Quảng Bình: Nỗ lực vượt khó ở vùng nguyên liệu gỗ dăm Lệ Thủy

Người trồng rừng ở Lệ Thủy (Quảng Bình) thường gặp khó khăn do giá xuống thấp, nguồn đầu ra bấp bênh,... nên UBND huyện Lệ Thủy và các ban ngành, đơn vị liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng rừng.
go2-1694406883.jpg
Chuyển sang trồng rừng gỗ lớn đang là hướng đi của ngành lâm nghiệp huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. (Ảnh minh họa)

Huyện Lệ Thủy được mệnh danh là “thủ phủ” vùng nguyên liệu gỗ dăm của tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, người trồng rừng ở đây thường gặp khó khăn do giá cả xuống thấp, nguồn đầu ra bấp bênh, nhất là sau đại dịch Covid-19. Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã và đang tiếp tục các nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng rừng.

Gặp khó do thị trường biến động

Thời gian qua, huyện Lệ Thủy xác định công tác trồng rừng, nhất là trồng keo tràm, là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Phát triển rừng trồng không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế mà quan trọng hơn là góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, đồng thời tăng cường ý thức bảo vệ rừng của người dân.

Hiện tổng diện tích rừng trồng của huyện Lệ Thủy đạt 19 nghìn ha, trong đó có 13 nghìn ha là rừng gỗ trồng keo tràm. Về giá trị kinh tế, 1ha trồng keo tràm, với tuổi đời 4 năm đã cho thu nhập trung bình 70 triệu đồng. Nhờ trồng keo tràm, người dân nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã thoát nghèo, có của ăn của để.

Tuy nhiên, sau đại dịch Covid - 19, vùng nguyên liệu gỗ dăm Lệ Thủy đối mặt nhiều khó khăn do giá cả xuống thấp, đầu ra bấp bênh. Theo thống kê, trước đại dịch Covid - 19,  giá thu mua bình quân của các thương lái khoảng 950 nghìn đồng/1 tấn gỗ keo tràm, những lúc giá xuống thấp nhất cũng đạt 850 nghìn đồng/tấn. Nhưng từ tháng 9/2022 đến tháng 7/2023, thị trường gỗ dăm ở Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung đột ngột dừng “ăn hàng”’; các đầu mối thu mua gỗ keo tràm trong và ngoài tỉnh Quảng Bình đồng loạt dừng hoạt động khiến hàng trăm nghìn ha rừng trồng ở huyện Lệ Thủy nằm “trơ gan” giữa mênh mông đồi núi.

a2-1694406970.JPG
Ông Trần Chương, thôn Việt Xô, xã Trường Thủy (huyện Lệ Thủy) bên cánh rừng keo tràm thân gỗ lớn 3 năm tuổi.

Ông Trần Chương, ở thôn Việt Xô (xã Trường Thủy) cho biết, từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, thị trường gỗ dăm đột ngột dừng khiến đời sống bà con nơi đây gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều cánh rừng trồng keo tràm đã đủ độ tuổi thu hoạch nhưng không thể khai thác vì giá cả quá thấp, hoặc các thương lái không thu mua.

Theo ông Chương, thị trường gỗ dăm ngừng “ăn hàng” đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người rân. Bởi bà con các xã Thái Thủy, Trường Thủy, Kim thủy, Ngân Thủy, Văn Thủy,… của huyện Lệ Thủy hầu như sống nhờ vào việc trồng và thu hoạch keo tràm.

“Khi thị trường keo tràm ổn định thì công việc của bà con nơi đây ổn định quanh năm, từ khai thác gỗ nguyên liệu đến trồng cây ở những diện tích đã bán cho thương lái. Các loại hình dịch vụ ăn theo như xe cơ giới vận chuyển gỗ, giống cây trồng, phân bón... sẽ phát triển. Nhưng vì nguồn hàng không xuất được nên người trồng rừng và các dịch vụ liên quan đều bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Chương cho biết.

Quyết tâm vượt khó

Đứng trước những khó khăn mà vùng nguyên liệu gỗ dăm gặp phải từ cuối năm 2022 cho đến nay, UBND huyện Lệ Thủy và các ban ngành liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng rừng. Trong đó, huyện đã có những chính sách khuyến khích, hướng dẫn bà con tiến hành chuyển đổi sinh kế khác như: tăng cường mô hình chăn nuôi gà đồi, trồng sim lấy quả, nuôi các loại dê bò ở các vùng triền đồi... Riêng đối với lĩnh vực trồng rừng, huyện chủ trương chuyển đối giống cây trồng từ các loại giống cây thân nhỏ sang trồng các loại giống cây gỗ lớn (keo tràm-công nghệ cấy mô) theo chứng chỉ FSC.

logo-a2-1596605969811509866931-1694406869.jpg
UBND huyện Lệ Thủy và các ban ngành liên quan đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người trồng rừng. Trong đó, huyện đã có những chính sách khuyến khích, hướng dẫn bà con tiến hành chuyển đổi sinh kế khác như: tăng cường mô hình chăn nuôi gà đồi, trồng sim lấy quả, nuôi các loại dê bò ở các vùng triền đồi...

Đặc biệt, để phát triển rừng trồng bền vững, ngày 09/07/2020, UBND huyện Lệ Thủy đã ban hành Quyết định số 3551/QĐ-UBND thành lập Hội Chủ Rừng Phát triển Bền vững huyện Lệ Thủy (FOSDA Lệ Thủy). Đây là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của những người trồng rừng và những người hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, môi trường trên địa bàn huyện.

FOSDA Lệ Thủy là hội của các chủ rừng đầu tiên của tỉnh Quảng Bình được thành lập với sự hỗ trợ của Dự án Khe Nước Trong, thuộc Trung tâm Bảo tồn Thiên Nhiên Việt (Việt Nature). Với việc thành lập Hội, 145 chủ rừng đầu tiên có nhu cầu đã đăng kí tham gia tại 6 thôn của xã Kim Thủy và Công ty Cổ phần Lệ Ninh được tập hợp, hỗ trợ trong quản lý rừng bền vững và hướng tới có đánh giá cấp chứng chỉ FSC.

Ông Trần Duy Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thủy, cho biết, việc chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC và thành lập FOSDA Lệ Thủy sẽ giúp người trồng rừng trên địa bàn vừa có cơ hội hỗ trợ nhau trong việc tiêu thụ sản phẩm, vừa có đầu ra ổn định.

FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương). Chứng chỉ FSC được công nhận bởi FSC (một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận) sau khi đã hoàn tất xong việc đánh giá và xác nhận về tài nguyên rừng của một quốc gia.

“Toàn huyện hiện có 852 ha đã chuyển đổi sang rừng trồng gỗ lớn và đã được cấp chứng chỉ FSC; được Công ty Dũng Nguyệt Anh ký cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. Với chu kỳ 5 năm khai thác một lần, lại được bao tiêu sản phẩm và giá cả cao hơn 25%/ha so với giá thị trường hiện nay đã tạo động lực cho bà con nơi đây yên tâm phát triển trồng rừng”, ông Hưng cho hay.

Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, huyện khuyến khích bà con chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, bởi tính ổn định lâu dài trong chiến lược phát triển rừng trồng. Trồng theo chứng chỉ FSC giúp người trồng rừng chủ động từ nguồn giống cây trồng, sản lượng, kiểm định nguồn hàng được đảm bảo... Đặc biệt chất lượng gỗ rừng trồng đáp ứng theo yêu cầu xuất khẩu ở những thị trường khó tính.

Trần Hùng