Sáng 9/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo về tổng kết công tác năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Năm 2024, ngành Y tế phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm
Tại cuộc họp, báo cáo của Bộ Y tế cho biết năm 2024, ngành y tế kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22% so với số cơ sở được kiểm tra.
Lực lượng chức năng đã xử phạt 6.658 cơ sở với số tiền hơn 33,5 tỷ đồng (số cơ sở bị phạt tiền tăng 2,9 lần so với năm 2023, số tiền phạt tăng 1,69 lần).
Lực lượng công an đã phát hiện, xử lý 8.959 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, tăng 1.854 vụ (26%) so với năm 2023, với 8.978 đối tượng (tăng hơn 27%); khởi tố 62 vụ, 97 bị can.
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải; từ Trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm với nhiều hình thức khác nhau, đảm bảo đúng pháp luật, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân có thông tin để lựa chọn thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm mới chỉ đáp ứng một phần yêu cầu thực tế.
Các ý kiến tại cuộc họp cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền về chế tài xử phạt để thay đổi nhận thức của người dân, như việc tuyên truyền Nghị định 168 về xử phạt trong lĩnh vực an toàn giao thông. Cần xác định công tác phát hiện, ngăn ngừa, xử lý hình sự về ATTP là công tác trọng tâm, đột phá để răn đe, làm giảm tội phạm ATTP.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hình thức kinh doanh online, đặc điểm của loại hình kinh doanh này là không có địa điểm kinh doanh cố định, tính ẩn danh, danh không thực, điều này gây ra nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Theo Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết công tác phòng ngừa là biện pháp hàng đầu. Bên cạnh đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhất là về chế tài xử phạt, việc xử lý các hành vi vi phạm về vệ sinh an toàn, từ đó nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cũng cho ý kiến đóng góp về hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử, hình thức kinh doanh online, đặc điểm của loại hình kinh doanh này là không có địa điểm kinh doanh cố định, tính ẩn danh, danh không thực, điều này gây ra nhiều khó khăn trong kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Do đó, các ý kiến thống nhất cần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành từ Trung ương đến cấp xã tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, tuyên truyền là giải pháp căn cơ, nhất là trong việc thay đổi nhận thức của người dân. Ông cũng cho rằng, cần nâng mức phạt hơn nữa để tăng tính răn đe. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế đã xây dựng cơ sở dữ liệu về ATTP, đồng thời mong muốn, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo cập nhật dữ liệu vào hệ thống này.
Tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận trong thời gian qua, các bộ, ngành đã có cố gắng, đạt những kết quả có thể lượng hóa được; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật, triển khai các đề án, chương trình liên quan đến an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm; đổi mới trong công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân.
Các cơ quan truyền thông có đổi mới trong tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Số lượng các vụ vi phạm ATTP gia tăng. Số người mắc còn lớn. Một số việc đã có trong kế hoạch nhưng thực hiện còn chậm.
Về những tồn tại, hạn chế, số lượng các vụ vi phạm còn tăng; một số giải pháp, chính sách còn chậm được thực hiện.
Về phương hướng nhiệm vụ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc thống nhất quan điểm chung là tập trung hơn nữa cho công tác phòng ngừa, khi phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm. Công tác phối hợp thực hiện liên ngành là quan trọng, cần tập trung làm tốt. Công tác tuyên truyền phải toàn diện hơn, nhất là tuyên truyền về các chế tài xử lý vi phạm, nâng cao nhận thức người dân.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch sửa đổi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi.
Về cơ sở dữ liệu và chuyển đổi số trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có báo cáo chi tiết và có thể tổ chức một cuộc họp chuyên đề của Ban Chỉ đạo bàn về vấn đề này để xem xét việc kết nối dữ liệu của các bộ, ngành.
Cần tăng cường truyền thông về bảo đảm ATTP, tập trung vào các giải pháp phòng ngừa và các chế tài xử phạt, thanh tra, kiểm tra. Đối với ý kiến về tăng chế tài xử phạt, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản liên quan.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện nghiêm chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét những vấn đề nảy sinh để làm sao vẫn tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATTP được thông suốt.
Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai tốt các công tác đảm bảo ATTP dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán./.