Phấn đấu đến 2025, Nghệ An có ít nhất 650 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên

Nghệ An được đánh giá là một trong các địa phương thực hiện có hiệu quả nhất chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” – OCOP, với vị trí thứ hai cả nước về số lượng sản phẩm OCOP đạt sao. Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã đến với người dùng cả nước cũng như xuất khẩu sang nước ngoài. Để tìm hiểu rõ hơn về quá trình triển khai, thực hiện chương trình, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế Xanh đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Nhung Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An.
img-6159-1692331188.jpg
Bà Võ Thị Nhung - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An

Phóng viên: Xin bà cho biết những thành quả nổi bật của Nghệ An sau 4 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP?

Bà Võ Thị Nhung: Sau 4 năm thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, Nghệ An đã có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của người dân nên đã đạt được thành quả tích cực. Việc đánh giá và phân hạng được 403 sản phẩm OCOP, đứng thứ 2 toàn quốc (sau Thành phố Hà Nội) có lẽ là kết quả rõ rệt nhất của chương trình, trong đó: có 01 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 43 sản phẩm đạt 4 sao và 359 sản phẩm đạt 3 sao. Cơ cấu các chủ thể tham gia cũng như nhóm sản phẩm đa dạng và phong phú. Về xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP sau 4 năm hiện có hơn 65% sản phẩm được giới thiệu và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, 11 sản phẩm đã ký kết và đưa vào vào Trung tâm thương mại, siêu thị lớn. Tỉnh đã tổ chức và tham gia hơn 100 hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Có thể nói chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tăng thu nhập cho người dân ở các địa phương trong tỉnh.

Phóng viên: Theo bà những kết quả đó có được là dựa vào những yếu tố nào?

Bà Võ Thị Nhung: Để đạt được những kết quả nêu trên là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực với quyết tâm cao nhất của ngành nông nghiệp Nghệ An cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, ngành, trong đó có vai trò lớn nhất của người đứng đầu địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP được phát huy dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu gắn với văn hóa, truyền thống của từng địa phương; Vai trò và tính sáng tạo của các chủ thể, sự chủ động của người dân và cộng đồng là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, có nhiều cơ chế chính sách, hỗ trợ của Nhà nước tạo ra sự khích lệ cho các chủ thể và người dân đẩy mạnh và phát triển sản phẩm OCOP. Đặc biệt, phải kể đến sự hỗ trợ, giúp sức của các cấp, ngành trong tỉnh khi đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm đã nâng cao được hình ảnh, giá trị cũng như thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm OCOP.

Phóng viên: Bên cạnh kết quả đạt được thì quá trình thực hiện chương trình Nghệ An có gặp phải khó khăn, vướng mắc gì không thưa bà?

Bà Võ Thị Nhung: Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chương trình, Nghệ An đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc chủ quan cũng như khách quan. Đầu tiên phải kể đến quy trình sản xuất, nhiều sản phẩm phẩm chủ yếu được làm thủ công, giá trị sản phẩm chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, máy móc trang thiết bị còn lạc hậu, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó việc tích tụ ruộng đất, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tay nghề, liên kết theo chuỗi giá trị, đầu ra sản phẩm còn gặp khó khăn. Hơn nữa, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu, các chủ thể chưa quan tâm nhiều đến kiểu dáng, bao bì, nhãn mác sản phẩm, nhất là các loại giấy chứng nhận như: ATTP, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ nên sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp, chưa đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trong khi đó, nhiều địa phương lại lúng túng trong công tác hướng dẫn, tổ chức cho các chủ thể tham gia chương trình. Chưa xác định được lợi thế, tiềm năng của địa phương mình, chỉ mới tập trung vào các sản phẩm đã có; chưa xác định được tính mới, tính khác biệt với những sản phẩm cùng loại; chưa quan tâm đến việc phát triển các sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu, nhất là các sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Do nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất sản phẩm OCOP của các HTX rất lớn. Nhưng hiện nay nhiều cơ chế chính sách tuy đã được ban hành nhưng một số cơ chế chính sách chưa đủ mạnh, chưa sát với thực tiễn, chủ yếu là lồng ghép, việc phân bổ kinh phí còn chậm nên các địa phương của tỉnh thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá các sản phẩm OCOP đã được quan tâm thực hiện nhưng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện tại toàn tỉnh chỉnh mới có 17 điểm giới thiệu, bán hàng OCOP. Hiện tại các địa phương, các chủ thể sản xuất sản phẩm hàng hóa OCOP còn thiếu điểm để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và xúc tiến thương mại kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch, vì vậy mà tới nay, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết đến các sản phẩm OCOP địa phương.

Phóng viên: Được biết hiện nay đa số sản phẩm ocop của tỉnh là các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo thời vụ nên sẽ khó để có nguồn cung ổn định. Vậy bà có thể cho biết thời gian tới Nghệ An sẽ giải “bài toán” này như thế nào?

Bà Võ Thị Nhung: Đây đúng là bài toán mà nếu không sớm có “lời giải” thì thị trường cung – cầu về sản phẩm OCOP của Nghệ An sẽ bị đứt, gãy. Chính vì vậy, không phải đến bây giờ mà vấn đề này chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị trong mấy năm vừa qua. Chúng tôi dành sự ưu tiên đầu tư các cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của bộ máy quản lý từ tỉnh đến cơ sở, cũng như từng chủ thể sản xuất để thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Tập trung ưu tiên phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế gắn với các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP. Chỉ đạo tích tụ ruộng đất, quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của sản phẩm và đảm bảo nguồn cung sản phẩm một cách liên tục.

Cuối cùng là xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất. Sản xuất theo quy trình chất lượng tiên tiến như VietGAP, hữu cơ…, áp dụng sản xuất theo hướng công nghệ cao, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường.

Phóng viên: Xin bà cho biết nguyên nhân vì đâu mà các sản phẩm du lịch đạt sao OCOP của Nghệ An hiện đang khá khiêm tốn?

Bà Võ Thị Nhung: Đúng là các sản phẩm OCOP du lịch của Nghệ An hiện tại đang khá ít so với các địa phương khác. Trong 403 sản phẩm OCOP của tỉnh thì mới có 9 sản phẩm là nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch được công nhận, trong đó có 1 sản phẩm 4 sao. Sở dĩ như vậy là do chất lượng các sản phẩm du lịch hiện nay chưa cao, hay đúng hơn là sự nghèo nàn, đơn điệu của sản phẩm chưa thu hút được nhiều khách du lịch đến tham quan. Nhưng có lẽ yếu tố then chốt là vì khái niệm mô hình OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch đối với người dân Nghệ An còn mới, nhiều người dân còn chưa hiểu khái niệm về sản phẩm du lịch OCOP. Các tiêu chí để đánh giá cụ thể đối với sản phẩm du lịch OCOP vẫn chưa được người dân cũng như tổ chức hoạt động về du lịch tiếp cận. Ngoài ra, các mô hình du lịch nông thôn đều có hạn chế về hạ tầng giao thông; kỹ năng nghiệp vụ làm du lịch chưa đa dạng, sáng tạo, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Cũng phải nói thêm rằng, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch còn hạn chế, do đó việc xây dựng một sản phẩm du lịch OCOP giai đoạn đầu sẽ có khó khăn nhất định, nhất là về nguồn vốn, nhân lực, phương thức kinh doanh…Bên cạnh đó, một số yếu tố khách quan như hiện nay ở Nghệ An việc xây dựng các mô hình, điểm du lịch còn nhiều vướng mắc do các điểm du lịch của tỉnh thường nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên hay các khu vực rừng phòng hộ nên công tác chuyển đổi là rất khó.

Phóng Viên: Mục tiêu của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP trong giai đoạn 2023-2025 là gì thưa bà?

Bà Võ Thị Nhung Mục tiêu cụ thể của tỉnh Nghệ An trong chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP giai đoạn 2023-2025 là phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, có ít nhất 10% sản phẩm đạt 4 sao, trong đó có ít nhất 5 sản phẩm đạt hạng 5 sao; Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản pẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, có ít nhất 35% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định và 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP. Nghệ An phấn đấu đạt tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%; 40% chủ thể là phụ nữ; 15% chủ thể là người dân tộc thiểu số và có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại… 

Phóng Viên: Vâng! Trân trọng cám ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Quốc Cường