Sầu riêng bị cảnh báo nhiễm kim loại nặng cadimi làm nóng buổi họp báo ngành Nông nghiệp

Vụ việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc đang được dư luận quan tâm. Đây cũng là chủ đề nóng tại buổi họp báo của ngành Nông nghiệp.
sau-rieng-nhiem-kim-loai-nang-01-1712029267.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo thường kỳ quý I của Bộ NN&PTNT.

Chiều 1/4, Bộ NN&PTNT tổ chức họp báo thường kỳ quý I nhằm cung cấp thông tin về kết quả chỉ đạo, điều hành sản xuất của Bộ trong 3 tháng đầu năm và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những vấn đề báo chí quan tâm, đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ NN&PTNT là vụ việc 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc.

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, 30 lô hàng là số liệu phía Trung Quốc thông báo lại từ khi Việt Nam xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc từ 17/9/2022. Hiện tại, chưa ảnh hưởng gì về xuất khẩu sầu riêng nói chung. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cảnh báo để Việt Nam chủ động tìm nguyên nhân, khắc phục tình trạng trên.

Về nguyên nhân, ông Hiếu cho biết có thể sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng trong quá trình canh tác như: đất bị nhiễm hoặc từ nguồn nước, không khí từ khí thải của nhà máy hoặc trong quá trình thu hoạch, người dân dùng nước sơ chế sầu riêng.

Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị các đơn vị sản xuất điều chỉnh vật tư đầu vào, điều chỉnh một số biện pháp canh tác, sử dụng phân chuồng hợp lý. Trước khi xuất khẩu nên kiểm tra chất lượng để tránh rủi ro khi Trung Quốc thông báo hoặc áp dụng biện pháp cụ thể.

sau-rieng-nhiem-kim-loai-nang-02-1712029309.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi họp báo.

Liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, sầu riêng là cây trồng phát triển rất nóng trong thời gian vừa qua. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,2 tỷ USD.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, yêu cầu về vùng nguyên liệu, gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói và sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại đã được Bộ chỉ đạo xuyên suốt trong năm qua. Với ngày càng nhiều lô hàng nông sản được xuất khẩu thì vấn đề chất lượng và thương hiệu càng phải được chú ý.

Thứ trưởng cho biết, Bộ giao Cục Bảo vệ thực vật rà soát lại, xem xét, tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp để đạt yêu cầu của thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khác mà nông sản Việt Nam có tiềm năng và lợi thế.

Trước đó, trong tháng 5 và 6/2023, phía Trung Quốc đã phát hiện và cảnh báo 6 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu có nhiễm cadimi vượt ngưỡng quy định.

Bốn tháng sau đó, Trung Quốc phát hiện tiếp một lô hàng vi phạm. Từ tháng 11/2023 đến tháng 1/2024, Trung Quốc liên tục phát hiện, cảnh báo thêm 23 lô hàng sầu riêng khác bị nhiễm cadimi. Hai doanh nghiệp ở Lạng Sơn và Hà Nội được cho là có nhiều lô hàng nhiễm nhất với 8 lô.

sau-rieng-nhiem-kim-loai-nang-04-1712029342.jpg
Về việc sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc nhiễm kim loại nặng, các chuyên gia trong ngành cho biết đây là vấn đề phức tạp, khó xác định nguyên nhân trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trước đó Trung Quốc đã từng cảnh báo việc này nhưng mức độ nhẹ, riêng lần này nặng hơn. Cho nên, Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục nhằm đảm bảo uy tín cho ngành sầu riêng nói chung và rau quả Việt Nam nói riêng.

Sau khi nhận được cảnh báo từ Hải Quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ Thực vật đã gửi công văn tới các địa phương có liên quan để rà soát nguyên nhân. Đồng thời, Cục cũng đề nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn nhằm tránh tái diễn vi phạm.

Tháng 7/2022, Bộ NN&PTNT đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam. Trái sầu riêng phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc, cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải loại bỏ các đối tượng dịch hại như ruồi đục trái và các loài rệp sáp; không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép...

Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023, nước này nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Trong năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 493 nghìn tấn sầu riêng từ Việt Nam, trị giá 2,1 tỷ USD.

Việt Nam hiện có 876 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia tỉ dân này. Trong đó, có 708 mã số vùng trồng được cấp phép.

Về việc sầu riêng xuất khẩu Trung Quốc nhiễm kim loại nặng, các chuyên gia trong ngành cho biết đây là vấn đề phức tạp, khó xác định nguyên nhân trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc nhiễm kim loại nặng cadimi khó xảy ra trong quá trình xử lý, đóng gói mà có thể bị nhiễm trong quá trình canh tác do đất hoặc phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho lô hàng bị nhiễm./.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, trong quý I-2024, nông nghiệp vẫn đạt tăng trưởng khá, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,9-3% so với cùng kỳ năm 2023. Năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trọng Bình