Sầu riêng Việt Nam "đắt hàng", vì sao?

Sầu riêng Việt Nam trải dài từ miền Tây lên tới miền Đông và Tây Nguyên, tháng 4, 5 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch, sau đó tới các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Tây Nguyên...
sau-1694616276.jpg
Xuất khẩu sầu riêng chắc chắn đạt 2 tỷ USD trong năm nay, lạc quan hơn có thể đạt 2,5 tỷ USD.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 8/2023 đạt 464,47 triệu USD, tăng 14,8% so với tháng trước. Cộng dồn 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,547 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu sầu riêng có thể đạt 2,5 tỷ USD

Chỉ riêng mặt hàng sầu riêng đóng góp 1,2 tỷ USD, và là mặt hàng đóng góp lớn cho kỷ lục của rau quả.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng 8 tháng đầu năm nay chiếm 34,28% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước. Đặc biệt, đà tăng của loại trái cây này được dự báo sẽ còn tiếp tục bởi trái sầu riêng Việt Nam có lợi thế về mùa vụ.

Cụ thể, thu hoạch sầu riêng bắt đầu vào tháng 4 tại Đồng bằng sông Cửu Long, khi mùa sầu riêng ở miền Tây kết thúc thì các tỉnh miền Đông và Tây nguyên vào vụ, và vụ sầu riêng sẽ kết thúc vào tháng 11 tại các tỉnh Tây nguyên. Trong khi sầu riêng của các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines hết vụ thì Việt Nam vẫn còn lợi thế tăng trưởng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay chắc chắn sẽ đạt 2 tỷ USD, nếu lạc quan hơn có thể đạt 2,5 tỷ USD.

Sầu riêng Việt Nam trải dài từ miền Tây lên tới miền Đông và Tây Nguyên, tháng 4, 5 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch rồi tới các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và sau đó là khu vực Tây Nguyên. Đến tháng 11 và 12 thì các tỉnh miền Tây có sầu riêng trái vụ. Theo Cục Trồng trọt, diện tích trồng sầu riêng ở Tây Nguyên chiếm gần ½ diện tích sầu riêng cả nước, và Đắk Lắk là thủ phủ sầu riêng của Tây Nguyên.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, sầu riêng tăng giá quá nóng mất kiểm soát là do hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc sầu riêng, tạo ra nguy cơ và hệ lụy rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín và thương hiệu sầu riêng Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn Vạn Hòa Holding cho biết, tại khu vực miền Tây, tình hình không biến động như khu vực miền Đông và Tây Nguyên do người nông dân tại đây có nghề và am hiểu về sầu riêng. Ngày xưa liên kết chỉ diễn ra với thương lái và vựa thu mua nhỏ lẻ, nay nông dân có thể liên kết trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu. Tại Tây Nguyên đến nay kế hoạch liên kết thất bại hoàn toàn, do các thương lái, 'cò' đất ồ ạt xuống các vườn để chốt, cọc gây phân tâm cho người nông dân.

Nếu doanh nghiệp thua lỗ phá sản lấy ai mua hàng cho bà con

“Vụ sầu riêng tại tỉnh Đắk Lắk năm nay, Tập đoàn Vạn Hòa đã cam kết sẽ cung ứng khoảng 20.000 tấn sầu riêng với các đối tác và khách hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, với mức giá sầu riêng tăng quá cao như hiện nay, một số đối tác, khách hàng đã có động thái muốn cắt giảm đơn hàng”, ông Trung nói.

Với khó khăn trên, ông Trung đề xuất các cơ quan chức năng, Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk tổ chức tuyên truyền để người dân biết giá trị thực sự của quả sầu riêng. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn, tập huấn thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho tất cả bà con nông dân. Từ đó, mới ổn định giá cả, chất lượng, giúp cho doanh nghiệp và người nông dân an tâm sản xuất, thu mua, tránh tình trạng bẻ kèo có như vậy ngành sầu riêng mới phát triển được bền vững và lâu dài.

Theo Vinafruit, vụ thu hoạch sầu riêng của các nước: Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines từ tháng 4 đến tháng 7 và 8, nên nguồn cung dồi dào giá sầu riêng trên thị trường bình ổn. Hiện nay các nơi đã hết hàng, chỉ còn “Việt Nam một mình một chợ” nên sầu riêng trên thị trường loạn giá. Trong khi, sầu riêng không chỉ xuất khẩu đi Trung Quốc, mà còn xuất đi Mỹ, châu Âu đều cần sầu riêng.

“Sầu riêng Tây Nguyên không chỉ đi Trung Quốc mà các thị trường Mỹ, châu Âu … doanh nghiệp các nơi đều lấy sầu riêng ở Tây Nguyên để xuất khẩu”, ông Nguyên nói.

Khi bàn về việc nông dân bẻ kèo với doanh nghiệp, Tổng thư ký Vinafruit cho rằng, không thể dùng mệnh lệnh hành chính bắt buộc nông dân được, vì quy luật thị trường có cầu thì phải có cung và ở góc độ nhà nước, ai vi phạm hợp đồng thì có biện pháp xử lý chứ không thể cấm nông dân bán ra ngoài.

Nhu cầu lớn nhưng nguồn cung hạn chế nên sầu riêng Tây Nguyên loạn giá, nông dân bẻ kèo gây ra cho doanh nghiệp nhiều khó khăn, do đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài và ấn định thời gian giao hàng, đến kỳ hạn không có hàng doanh nghiệp sẽ bị nhà nhập khẩu phạt, không chỉ vậy, còn liên quan đến nhiều việc như cước tàu, lịch book tàu...

Đứng trước thực trạng này, ông Nguyên đề nghị bà con nên giữ chữ tín, biết rằng giá ký hợp đồng với doanh nghiệp có thể bị hớ giá nhưng cũng phải ráng thực hiện, vì đã cam kết rồi phải làm cho đúng về chất lượng cũng như giá cả để giúp cho doanh nghiệp tồn tại, nếu doanh nghiệp thua lỗ phá sản lấy ai mua hàng cho bà con.

Chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác

Ở góc độ là tư lệnh ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, người dân trồng sầu riêng, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương bên cạnh sự háo hức khi có cơ hội xuất khẩu sầu riêng chính ngạch cũng cần lường trước những khó khăn, thách thức của ngành hàng này.

Theo Bộ trưởng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua “hợp tác - liên kết - thị trường”. Muốn ngành hàng sầu riêng phát triển phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, nghĩa là có nông dân và doanh nghiệp.

Tổ chức lại sản xuất không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà tạo không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau. Tức là doanh nghiệp đến với người dân ngay từ khi xuống giống để hướng dẫn, tạo niềm tin. Còn nếu liên kết từ khâu tiêu thụ, thì lại rơi vào mối quan hệ thuận mua vừa bán.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác.

“Tất cả các chủ thể phải có niềm tin và phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề “nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ”. Đồng thời, phải đắp nền với nông dân từ lúc đưa cây giống vào trồng, chứ không chờ đến lúc quả chín trên cây thì đã không thể kiểm soát được nữa”, ông Hoan nói.

Nguyễn Huyền