Xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình được ví là vùng “rốn lũ” bởi nơi đây hàng năm chịu nhiều trận lũ lụt, nước lũ rút đi để lại một lượng lớn phù sa hòa lẫn vào đát cát rất giàu dinh dưỡng để trồng các loại hoa màu khác nhau.
Người dân nơi đây dựa vào diện tích đất cát pha có hàng lượng chất dinh dưỡng rất cao để canh tác sản xuất các loại rau màu khác nhau như hoa lay ơn, hoa cúc, su hào, ớt, dưa chuột... phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân địa phương và trong các dịp lễ tết.
Hồng Thủy là một xã thuần nông với diện tích trồng lúa của toàn xã là 750 ha, trong đó, diện thích trồng các loại hoa màu khác nhau nhiều gấp ba lần diện tích trồng lúa. Diện tích rau trồng nhiều ở thôn An Định, Mốc Định, Mốc Thượng 1, Mốc Thượng 2 và thôn Đông Hải. Nhờ trồng rau nên nhiều hộ dân trong xã có thu nhập cao, hiện cả xã có trên 200 ha đất trồng rau có giá trị thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng/ha.
Nhờ trồng rau nên nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo, vươn lên khá giả. Tuy nhiên, làm rau, củ, quả theo hình thức truyền thống, bán cho thương lái thì nhàn nhưng lại quá phụ thuộc vào thị trường, giá thấp nên thu nhập không ổn định.
Đặc biệt, với đặc trưng là xã vùng trũng, mùa lũ ở Hồng Thủy nước ngập trong khoảng thời gian dài, không thể trồng rau, quả nên không đáp ứng được nguồn cung liên tục, không đủ số lượng cung cấp cho siêu thị nên rất khó ký kết hợp đồng.
Ngoài ra, một khó khăn và thử thách mà người trồng rau nơi đây gặp phải, đó là vào tháng 8, 9 âm lịch hàng năm, vùng đất này luôn đối mặt nguy cơ ngập lũ bất cứ lúc nào, dẫn đến mất trắng thành quả lao động.
Ông Phạm Minh Hòa, một hộ người dân trồng rau ở xã Hồng Thủy cho biết, ngoài việc trồng lúa bà con nơi đây hàng ngày đều ra những đồng trên những thửa đất được chính quyền giao tiến hành trồng và canh tác các loại rau màu theo đặc tính của khí hậu. Mỗi loại rau màu trồng theo chu kỳ ngắn hạn, khoảng hai hoặc ba tháng sẽ thu hoạch, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau màu cho bà con địa phương.
“Việc trồng rau màu được bà con nơi đây rất chú trọng, bởi thu nhập của các vụ rau cao hơn ba lần diện tích trồng lúa, đem lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cho người trồng rau. Tuy nhiên, việc trồng theo tính tự phát, mạnh ai nấy trồng nên nguồn đầu ra luôn bấp bênh, phụ thuộc vào thị trường và các thương lái. Đặc biệt, các loại rau nơi đây chưa tìm được đầu vào ở các siêu thị, các cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh.”, ông Hòa cho biết thêm.
Chính quyền xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình luôn luôn tuyên truyền và khuyến khích bà con không sử dụng các loại phân hóa học, không phun thuốc bảo vệ thực vật các loại, chỉ bón phân bón hữu cơ theo kỹ thuật ủ phân và quy trình chăm sóc đã được tập huấn.
Hiện, xã Hồng Thủy đã thành lập được 2 tổ hợp trang trại trồng rau an toàn với gần 80 hộ dân và sẽ tiếp tục hỗ trợ, để đưa nông sản Hồng Thủy mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao thu nhập, tránh được tình trạng được mùa rớt giá.
Ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy cho hay, để phát triển nghề trồng rau, UBND xã đã vận động nông dân mở rộng diện tích, chuyển đổi một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau. Nhờ đó, nhiều hộ trồng rau có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
“Xã đang vận động người trồng chuyển hướng đến vùng rau an toàn, rau sạch để dần xây dựng thương hiệu rau sạch Hồng Thủy đưa ra thị trường, từng bước dần đạt các yêu câu theo tiêu chí VIETGAP để từ đó chủ động trong việc tìm nguồn đầu ra cho các loại rau sạch của địa phương.”- ông Huấn nói.