Theo đó, Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT quy định Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh gồm danh mục chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này và nội dung chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này. Bộ Chỉ tiêu này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê, sản xuất thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê về Tăng trưởng Xanh.
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Cụ thể, Bộ chỉ tiêu Thống kê Tăng trưởng Xanh sẽ bao gồm 4 mục tiêu chính. Mục tiêu 1 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP. Mục tiêu 2 là xanh hóa các ngành kinh tế, bao gồm các lĩnh vực năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; thương mại-dịch vụ; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng: tài nguyên rừng; tài nguyên khoáng sản; tài nguyên nước. Mục tiêu 3 là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Mục tiêu 4 là xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Chẳng hạn như trong lĩnh vực giao thông vận tải, sẽ có các chỉ tiêu như: tỷ lệ xe buýt sử dụng năng lượng xanh, số lượng trạm sạc, cổng sạc xe điện... Hay trong lĩnh vực vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng có các chỉ tiêu như: tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh, tỷ trọng phát hành trái phiếu xanh…Trong lĩnh vực nông nghiệp bao gồm các chỉ tiêu: Lượng phân bón hóa học bình quân sử dụng trên một hecta (1 ha) đất trồng trọt;Lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học bình quân được sử dụng trên một hecta (1 ha) đất trồng trọt;Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiết kiệm nước;Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững; Diện tích đất bị thoái hóa;Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (GAP) hoặc tương đương.
Trong lĩnh vực tài nguyên rừng gồm các chỉ tiêu: Tỷ lệ che phủ rừng; Tỷ lệ diện tích hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên và hệ sinh thái biển được phục hồi; Tỷ lệ diện tích hệ sinh thái rừng tự nhiên suy thoái được phục hồi; Tỷ lệ diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững... Ở lĩnh vực khoáng sản: Trữ lượng khoáng sản đã cấp phép, khai thác và còn lại phân theo các cấp trữ lượng; Lĩnh vực tài nguyên nước: Tổng lượng nước mặt các lưu vực sông chính; Mức thay đổi mực nước dưới đất; Mức thay đổi tổng lượng nước mặt các lưu vực sông chính...
Thông tư cũng quy định rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan: Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh được phân công, bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Xây dựng và hoàn thiện các hình thức thu thập thông tin của các chỉ tiêu thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh; Xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê cho các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh. Phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát danh mục và nội dung các chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh theo quy định của Thông tư này để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ vào Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh thực hiện lồng ghép, thu thập, tổng hợp những chỉ tiêu được phân công, cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp, biên soạn; Phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) trong sửa đổi, bổ sung Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh khi có yêu cầu, đề xuất từ các cơ quan của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, điều hành các Sở, ban, ngành ở địa phương thực hiện thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu (hoặc phân tổ chỉ tiêu) thống kê tăng trưởng xanh trong phạm vi được phân công. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2023.