Tại cuộc họp thường kỳ quý III-2023 của Bộ VHTT&DL, vấn đề quảng cáo sai sự thật của các nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã được đưa ra thảo luận.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, nhiều năm qua, Bộ VHTT&DL kết hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông đã hết sức quan tâm và chỉ đạo chặt chẽ về vấn đề quảng cáo trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, Bộ VHTT&DL cũng được giao nhiệm vụ đề xuất, sửa đổi một số điều trong luật quảng cáo. Vừa qua, hồ sơ đề nghị sửa đổi lại một số điều luật quảng cáo cũng đã được Thủ tướng chính phủ và Chính phủ thông qua và chính thức có một nghị quyết trong tháng 9, giao cho Bộ tiếp tục hoàn thiện, trình Chính phủ và đưa ra Quốc hội xem xét, sửa đổi.
Chia sẻ thêm về nội dung và hình thức quảng cáo, bà Hương nêu rõ, Điều 19 Luật Quảng cáo quy định: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Hình thức được thể hiện trên các phương tiện khác nhau sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nội dung.
Bà Ninh Thị Thu Hương cũng khẳng định luật quảng cáo hiện nay đã có những cơ chế, chế tài, quy định để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Đồng thời, luật cũng có những quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo.
Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở cho biết, thời gian qua, không chỉ những người nghệ sĩ nổi tiếng mà cả những người có ảnh hưởng, có uy tín trên mạng xã hội cũng quảng cáo nhiều sản phẩm vượt quá tính năng và công dụng đã được cấp phép.
Bà Hương nhấn mạnh, đối với các nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng lớn, chúng ta đưa ra những chế tài pháp lý chặt chẽ hơn, bởi họ có ảnh hưởng đến định hướng người tiêu dùng và có thể lựa chọn sai sản phẩm khi tin lời quảng cáo. Dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung cũng đưa ra quyền và trách nhiệm của người truyền tải sản phẩm quảng cáo có uy tín, nghĩa là chúng ta không chỉ hướng tới các nghệ sĩ mà còn hướng tới những người có uy tín khác. Người có uy tín đó sẽ được định nghĩa trong dự thảo sắp tới.
Tại buổi họp báo chiều 9/10, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ VHTT&DL cho hay, Bộ đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, vi phạm chuẩn mực và gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Ông Sơn chia sẻ thêm, những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức ứng xử được quy định trong bộ quy tắc ứng xử, nhất là về quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, gây ảnh hưởng thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, các nghệ sĩ này sẽ được Bộ VHTT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào diện xem xét, kiểm soát trong quy trình xử lý.
Tùy vào mức độ vi phạm, Bộ VHTT&DL phối hợp cùng các cơ quan báo chí có quyết định kiểm soát hình ảnh cũng như sự hiện diện của cá nhân vi phạm đó trên các nền tảng thông tin đại chúng.
Ông Sơn cho biết, quy trình phối hợp giữa hai Bộ về việc này đang trong quá trình hoàn thiện. Dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thiện và sẽ biện pháp xử lý chặt chẽ hơn với những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật.