Ngăn mặn, trữ nước ngọt khẩn trương ứng cứu 20.000ha sầu riêng xuất khẩu ở Tiền Giang

Tiền Giang đang đề ra nhiều giải pháp tích cực, chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ các vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản của tỉnh; trong đó, có trên 20.000 ha sầu riêng xuất khẩu tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây.
bao-ve-sau-rieng-han-man-01-1710061321.jpg
Hiện nay, toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 20.000ha vườn cây sầu riêng trồng nhiều nhất ở huyện Cai Lậy, Cái Bè, Thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành. (Ảnh minh họa)

Nước mặn xâm nhập nhanh, khẩn trương ứng phó

Những ngày gần đây, nước mặn đã xâm nhập nhanh vào các hệ thống sông, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Việc ngăn mặn, trữ nước ngọt để bảo vệ an toàn vườn cây sầu riêng ven sông là rất cấp thiết.

Trước tình hình thời tiết, thủy văn dự báo diễn biến phức tạp trong mùa khô 2023 – 2024, Tiền Giang đang đề ra nhiều giải pháp tích cực, chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ các vùng trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản của tỉnh; trong đó, có trên 20.000 ha sầu riêng xuất khẩu tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, nước trên sông Tiền, kênh Chợ Gạo, sông Vàm Cỏ hiện nay tăng rất nhanh. Đáng lưu ý là có nhiều khu vực độ mặn cao hơn cùng kỳ năm 2016 như: tại cống Xuân Hòa(huyện Chợ Gạo) độ mặn đến 6,8 g/l (cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 2,14 g/l); công viên Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) 4,2 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 1,95 g/l; cầu kênh Xáng Đồng Tâm (huyện Châu Thành) 0,9 g/l, cao hơn cùng kỳ năm 2016 là 0,33 g/l.

Đặc biệt hiện nay, nước mặn từ biển bắt đầu tấn công vào “lãnh địa” có nguy cơ uy hiếp vùng trồng vườn cây sầu riêng chuyên canh ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy theo 2 hướng của sông Tiền và sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre). Đối với cây sầu riêng rất nhạy cảm khi phun tưới nước mặn trên 0,5 g/l thì sẽ bị chết. Do đó, việc ngăn mặn, trữ nước ngọt để phục vụ hàng nghìn ha cây sầu riêng khu vực này đang được các cấp chính quyền, các ngành chức năng và nhà vườn quan tâm.

Trước hết, 7 hệ thống cống ngăn mặn có quy mô lớn ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Cai Lậy gồm: cống kênh Nguyễn Tấn Thành, cống Rạch Gầm, Phú Phong, Cây Còng, Mù U, Hai Tân, Cái Sơn… đều đã đóng kín; tiến hành làm đập tạm ngăn mặn tại xã Tam Bình, 5 đập dã chiến tại cù lao Ngũ Hiệp; lắp đặt hơn 30 cái bọng bê tông tại xã Tân Phong huyện Cai Lậy).

bao-ve-sau-rieng-han-man-03-1710061306.jpg
Tình hình mặn xâm nhập và nắng nóng, khô hạn còn tiếp diễn, trong đó vườn sầu riêng cần được ưu tiên bảo vệ.(Ảnh minh họa)

Đối với nhà vườn trồng cây sầu riêng thường xuyên theo dõi thông tin nước mặn, có kế hoạch đóng cống, bọng cá nhân, trữ nước ngọt bên trong mương vườn.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, ngay từ đầu mùa khô 2023 – 2024, địa phương đầu tư trên 1.380 tỷ đồng triển khai hai dự án thủy lợi trọng điểm phía Tây là: dự án đầu tư xây dựng 6 cống ngăn mặn tại đầu các kênh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 kết hợp hoàn thiện tuyến đê dọc sông Tiền và dự án cống âu Nguyễn Tấn Thành tại đầu kênh Nguyễn Tấn Thành tiếp giáp sông Tiền.

Các công trình thủy lợi được đầu tư kịp thời có nhiệm vụ ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ gần 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho gần 1,1 triệu người dân của 2 tỉnh Tiền Giang và Long An.

Quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn trong mùa khô hạn

Hiện nay, các công trình thủy lợi đầu mối trên cơ bản hoàn thành đưa vào vận hành giúp tỉnh ứng phó hiệu quả hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa khô 2023 – 2024.

Đối với những địa bàn sản xuất khó khăn, nguy cơ ảnh hưởng thiên tai cao, địa phương yêu cầu nông dân xử lý rải vụ trên 4.750 ha vườn cây ăn trái; trong đó, có 2.500 ha sầu riêng, 2.000 ha thanh long, còn lại là các cây trồng khác. Mục đích tránh thời điểm cây mang trái lại bị ảnh hưởng thiên tai, sẽ suy kiệt và thiệt hại khó lường.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, với quyết tâm bảo vệ vùng chuyên canh cây ăn trái an toàn trong mùa khô hạn, các địa phương phía Tây tỉnh đồng loạt triển khai các biện pháp ứng phó quyết liệt và chủ động.

Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, địa phương có vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản trên 11.000 ha, chủ yếu là sầu riêng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao.

Theo ông Trần Quốc Bình, huyện bám sát kế hoạch của UBND tỉnh; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp địa phương, triển khai đến các xã và hộ dân, kết hợp giữa các giải pháp công trình và phi công trình. Cai Lậy tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất kết hợp đắp các đập tạm ngăn mặn và triều cường tại các địa bàn trọng điểm.

bao-ve-sau-rieng-han-man-02-1710061384.jpg
Tiền Giang đang đề ra nhiều giải pháp tích cực, chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho vườn sầu riêng. (Ảnh minh họa)

Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp Nguyễn Hồng Thương cho biết, xã đầu tư hơn 7 tỷ đồng đắp thêm 5 đập tạm đồng thời nạo vét các tuyến kênh nội đồng, sửa chữa các cửa cống trên tỉnh lộ, huyện lộ trong xã đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ gần 1.500 ha vườn sầu riêng chuyên canh và các cây trồng có giá trị kinh tế khác.

Là địa bàn cù lao nằm trên sông Tiền, Chủ tịch UBND xã Tân Phong Trần Văn Nhịn thông tin, địa phương triển khai đắp 16 đập ngăn mặn và triều cường với kinh phí gần 15 tỷ đồng bảo vệ gần 1.300 ha vườn cây ăn quả đặc sản; mặt khác sẽ vận hành 8 giếng khoan dự phòng khai thác nguồn nước ngầm tầng sâu kịp thời bồ sung nước tưới tiêu cho cây trồng khi nước mặt trên sông Tiền bị nhiễm mặn hoặc thiếu nguồn nước bơm tưới...

Theo cơ quan Khí tượng thủy văn, đến giữa tháng 5 tới, mới bước vào mùa mưa, do đó tình hình mặn xâm nhập và nắng nóng, khô hạn còn tiếp diễn; trong đó vườn sầu riêng cần được ưu tiên bảo vệ.

Đúc kết kinh nghiệm ứng phó biến đổi khí hậu, Tiền Giang chủ động và linh hoạt đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ thành công các vùng sản xuất trọng điểm, đặc biệt là trên 20.000 ha sầu riêng đặc sản giá trị kinh tế cao trong mùa khô 2023 – 2024.

Ông Dương Văn Đây, chủ hơn 2,5 ha vườn cây sầu riêng đang cho trái tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tôi đã đóng cống hết, sợ nước mặn rỉ vào nên phải đóng trước, dự trữ nước ngọt bên trong nếu không xả nước thì đủ tưới 15 ngày. Sau đó, nếu không có nước cấp thì phải mua nước từ sà lan lấy miệt trên về. Tôi đang khống chế được”./.

Bình Nguyên