còn rộng mở. Tuy nhiên các chuyên gia cũng đưa ra nhiều nghi ngại khi vẫn còn tình trạng nhà vườn cắt sầu riêng non chạy theo số lượng.
sau-rieng-xuat-khau-3-1721812603.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu "trái cây vua" của Việt Nam đạt mốc hơn 1,32 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2023. (Ảnh minh họa)

Sầu riêng xuất khẩu đạt mốc hơn 1,32 tỷ USD

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết trong tháng 6, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 403 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu "trái cây vua" của Việt Nam đạt mốc hơn 1,32 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ 2023.

Trong 10 thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam lớn nhất 6 tháng, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch hơn 1,22 tỷ USD, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 92,53%.

Đáng chú ý, Thái Lan - đối thủ của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cũng tăng nhập khẩu sầu riêng của nước ta. Trong nửa đầu năm, Thái Lan chi hơn 7 triệu USD để nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, tăng 90,5% so với nửa đầu năm 2023.

sau-rieng-xuat-khau-2-1721812684.jpg
Cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, Campuchia và Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 2,7 triệu USD, sang Campuchia đạt 1,66 triệu USD, tăng lần lượt gấp 2 và 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện, hơn 90% sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam là sầu riêng tươi. Thời gian tới, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm, xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng rất mạnh.

Cảnh báo tình trạng móc nối cắt sầu riêng non chạy theo số lượng

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay của Việt Nam khoảng trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, ông cho biết hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non.

"Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, tuy nhiên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hình ảnh nông sản Việt", ông nhìn nhận.

Ông Nguyên thông tin thêm, hiện nay nhiều nhà vườn chạy theo số lượng hơn là chất lượng. Đáng ngại hơn, các nhà vườn móc nối với người gõ sầu riêng để bán sầu riêng non. Việc cắt sầu riêng non cho sản lượng cao hơn 10% so với sầu riêng chín, nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng. Bởi vậy, cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng, quá trình thu hái và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu.

"Hiệp hội không có phương tiện để kiểm tra, bởi vậy chỉ có thể khuyến cáo các hội viên, đăng thông tin của cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên biết, từ đó tuân thủ các biện pháp, quy định của cơ quan quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, dư lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật", ông Nguyên chia sẻ.

Hiện nay, nhiều nước đã trồng sầu riêng theo hướng hữu cơ, vì vậy, ông Nguyên khuyến nghị Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm để có được thị trường lâu dài. Quản lý chất lượng phải có tiêu chuẩn cụ thể, sầu riêng cũng vậy, phải nhanh chóng xây dựng áp dụng cụ thể đối với từng loại sầu riêng, hàng sầu riêng đông lạnh ra sao, hàng sầu riêng tươi như nào, hàng sầu riêng sấy sẽ như thế nào?

sau-rieng-xuat-khau-5-1721812588.jpg
Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam hơn 700 mã số vùng trồng sầu riêng và cấp mã số cho gần 200 cơ sở đóng gói trái sầu riêng. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam hơn 700 mã số vùng trồng sầu riêng và cấp mã số cho gần 200 cơ sở đóng gói trái sầu riêng. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ đạt 25.000 ha trên tổng số 150.000 ha.

Đánh giá về thực trạng sản xuất và xuất khẩu sầu riêng, ông Hiếu cho rằng còn đứt đoạn, rời rạc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng. Trong khi đó, mục tiêu định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng nước ta là 75.000ha, nhưng đến thời điểm này đã cao gấp đôi so với quy hoạch.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị phía Trung Quốc mở rộng các vùng trồng được cấp mã số, tăng diện tích trồng sầu riêng chất lượng cao. Còn đối với các nguy cơ, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có những cảnh báo trong thời gian vừa qua", ông Hiếu thông tin.

Theo ông Hiếu, đã đến lúc cần tập trung vào chất lượng sầu riêng, nâng cao nhận thức của người dân, trong đó, quản lý hiệu quả chất lượng mã số được cấp ra. Địa phương cũng phải nghĩ tới câu chuyện giám sát các vùng trồng. Việc này xuất phát từ doanh nghiệp và địa phương, cần sự phối hợp của  các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương.

"Tôi cho rằng nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ bền vững hơn so với việc phát triển diện tích vùng trồng sầu riêng ồ ạt nhưng chưa đạt chất lượng. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Việc này cũng cần sự phối hợp của doanh nghiệp và địa phương", ông Hiếu nhấn mạnh./.

Bình Nguyên