Hà Tĩnh: Tích cực, chủ động, kịp thời triển khai công tác điều tra, kiểm kê rừng

Công tác điều tra, kiểm kê rừng vừa nhằm xác định diện tích rừng, trữ lượng gỗ, vừa đánh giá sự phân bố các loại rừng. Nhận thức rõ tầm quan trọng của tài nguyên rừng trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực và chủ động triển khai công tác điều tra, kiểm kê rừng. Đây là hoạt động quan trọng nhằm đánh giá hiện trạng rừng, từ đó đưa ra các biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
kiem-ke-rung-1736424521.jpg
Hà Tĩnh tích cực, chủ động, kịp thời triển khai công tác điều tra, kiểm kê rừng.

Tỉnh Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên là 599.445,0 ha, trong đó, diện tích đất rừng và chưa có rừng là 359.367 ha, chiếm 59,95% tổng diện tích tự nhiên, là cầu nối giao thông giữa hai miền Nam Bắc, giao thông thuận lợi với nước bạn Lào, Thái Lan với các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, Đường Hồ Chi Minh, Quốc lộ 8A và Quốc lộ 12; giao thông đường biển với cảng biển nước sâu Vũng Áng có quy mô Quốc gia và trong khu vực.

Tiềm năng của rừng trên địa bàn tỉnh không chỉ mang lại giá trị về lâm sản, nước, mà còn có tiềm năng dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon rừng là rất lớn. Thời gian tới, đây sẽ là nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế cho chủ rừng, đồng thời các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng bền vững.

Đây là nhiệm vụ mà trong thời gian qua Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng và ứng phó với tình hình thời tiết nhiều diễn biến bất thường, biến đổi khí hậu toàn cầu, ảnh hưởng của ELNINÔ, LANINA xẩy ra liên tục với mức độ ngày càng khốc liệt.

kiem-ke-rung-3-1736424521.jpg
Hà Tĩnh là địa phương có diện tích rừng lớn.

Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017; các nghị định; các thông tư hướng dẫn mới,... Chính phủ đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện quản lý rừng bền vững, chính sách về tín chỉ các - bon của rừng và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng. Đảm bảo phù hợp với quy luật phát triển tự nhiên về môi trường, sinh thái và xã hội. Bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh doanh rừng, thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng FSC đối với rừng sản xuất. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, phát triển dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh. Phát triển lâm sản ngoài gỗ, dược liệu. Phát triển các hình thức nông, lâm, ngư kết hợp dưới tán rừng…

Thực hiện Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng; Thông tư số 16/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12 /2023 sửa đổi, bố sung một số điều của Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT; Thông tư số 05/2024/TT-BNNPTNT ngày 19/4/2024 quy định định mức kinh tế - kỹ thuật điều tra rừng; Văn bản số 2338/BNN-KL ngày 01/4/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Văn bản số 1878/UBND-NL ngày 08/4/2024 giao Sở Nông nghiêp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu triển khai thực hiện. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh đã ban hành Văn bản số 1170/SNN-KL ngày 19/4/2024 đề xuất UBND tỉnh về chủ trương và giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành, địa phương xây dựng Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí về điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo kịp thời, đúng quy định trình UBND tỉnh quyết định phê duyệt và đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tại Văn bản số 2387/UBND-NL4 ngày 3/5/2024.

Ngày 22/8/2024 Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Văn bản số 2684/SNN-KL chỉ đạo giao Trung tâm Điều tra, quy hoạch, thiết kế nông nghiệp nông thôn chủ trì, phối hợp với Chi cục Kiểm lâm, Phòng Kế hoạch và Tài chính căn cứ các quy định pháp luật có liên quan xây dựng Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí về điều tra xác định hiện trạng rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Trên cơ sở thảo Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí về điều tra xác định hiện trạng rừng Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản xin ý kiến góp ý các sở, ngành, địa phương, chủ rừng có liên quan (Văn bản số 2834/SNN-ĐTQH ngày 9/9/2024; số 2985/SNN-ĐTQH ngày 19/9/2024). Trên cơ sở ý kiến góp ý của các sở, ngành, địa phương, chủ rừng trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo Đề cương nhiệm vụ và dự toán kinh phí về Điều tra rừng trên địa bàn toàn tỉnh, với kinh phí dự kiến trên 26 tỷ đồng.

kiem-ke-rung-2-1736424521.jpg
Công tác điều tra, kiểm kê rừng được thực hiện tích cực, chủ động, kịp thời.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện Dự án điều tra, xác định hiện trạng rừng, diện tích, trữ lượng rừng đối với toàn bộ diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng và đất chưa có rừng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh là rất cần thiết, là cơ sở để đề xuất các phương án bảo vệ, phát triển rừng bền vững nhằm phát huy các giá trị đa dạng sinh thái của rừng. Từ đó, phân theo mục đích sử dụng rừng, chủ rừng và đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) làm cơ sở dữ liệu phục vụ các hoạt động quản lý tài nguyên rừng và theo dõi, cập nhật diễn biến rừng hằng năm.

Đồng thời, quản lý rừng bền vững và phát huy giá trị đa dạng của hệ sinh thái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cacbon rừng, góp phần thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo./.

Nguyễn Duyên