Bỏ lại sau lưng những bộn bề lo toan, quẳng lại tiếng thở dài của cuộc sống hiện tại để tìm đến những nơi “chữa lành” cho tâm hồn sau thời gian dài bị “tổn thương” bởi cơm áo gạo tiền. Đó là nơi giúp ta gạt đi ưu phiền, đắm mình vào cảnh sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, hay chiêm ngưỡng những công trình của thế kỷ có tuổi đời hơn 600 năm.
Giá trị tạo nên sự trường tồn
Với quan điểm, lịch sử và quá khứ là tấm gương sáng để chúng ta soi vào và hoàn thiện mình. Có lẽ bởi vậy mà tôi thường lân la, đi tìm hướng trở về với quá khứ xa xưa qua những công trình, kiến trúc cổ. Ở nơi đó, tôi như được xuyên không, chứng kiến bao đổi thay của đất nước qua những nét văn hóa cổ xưa hay những công trình kiến trúc độc đáo.
Trong một lần đi để “chữa lành”, tôi có dịp quay lại Thành Nhà Hồ tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) trong những buổi chiều đầu tháng 6. Giữa cái nắng như dát vàng lên vạn vật sung quanh, góp phần tô thêm vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của một công trình đá được xem là kiệt tác của nghệ thuật.
Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thành được xây dựng vào năm 1397 trong thời gian 3 tháng dưới thời vua Trần Thuận Tông do thần quyền Hồ Quý Ly chỉ huy. Sau khi hoàn thành, Thành Nhà Hồ là kinh đô của nước Đại Ngu do Hồ Quý Ly sáng lập (1400 – 1407).
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, cùng với sự tàn phá của thời gian, nhiều bộ phận đã bị hư hại. Nhưng cổng thành vẫn sừng sững hiên ngang như đang trường tồn cùng với đất trời. Đây là một trong những công trình minh chứng về một triều đại phong kiến thịnh trị của nước ta. Là biểu tượng của nền văn minh nhân loại đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Tại đây, những khối đá vuông vức nặng hàng trăm tấn, được mài nhẵn, sếp chồng lên nhau để tạo nên thành lũy. Những hòn đất nung cùng với những cây gỗ to được dùng để xây nên cung điện. Tất cả đều được các nghệ nhân xưa tính toán tỷ mỉ với độ chuẩn xác cao. Cổng thành được thiết kế với lối kiến trúc cung đình xưa, lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi. Hai lối bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn, dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo (theo nguyên tắc tả văn-hữu võ).
Dù triều nhà Hồ tồn tại rất ngắn, nhưng những công trình, kỹ thuật xây dựng để lại cho hậu thế đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ đó, bước tường đá tưởng chừng vô tri kia lại chính là điểm du lịch khám phá của du khách trong và ngoài nước.
Đến với Thành Nhà Hồ, chúng ta như được sống lại trong những nét văn hóa cung đình xưa. Đó là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với các nước Đông Á và Đông – Nam Á, là nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực.
Tuy vậy, đã có thời gian, giá trị văn hóa thế giới này đã từng bị “lãng quên”, khi cho rằng đây là sự tồn tại của một triều đại không được lòng dân. Đẩy quần chúng nhân dân vào cuộc xâm lược bi thương của giặc Minh phương Bắc. Nhưng công tâm mà nói, triều Hồ có rất nhiều bước tiến vượt thời đại trong cuộc cải tổ một đế chế đang bước vào thời kỳ thoái trào.
Giá trị di sản trong phát triển du lịch
Xuất phát từ thực tiễn tại khu di sản Thành Nhà Hồ, cũng như xu thế hướng về cội nguồn dân tộc trong thăm quan du lịch hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã tích cực xây dựng các tuyến thăm quan khu di sản để phục vụ nhu cầu thăm quan của du khách, trên cơ sở khai thác và phát huy những thế mạnh từ các làng cổ ở ngay cạnh di sản Thành Nhà Hồ, trong đó có khu vực phía Đông di sản và làng cổ Đông Môn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc có đầy đủ các yếu tố để cấu thành khu vực thăm quan trọng điểm kết hợp thăm quan di sản Thành Nhà Hồ với làng cổ phụ cận thuộc khu vực lõi di sản Thành Nhà Hồ.
Ông Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản cho biết: “Để góp phần đưa Di sản thế giới Thành nhà Hồ tiếp cận công chúng và khách tham quan, trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn đã phối hợp với Sở VHTT&DL đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thông qua các hình thức như trưng bày, triển lãm, đăng mạng xã hội, quảng bá trực tuyến.
Song song với đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản cũng chú trọng xây dựng hệ thống thông tin, đón tiếp du khách ghé thăm, dựng bảng biển giới thiệu, nâng cao chất lượng hướng dẫn viên. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường, vệ sinh, cây cỏ... cũng được quy hoạch, nâng cấp để tiện đón tiếp khách du lịch”.
Bên cạnh đó, với sứ mệnh kết nối giữa quá khứ và hiện tại, những năm qua, Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp một số trường học trên địa bàn tổ chức các lớp học ngoại khóa tại Thành Nhà Hồ. Qua tham quan, trải nghiệm, giúp các em hiểu rõ hơn về lịch sử. Đồng thời, thông qua những tương tác thực tiễn, trải nghiêm thú vị, góp phần định hướng lối sống đẹp cho các em. Từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa địa phương, quê hương, đất nước.
“Bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm đem di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng là một trong những chiến lược của trung tâm bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ trong công cuộc đưa di sản văn hóa vào chương trình học.
Qua những chương trình di sản như “Cùng khám phá Thành Nhà Hồ được xây dựng như thế nào và lễ thượng nêu tết xưa”; “E làm nhà Khảo cổ học”; “Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ và tôi” … đã tái hiện những hoạt động văn hóa, mang đậm bản sắc cổ truyền của dân tộc, bồi đắp thêm ý thức, tình thân yêu nước, lòng tự hảo dân tộc, yêu di sản văn hóa, hướng đến cội nguồn cho thế hệ học sinh mai sau”. Ông Nguyễn Bá Linh chia sẻ thêm.
Có thể nói đổi mới, đa dạng hoá các tuyến tham quan gắn với đặc trưng của Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ là việc làm sáng tạo, mang tính chiến lược, được các tổ chức, cơ quan chức năng và các sở Ban ngành trong tỉnh đánh giá rất cao. Đem đến sự hài lòng cho cộng đồng và du khách khi đến với Di sản, góp phần nâng cao vai trò vị thế của du lịch Thành Nhà Hồ trên bậc thang phát triển Kinh tế - Xã hội.
Những giá trị mới mà Di sản Thành Nhà Hồ đạt được không chỉ thể hiện qua du khách đến tham quan ngày càng đông và tỏ lòng cảm mến với Di sản, mà còn thông qua sự tăng trưởng về kinh tế cho những hộ kinh doanh dịch vụ tại đây. Đó là tiền đề để Thành Nhà Hồ tiếp tục tạo ra nhiều sản phẩm du lịch lịch mới, phong phú đa dạng hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong giai đoạn mới./.