Sản xuất tinh bột nghệ, mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng

Từng tốt nghiệp Đại học Thương Mại, đi làm kế toán tại một công ty lớn nhưng do gặp vấn đề về sức khỏe nên chị Võ Thị Thu Hằng (tại xã Sơn Trà, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) phải nghỉ ở nhà chăm con, làm nội trợ. Chính từ vấn đề sức khỏe của mình chị đã bắt tay vào sản xuất tinh bột nghệ. Đến nay, mỗi năm chị thu về hàng trăm triệu đồng.
z4792894316592-8fac36284a89a724c660eac4ca77e541-1697767484.jpg
Sản xuất tinh bột nghệ, mỗi năm chị Hằng thu về hàng trăm triệu đồng.

Tiếp chúng tôi tại ngôi nhà riêng và cũng là cơ sở chế biến tinh bột nghệ Thu Hằng là người phụ nữ nhỏ nhắn nhưng rất năng động, hoạt bát và đặc biệt là rất có duyên ăn nói.

Chia sẻ về cái duyên với tinh bột nghệ, chị Hằng cho hay, thời đang là sinh viên, chị từng bị đau dạ dày. Theo kinh nghiệm của dân gian, mẹ chị đã thái lát, phơi khô và xay thành bột để chị uống. Nhưng thứ bột đó mùi hắc rất khó uống. Khoảng năm 2010  bạn bè giới thiệu cho chị uống tinh bột nghệ. Khi uống loại bột này, chị thấy dễ uống hơn, bệnh dạ dày của chị lại đỡ. Trong đầu chị đã nhen nhóm ý tưởng làm tinh nghệ từ đây.

tinh-bot-nghe-thu-hang-3-100554-1697768745.jpg
Nguyên liệu được chọn lựa kỹ lưỡng chuẩn bị làm tinh bột nghệ.

Chị Hằng chia sẻ: Khi ra trường, đi làm, lập gia đình nên kế hoạch làm tinh bột nghệ của tôi phải tạm dừng. Nhưng khi sinh con, sức khỏe của tôi khá yếu nên không đi làm được phải ở nhà. Đến khi sinh bé thứ 2, con thường xuyên đau ốm phải đi bệnh viện, còn chồng thì phải công tác xa nhà nên tôi rất áp lực. Khi áp lực về kinh tế, tinh thần của tôi khá lớn, lúc này tôi lại tiếp tục nghĩ về việc sản xuất tinh bột nghệ để phát triển kinh tế. Lúc này, con còn nhỏ nên tôi bồng con đi các cơ sở để tìm hiểu, học thêm trên mạng.

Một lợi thế của chị là tại địa phương người dân trồng rất nhiều nghệ. Nhận thấy tác dụng thực tiễn và nguồn nguyên liệu dồi dào. Năm 2018, chị đầu tư máy móc và bắt đầu sản xuất tinh bột nghệ.

Trước khi đi vào sản xuất, chị Hằng đã đi thực tế nhiều nơi cũng như tìm hiểu qua tài liệu, phim ảnh để học hỏi quy trình và cách sản xuất tinh bột nghệ. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thực tế rất khó, có những lúc bị thua lỗ hàng triệu đồng do thành phẩm không đạt chất lượng. Cùng với đó là thiếu vốn, thiếu máy móc, nhân lực, một mình là lao động chính trong tất cả các công đoạn, từ việc thu mua nguyên liệu nghệ củ, đến việc rửa sạch, xay, vắt lọc, ngâm ủ… Rồi với quyết tâm cố gắng chị Hằng đã vươn lên khẳng định mình, sản phẩm làm ra mỗi ngày một tốt hơn và được khách hàng biết đến tin dùng ngày càng nhiều.

tinh-bot-nghe-thu-haqngf-2-100529-1697768745.jpg
Công đoạn đóng gói sản phẩm tinh bột nghệ.

Lúc bắt tay vào sản xuất, chị tâm niệm, trước hết sản phẩm làm ra để cho người thân sử dụng và coi khách hàng cũng như người thân. Do đó, nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng sản phẩm. Thế nên, nghệ phải là loại nghệ tép truyền thống ở địa phương, có màu đỏ cam, thời gian trồng từ 1 năm trở lên và thời gian thu hoạch phải vào khoảng từ tháng 12 năm này đến tháng 5 (dương lịch) năm sau. Chỉ loại nghệ này mới có thể tạo ra tinh bột nghệ chất lượng tốt.

Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất của chị Hằng làm ra 25kg tinh bột nghệ nguyên chất. So với những sản phẩm cùng loại trên thị trường, tinh bột nghệ của cơ sở có giá tương đối cạnh tranh (400.000 đồng/hộp/kg).

Mỗi năm, cơ sở sản xuất gần 2 tấn tinh bột nghệ với doanh thu từ 650 - 700 triệu đồng. Ngoài ra, còn 400 triệu đồng từ các dòng sản phẩm khác; tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ trong tỉnh, sản phẩm của cơ sở được phân phối đến rất nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

z4792894224694-26662db6601395626fd37f0fc5cab464-1697768702.jpg
Tinh nghệ được sấy trong phòng điều hòa.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng năng xuất trong sản xuất, chị Hằng đã vay mượn anh em, bạn bè để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị để thực hiện các công đoạn chế biến các sản phẩm từ nghệ. Đến nay xưởng sản xuất của Hằng đã có 1 máy rửa nghệ củ, 2 máy ép liên hoàn, 1 tủ sấy nóng, 1 máy sấy lạnh điều hòa, 2 máy xay mịn. Nhờ có trang thiết bị hiện đại nên từ chỗ mỗi năm chỉ thu mua khoảng 4 - 5 tấn nghệ củ nguyên liệu thì đến nay mỗi năm chị Hằng thu mua chế biến từ 30 - 32 tấn nghệ củ, cho ra thành phẩm từ 1,8 - 2 tấn tinh bột nghệ. Năm 2023, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Sản phẩm cũng đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Thu Hằng còn đạt giải tại Cuộc thi Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Hà Tĩnh năm 2022.

Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ cũng như các sản phẩm tại cửa hàng mình, chị Hằng đã biết sử dụng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo khách hàng; tham gia các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

z4800147570072-96623860a46e1c439ba9d3971aed7070-1697768684.jpg
Sản phẩm tinh bột nghệ được chị Hằng đưa đi tham dự các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh.

Hiện tại, cơ sở đang cung cấp nhiều dòng sản phẩm chính, gồm: tinh bột nghệ nguyên chất (sản phẩm OCOP), bột nghệ nguyên chất; ngũ cốc cho người cao tuổi, người tăng cân, người giảm cân; hà thủ ô; sim rừng (tươi, khô); viên nghệ mật ong... Với mục tiêu xuyên suốt “Sự hài lòng về chất lượng của quý khách là niềm hạnh phúc của chúng tôi”, cơ sở luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, nói không với chất phụ gia nhằm đưa đến cho người tiêu dùng sản phẩm tốt, an toàn nhất.

Chị Hằng là 1 trong 6 phụ nữ điển hình tiêu biểu của Hội LHPN Hà Tĩnh trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế được vinh danh năm 2022

Nguyễn Duyên