Tạo thuận lợi cho các dự án trồng mắc ca, Điện Biên trên hành trình trở thành "thủ phủ" cây nữ hoàng

Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Điện Biên đã phát triển được hơn 10.700ha cây mắc ca; trong đó, riêng năm 2024 đã trồng mới hơn 3.400ha. Với 13 dự án do 11 doanh nghiệp triển khai, Điện Biên đang từng bước xây dựng, nâng tổng quy mô quy hoạch cây mắc ca lên hơn 61.000ha trong những năm tới. Điện Biên đang dần khẳng định vị thế là thủ phủ cây nữ hoàng này.
mac-ca-dien-bien-2-1736210512.jpg
Đến nay, Điện Biên đã trở thành vùng trọng điểm trồng mắc ca lớn khu vực Tây Bắc với hơn 10.700ha.(Ảnh minh họa)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô sau khi điều chỉnh là trên 61.000 ha. Đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trồng được trên 10.700 ha, trong đó trồng mới năm 2024 là trên 3.400 ha.

Để cụ thể hóa mục tiêu đưa Điện Biên trở thành thủ phủ mắc ca vùng Tây Bắc, tỉnh đã ban hành đề án về cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp - nhà đầu tư trồng mắc ca theo các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư để được hỗ trợ nguồn giống cây mắc ca đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Đồng thời phát triển trồng cây mắc ca theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Tại huyện Tuần Giáo hiện đã trồng được trên 2.500 ha cây mắc ca, chiếm 35% diện tích toàn tỉnh. Huyện đặt mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có trên 8.000ha mắc ca, bình quân mỗi hộ dân sở hữu 100 cây mắc ca, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

mac-ca-dien-bien-5-1736210570.jpg
Đến hết năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức trồng được trên 10.700 ha, trong đó trồng mới năm 2024 là trên 3.400 ha. (Ảnh minh họa)

Theo UBND huyện Tuần Giáo, phát triển cây Mắc ca là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, năm 2023 huyện Tuần Giáo đã trồng mới được gần 1.700 cây mắc ca với sự tham gia của 2.800 hộ dân.

Diện tích cây mắc ca đã trồng đang sinh trường và phát triển tốt, tỷ lệ cây sống đạt 90%. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp nghiệp của huyện, tạo hướng đi rõ ràng trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân trong địa bàn.

Riêng trong năm 2024, huyện Tuần Giáo đã tuyên truyền, vận động được 5.500 hộ gia đình đăng ký trồng mắc ca, nâng tổng số hộ tham gia trồng mắc ca trong địa bàn toàn huyện lên lên gần 8.000 hộ, chiếm gần 50% dân số làm nông nghiệp trên địa bàn. Dự kiến đến hết tháng 6/2024, Tuần Giáo sẽ có trên 6.000 ha trồng cây mắc ca, trở thành huyện có diện tích trồng, phát triển cây mắc ca lớn nhất cả nước.

Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, để thực hiện hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Điện Biên đã ban hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên phát triển cây mắc ca theo hướng tập trung, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh cũng khuyến khích người dân tham gia các dự án liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ giống cây đạt tiêu chuẩn, kỹ thuật canh tác hiện đại và bao tiêu sản phẩm".

"Hiện tỉnh đang tập trung rà soát các dự án trồng mắc ca đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, từ đó chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn về đất đai để giúp các nhà đầu tư thuê đất trồng mắc ca tạo ra vùng lõi cho hoạt động liên kết, phát triển mắc ca đối với người dân. Trong năm 2025 cũng sẽ tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư về cơ sở chế biến", ông Lê Thành Đô nói.

mac-ca-dien-bien-4-1736210496.jpg
Điện Biên khuyến khích người dân liên kết với các doanh nghiệp - nhà đầu tư trồng mắc ca theo các dự án đã được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.(Ảnh minh họa)

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ huy động tối đa sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sát cánh cùng nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là sẽ ưu tiên các dự án liên kết thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm mắc ca.

Đồng thời, tỉnh Điện Biên tiếp tục định hướng chung về cơ chế, chính sách thực hiện các dự án trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh chủ yếu theo 2 hình thức: Nhà nước cho Nhà đầu tư thuê đất để thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca theo quy định của pháp luật về đất đai và Nhà đầu tư hợp tác, liên kết với người dân vùng dự án thực hiện các dự án trồng cây Mắc ca theo phương thức hợp đồng liên kết.

Lồng ghép, huy động tối đa nguồn vốn từ các chính sách thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai để hỗ trợ các nhà đầu tư và người dân thực hiện liên kết trồng nắc ca trong vùng dự án. Trong đó sẽ ưu tiên, khuyến khích phát triển các dự án liên kết trồng Mắc ca thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, mắc ca được ưa chuộng tại 22 quốc gia trên toàn thế giới, đây là cơ hội to lớn cho việc phát triển ngành mắc ca tại tỉnh Điện Biên. Để đưa mắc ca trở thành thương hiệu uy tín, chất lượng cao trên thị trường trong nước và quốc tế, cần xây dựng mo hình quản lý và kiểm soát chất lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “mắc ca Điện Biên”./.

Bình Châu