Tại Diễn đàn Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp thừa nhận, sầu riêng đã tăng trưởng nóng suốt mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng cần nhìn thẳng vấn đề là ngành hàng của chúng ta đã đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines nên cần có cách ứng phó phù hợp, không thể chỉ nhìn vào chất lượng, sản lượng sầu riêng của Việt Nam để vội mừng.
Đề xuất giải pháp, ông Toản kêu gọi phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng còn cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, đồng thời quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước.
Theo ông Toản hạ tầng giao thông của Việt Nam đã và đang phục vụ tốt cho hoạt động xuất khẩu chính ngạch, bao gồm 7.500 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư quốc tế cũng đang muốn tìm hiểu về mặt hàng sầu riêng.
Tuy nhiên, để xây dựng ngành hàng chất lượng, minh bạch, trách nhiệm và tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực của thị trường, của đối tác vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Toản cho rằng, có 6 nút thắt gây cản trở việc phát triển ngành hàng sầu riêng, đó là tăng trưởng nóng, doanh nghiệp cạnh tranh trong thu mua và gom hàng, hạ tầng chế biến, quản trị chất lượng và liên kết giữa nhà vườn còn yếu kém, nguồn nhân lực và quy trình chưa đáp ứng được.
Để cấu trúc lại ngành hàng sầu riêng bền vững, ông Toản đề cao vai trò của chính quyền cơ sở, bởi đây là nơi sát với hoạt động thực tiễn của ngành hàng, có những chính sách điều hành, ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường tập trung thêm với sản phẩm sầu riêng cấp đông. Nếu giải quyết được chuyện này, nhiều sầu riêng hơn của Việt Nam sẽ đến với thị trường quốc tế.
Trong hành trình nâng tầm sầu riêng, ông Toản không quên vai trò của truyền thông. Đây sẽ là khởi nguồn cho việc nông dân tự chủ hơn trong quy trình canh tác, quyết định mua bán, đồng thời để các nhà cung cấp, sơ chế, chế biến có cái nhìn sát hơn với yêu cầu thị trường.
Cuối cùng, ông Toản đề nghị quan tâm hơn đến các thị trường khác, thông qua các hiệp định thương mại tự do FTA thế hệ mới. Hiện, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định như CPTPP, EVFTA, RCEP, cùng với việc tham gia các cộng đồng lớn như ASEAN, Liên minh Kinh tế Á - Âu. Đây là dư địa để sầu riêng có thể tăng trưởng hơn nữa về giá trị xuất khẩu, ông Toản nhấn mạnh.