May mắn có được sự ủng hộ và động viên từ gia đình, quê hương, nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thị Thanh Phương, hiện công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, đã bén duyên và theo đuổi bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc từ khi 15 tuổi. Sau những nỗ lực trên sàn tập, cô nàng sinh năm 1999 đã có thể đảm nhận được nhiều vai diễn mẫu mực của Tuồng như Đào Tam Xuân, Hồ Nguyệt Cô, công chúa Phất Kim,... và đạt nhiều giải thưởng.
Trên sân khấu Tuồng, tôi không còn là Thanh Phương nữa…
PV: Dù mới 25 tuổi, Thanh Phương đã có đến 9 năm kinh nghiệm trong nghệ thuật Tuồng truyền thống, đâu là cơ duyên giúp bạn đến với loại hình này sớm như vậy?
NS Thanh Phương: Cơ duyên giúp mình theo đuổi bộ môn nghệ thuật Tuồng này đến vào thời điểm học xong lớp 9. Khi đó, mình chưa thật sự biết và quan tâm nhiều về nghệ thuật truyền thống của nước nhà. Trong một đợt nhà hát Tuồng Việt Nam tuyển diễn viên và nhạc công Tuồng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Mẹ chính là người đã gợi ý mình tham gia thi tuyển và mình đã trúng tuyển, rồi bắt đầu tham gia học tập.
Sau một thời gian được ban lãnh đạo, các cô chú, anh chị trong nhà hát Tuồng quan tâm, dìu dắt và dạy dỗ bằng toàn bộ tâm huyết từ đời sống đến nghề nghiệp, mình đã yêu bộ môn nghệ thuật này từ lúc nào không hay. Cũng từ đó, mình đã quyết tâm đam mê Tuồng và luôn ấp ủ, cố gắng phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
PV: Bạn sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật?
NS Thanh Phương: Trong gia đình, mẹ mình rất thích Tuồng và chỉ tập tành cùng các cụ trong đoàn Tuồng không chuyên của làng khi rảnh rỗi. Vì vậy, cũng không hẳn là mình sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Đặc biệt, quê mình ở Bắc Ninh, cái nôi của nghệ thuật truyền thống, nên khi mình quyết định tham gia bộ môn nghệ thuật Tuồng, ngoài bố mẹ, mình còn được các cô chú, anh chị, làng xóm và bạn bè nhiệt tình ủng hộ.
PV: Thanh Phương có thể chia sẻ về những giải thưởng đã đạt được?
NS Thanh Phương: Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2023, mình đã giành được 4 giải thưởng. Thứ nhất là giải bạc trong vai Đào Tam Xuân với trích đoạn “Đào Tam Xuân Đề Cờ” ở cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2020. Cũng vai diễn đó, mình có thêm giải Diễn viên Tuồng xuất sắc năm 2020. Giải thứ 3 là huy chương Bạc với vai diễn “Công chúa Phất Kim” trong vở tuồng “Làm Vua” tham gia Hội diễn toàn quốc năm 2021. Cuối cùng, mình đã đạt giải nhất trong vai “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” ở cuộc thi Chèo, Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2023.
PV: Bạn đến với vai diễn Hồ Nguyệt Cô trong vở Tuồng “Hồ Nguyệt Cô hoá cáo” thế nào?
NS Thanh Phương: Mình đã tìm hiểu, theo dõi và luyện tập vai diễn này trong suốt 9 năm. Đến tận năm nay, mình mới có cơ hội mang vai diễn đi thi và đạt giải nhất. Đây là bi kịch tình ái về Hồ Nguyệt Cô vốn mang kiếp cáo nhưng được biến thành người sau hàng ngàn năm tu luyện. Câu chuyện đau thương bắt đầu khi nàng rơi vào bẫy tình của Tiết Giao - kẻ thù của chồng nàng là Võ Tam Tư và triều đình. Sau khi mất ngọc và hóa về cáo, mình trong vai Hồ Nguyệt Cô phải diễn nhiều cảm xúc khác nhau từ buồn đau, hối hận đến xấu hổ bởi đã có chồng, lại trót si mê kẻ thù để rồi xảy ra cơ sự này. Cuối cùng là cảm xúc tiếc nuối, căm phẫn, sợ hãi: “Uổng ngàn năm, góp báu càn khôn/ Xảy một phút tan tành trường phong nguyệt”.
Để hoá thân thành công với nhân vật, mình phải sống trong vai diễn, sao cho diễn như không diễn. Trên sân khấu, mình là Nguyệt Cô đang yêu, đang đau khổ và đang tiếc nuối chứ không còn là cô nàng Thanh Phương nữa.
PV: Đâu là yếu tố giúp Thanh Phương “sống” được trong vai diễn như vậy?
NS Thanh Phương: Mình nghĩ đó là kinh nghiệm sau thời gian theo dõi, học tập và lắng nghe các vị tiền bối và bạn bè. Vì mình có thể nhận ra được điểm tốt và chưa tốt, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân, hoàn thành vai diễn một cách chỉn chu hơn. Điều quan trọng nhất là khi trên sân khấu, mình không còn là Thanh Phương nữa.
Phía sau sân khấu Tuồng...
PV: Có được những thành công như hiện tại, chắc hẳn bạn đã phải trải qua nhiều khó khăn?
NS Thanh Phương: Có rất nhiều khó khăn, nhưng khó khăn nhất vẫn là giai đoạn làm quen, rèn luyện với độ khó của nghệ thuật Tuồng, từ hát, từ múa cho đến diễn. Mọi kỹ năng đều đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Khó vậy, nhưng mức lương cho diễn viên Tuồng lại rất thấp và tần suất biểu diễn không được nhiều. Với vai chính Hồ Nguyệt Cô, mình chỉ nhận được 200.000 đồng tiền công và lương cứng sau 5 năm ra trường, biên chế 3 năm cũng chỉ vỏn vẹn khoảng 3,4 triệu đồng.
Bởi vì người dân và giới trẻ hiện nay thường không còn quan tâm đến các bộ môn nghệ thuật truyền thống của nước nhà, nhất là tuồng, chèo và cải lương. Vậy nên động lực lớn nhất giúp mình cố gắng tiếp tục với Tuồng đó là tình yêu nghề, yêu văn hoá và bản sắc của dân tộc Việt Nam.
PV: Bạn từng có suy nghĩ bỏ nghề chưa?
NS Thanh Phương: Không vì nghèo và vất vả mà mình có ý định bỏ nghề đâu !
PV: Với số tiền lương ít ỏi như vậy, bạn phải xoay sở cuộc sống ra sao nhỉ?
NS Thanh Phương: Với suy nghĩ ‘lấy ngắn nuôi dài”, mình luôn tìm những công việc bên ngoài để tự nuôi sống bản thân và duy trì đam mê với nghệ thuật Tuồng. Mình đã đi học và làm thêm nghề DJ, mình cũng thường đi hát trong những buổi tiệc và sự kiện nhằm kiếm thêm thu nhập. Dù đều là nghệ thuật, Tuồng và nghề DJ lại là hai công việc có tính chất trái ngược nhau và mọi người thường có cái nhìn khắt khe hơn với điều đó.
PV: Bạn làm gì trước những ánh mắt khắt khe đó không?
NS Thanh Phương: Mình luôn cố gắng chứng minh bản thân bằng cách theo đuổi phong cách ăn mặc trẻ trung, năng động nhưng kín đáo. Mình chọn không đi làm muộn, để dành sức khỏe cho việc luyện tập và diễn Tuồng. Tuy nhiên, khi hòa mình vào những bữa tiệc sôi động ở vị trí DJ, mình vẫn làm việc hết mình, sao cho xứng đáng với số tiền mình được trả. Vì vậy, mình cũng chưa bao giờ hối hận với lựa chọn của bản thân.
PV: Chắc hẳn phải có lý do để bạn giữ lửa được với nghệ thuật Tuồng truyền thống?
NS Thanh Phương: Đơn giản chỉ là tình yêu và đam mê! Mình rất yêu nghệ thuật Tuồng và nghĩ đây là một phần của cuộc sống rồi. Nếu một ngày nào đó mình không thể theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, có lẽ cuộc sống mình sẽ không còn ý nghĩa gì…
PV: Sau tất cả khó khăn và thành công, Thanh Phương có kế hoạch gì thêm cho tương lai chưa?
NS Thanh Phương: Kế hoạch của cả cuộc đời mình là luôn cố gắng học tập và phát triển bản thân để trở thành một diễn viên tài năng. Mình luôn hy vọng bản thân có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc đưa nghệ thuật Tuồng truyền thống trở lại thời hoàng kim, để khán giả biết và quan tâm đến loại hình nghệ thuật này nhiều hơn, đặc biệt là giới trẻ.
Cảm ơn những chia sẻ của Thanh Phương!