Sản xuất xanh để xuất khẩu bền vững bài toán thích ứng của doanh nghiệp Việt

Để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường… Từ đó nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường thế giới.
san-xuat-xanh-xuat-khau-ben-vung-02-1711243833.jpg
Để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao.(Ảnh minh họa)

Thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu

Thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều doanh nghiệp nước ta, tuy nhiên hiện đang siết chặt quy định, tiêu chuẩn hiện hành và gia tăng các yêu cầu liên quan tới việc xanh hoá trong hoạt động sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường và phát triển bền vững… Vấn đề này đã đang là những thách thức đáng kể đối với doanh nghiệp, ngành hàng chưa kịp chuyển đổi, bắt nhịp theo xu hướng này.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ hội cho hàng hoá xuất khẩu Việt Nam từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là những ưu đãi về thuế quan, song các tiêu chuẩn, yêu cầu về phát triển xanh và bền vững là tiêu chuẩn cứng. Do đó, tuân thủ, thực hiện được các yêu cầu đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp tận dụng lợi thế từ Hiệp định này.

Đồng thời cho rằng, chắc chắn những tiêu chuẩn xanh hay bền vững của EU sẽ bao trùm tất cả những sản phẩm được xem là thế mạnh của nước ta khi xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU, cụ thể như: nông thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày…

Bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý: "Các tiêu chuẩn này là một chuỗi những thay đổi, đó là xanh dần, bền vững dần theo các yêu cầu. Cho nên là các doanh nghiệp nếu muốn tuân thủ thì phải thường xuyên theo dõi mới đảm bảo được việc tuân thủ. Năm nay có thể hàng hóa xuất khẩu của chúng ta tuân thủ, nhưng đến sang năm có thể nói không còn tuân thủ các yêu cầu về xanh bền vững nữa; Bởi vì yêu cầu nó đã được tăng thêm theo lộ trình rồi. Do đó, thích ứng với những tiêu chuẩn này đòi hỏi nỗ lực nhận thức đối với các doanh nghiệp của chúng ta".

san-xuat-xanh-xuat-khau-ben-vung-01-1711243882.jpg
Chuyển đổi xanh là quá trình sử dụng chiến lược và công nghệ để giảm tác động tiêu cực đối với môi trường và xây dựng mô hình kinh doanh bền vững.(Ảnh minh họa)

Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” được tổ chức vào cuối năm 2023, đánh giá các tác động từ xu hướng chuyển đổi xanh trong thương mại quốc tế xuất khẩu trong bối cảnh thực thi CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, mục tiêu của CBAM là nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến vấn đề “rò rỉ carbon” của EU; giải quyết thách thức liên quan đến bất lợi trong khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp trong EU và đảm bảo mục tiêu phát thải ròng của EU không bị suy yếu.

Ở giai đoạn chuyển tiếp (từ tháng 10/2023-12/2025), 6 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động từ CBAM, trong đó lớn nhất là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, theo thiết kế chính sách, giai đoạn triển khai (2026-2030) sẽ loại bỏ dần phân bổ miễn phí và từ năm 2034 sẽ vận hành đầy đủ.

Về cơ bản một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM cả trong ngắn và dài hạn. Đáng nói, không chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… đã và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu.

Do vậy, để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị: Doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; tham gia vào các dự án Bù đắp carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.

Phát triển xanh, bền vững là chiến lược đường dài của doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới. Hiện nay, các cơ quan Chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan tới chủ đề thương mại xanh.

Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.

"Xu hướng phát triển này đã và đang hình thành “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhìn nhận.

san-xuat-xanh-xuat-khau-ben-vung-03-1711243914.jpg
Các lĩnh vực năng lượng sạch, chuyển đổi năng lượng đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, phát triển xanh, bền vững sẽ là chiến lược đường dài, có lộ trình để doanh nghiệp thích ứng. Theo ông Vương Đức Anh, Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để đáp ứng xu thế, doanh nghiệp buộc phải bắt nhịp cùng với yêu cầu của thị trường.

"Chúng tôi là những nhà sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, do đó cũng phải có những thay đổi về mặt nguyên liệu trong ngành, như ngành sợi phải mua bông Oganic, rồi phải mua nguồn nguyên liệu tự nhiên, có thể tái chế được. Về phía doanh nghiệp thì phải bám sát rất sát theo yêu cầu thị trường. Chúng tôi xác định phát triển bền vững là mục tiêu chiến lược trong trung và dài hạn, các giải pháp doanh nghiệp cũng linh hoạt đáp ứng theo yêu cầu của thị trường" - ông Vương Đức Anh nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để xuất khẩu bền vững buộc doanh nghiệp Việt phải chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ tiêu chuẩn cao để đảm bảo cung cấp sản phẩm xanh, sạch, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường… Từ đó nhằm giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững của thị trường thế giới.

Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...

Chính vì vậy, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường./.

Phát triển xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 của Việt Nam; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 01/10/2021 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.

Trọng Bình