Phát triển nông nghiệp xanh bền vững, hướng đi đúng ở thành phố Cần Thơ

Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất đầu tiên của loài người, nó cung cấp nguồn lương thực nuôi sống con người và cho đến nay không có ngành sản xuất nào khác có thể thay thế nó.
img-20210225-102932-1658129964.jpg
Thu hoạch lúa ở Cần Thơ

Tầm quan trọng của nông nghiệp đã trở nên rõ ràng khi chúng ta thấy rằng 70% số người nghèo trên thế giới (ở Việt Nam là trên 90%) sống ở nông thôn, gắn chặt với các hoạt động nông nghiệp. Và cho đến nay, khi thế giới đang ở giai đoàn phát triển khá cao thì vẫn còn rất nhiều quốc gia không đủ lương thực để dùng. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp là một vấn đề mang tính toàn cầu.

Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp khá đa dạng và phong phú được tạo bởi điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi. Đó là sự đa dạng về khí hậu, địa hình, về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển…; là lực lượng lao động dồi dào, hay truyền thống nông nghiệp từ lâu đời của cha ông. Với những thuận lợi đó, đã và đang hình thành nên một nền nông nghiệp hiện nay của chúng ta với vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, và nó cũng đóng góp một tỷ trọng lớn trong GDP hàng năm của đất nước. Năm 2008 giá trị sản xuất nông nghiệp theo giá thực tế chúng ta đạt 362.800 tỷ đồng([1]) (chiếm 22,10% GDP).

Đặc biệt, trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp cũng đóng góp một phần đáng kể, trong bốn nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp ngành thuỷ sản (cùng với dệt may, giày dép và dầu thô). Năm 2008, kinh tế thế giới lâm vào suy thoái, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thị trường xuất khẩu nhưng Việt Nam vẫn có 8 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD; trong đó có gạo và cà phê. Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản, thuỷ sản của chúng ta năm 2009 đạt khoảng 12,4 tỷ USD.

Với Việt Nam chúng ta, việc phát triển nông nghiệp không chỉ có ý nghĩa lớn lao về mặt kinh tế mà cả về mặt xã hội và chính trị. Chúng ta là một nước nông nghiệp, trên 70% dân số sống ở nông thôn và phụ thuộc vào nông nghiệp. Lực lượng lao động của chúng ta khá đông, trên 40 triệu người, song hầu hết là lao động phổ thông, trình độ thấp. Vì lẽ đó, để giải quyết việc làm cho số lao động này thì phát triển nông nghiệp là giải pháp rất khả thi. Mặt khác, phát triển nông nghiệp còn góp phần ổn định chính trị - xã hội rất lớn, nó tạo cơ hội phát triển cho giai cấp nông dân, tăng cường khối đoàn kết liên minh công - nông - trí.

Đánh giá về vai trò của nông nghiệp, TS. Trần Kim Dung (Báo Đầu tư) cũng cho rằng: “Nông nghiệp là sinh kế chính của hơn 70% dân số và là chìa khóa của sự ổn định và phát triển đối với nước ta hiện nay. Quan tâm đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, chính trị, xã hội và bảo vệ môi trường... Đây là một biện pháp bảo đảm công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta.”([2])

Nhận thức được tầm quan trọng của nông nghiệp cũng như vấn đề nông thôn và nông dân, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Đảng ta đã có một nghị quyết bàn sâu về vấn đề này. Đó là Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết xác định: “nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.”([3]) Từ đó Đảng ta chỉ ra mục tiêu phát triển nông nghiệp Việt Nam là: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.”([4]) Như vậy, phát triển nông nghiệp bền vững vừa là xu hướng chung của thế giới hiện nay và cũng là chủ trương của Đảng ta, và chủ trương đó cần được triển khai cụ thể xuống từng tỉnh, thành phố trong cả nước.

Phát triển bền vững là thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến hiện nay, đó là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà không làm phương hại tới sự tiếp tục phát triển trong tương lai, là sự phát triển đảm bảo hài hoà giữa các mục tiêu kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển bền vững cũng được cụ thể hoá trong nhiều lĩnh vực, như phát triển xã hội bền vững, phát triển văn hoá bền vững,…

Trong nông nghiệp, người ta nói tới phát triển nông nghiệp bền vững đó là việc ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; là tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc, tạo ra sự ổn định về mặt chính trị - xã hội ở nông thôn; là việc bảo vệ môi trường sinh thái, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo ra những sản phẩm sạch - bảo đảm sức khoẻ cho người tiêu dùng. Cần thơ là một thành phố nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, cho nên xác định phát triển nông nghiệp bền vững ở đây là hướng đi rất phù hợp.

Thứ nhất, phát huy nguồn lực tự nhiên của thành phố

Từ lâu rồi người Việt Nam ta vẫn có câu “Cần Thơ gạo trắng nước trong, Ai đi tới đó lòng không muốn về”. Với hệ thống sông Cửu Long giàu phù sa và nguồn thuỷ sản phong phú, tạo nên một đồng bằng rộng lớn và trù phú của nước Việt Nam. Trong những năm qua, đóng góp về nông nghiệp của đồng bằng này (Đồng bằng sông Cửu Long) cho đất nước là lớn nhất. Đây được coi là vựa lúa của cả nước, sản lượng lúa trung bình hàng năm đạt 18 - 20 triệu tấn (năm 2008 cả nước đạt trên 38 triệu tấn). Hàng năm vùng này cũng đã cung cấp trên 42% sản lượng thủy sản đánh bắt, gần 67% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và đóng góp gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho đất nước.

Cần Thơ nằm ở khu vực bồi tụ phù sa nhiều năm của sông Mê Kông, có địa hình bằng phẳng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt. Trong đó, sông Hậu là con sông lớn nhất với tổng chiều dài chảy qua thành phố là 65km, tổng lượng nước sông Hậu đổ ra biển khoảng 200 tỷ m3/năm, tổng lượng phù sa của sông Hậu là 35 triệu m3/năm; ngoài ra Cần Thơ còn có sông Cái Lớn, sông Cần Thơ cũng có tác dụng lớn với việc tưới, tiêu trong nông nghiệp.

Nguồn tài nguyên đất đai của Cần Thơ rất màu mỡ, nhất là khu vực phù sa ngọt được bồi đắp thường xuyên, thích hợp cho canh tác lúa, cây hoa màu, cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả đặc sản nhiệt đới. Với điều kiện tự nhiên như trên, đặc biệt thuận lợi cho Cần Thơ phát triển nông nghiệp và đi theo hướng bền vững, chú trọng vào các lĩnh vực như: sản xuất lúa gạo, chuyên canh trồng cây ăn trái, nuôi trồng thuỷ sản (cá Tra, cá Ba sa).

Thứ hai, giải quyết việc làm cho nhân dân, ổn định chính trị - xã hội

Việc làm luôn là vấn đề quan trọng trong mọi nền kinh tế cũng như trong mọi giai đoạn lịch sử. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế mà nó cũng là vấn đề xã hội. Tổng số lao động đang làm việc của thành phố Cần Thơ năm 2017 là 520.676 người([5]), trong đó lao động đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp là 262.007 người (chiếm 50,3%). Điều này cho ta thấy, ở Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung, nông nghiệp đang là lĩnh vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho nguồn lao động đông đảo.

Thử hỏi, nếu như nông nghiệp không được chú trọng, sản xuất không có hiệu quả khiến bà con nông dân trở nên thất nghiệp, thu nhập và đời sống suy giảm, thì hậu quả về mặt kinh tế - xã hội sẽ ra sao. Nhà nước sẽ đưa ra giải pháp gì để tạo ra việc làm cho rất động lao động nông thôn (hầu hết chưa qua đào tạo hay trình độ thấp), làm cách nào để nông dân có nguồn thu nhập ổn định và đời sống được nâng lên, đó là một bài toán không dễ. Điều này sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta tập trung phát triển nông nghiệp một cách bền vững theo hướng hiện đại, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nông dân ngay trên mảnh đất của họ.

Lực lượng lao động dự trữ của Cần Thơ có tới 214.482 người (năm 2017), trong khi đó, cho dù đã được chú trọng phát triển, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng mới chỉ giải quyết việc làm cho 91.064 lao động (chiếm 17% số việc làm , 12,38% tổng số lao động của thành phố). Do đó, phát triển nông nghiệp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân sẽ là giải pháp tối ưu cho CầnThơ hiện nay bên cạnh các giải pháp về phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Phát triển nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập không những mang mục đích kinh tế góp phần khai thác và sử dụng nguồn lực lao động mà nó còn có ý nghĩa về mặt chính trị - xã hội. Khi mà nông nghiệp là lĩnh vực có thể làm giàu cho người nông dân, nó sẽ từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho họ, làm cho bộ mặt nông thôn trở nên khang trang hơn.

Sự giàu mạnh của giai cấp nông dân, trên cơ sở liên kết phát triển kinh tế với các nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, sẽ tạo ra sự gắn kết giữa các giai tầng chính trong xã hội Việt Nam. Đó cũng là mục đích chính trị - xã hội mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới. Như vậy, phát triển nông nghiệp bền vững ở Cần Thơ sẽ làm cho bộ phận đông đảo nông dân có nhiều cơ hội phát triển hơn, xã hội sẽ trở nên ổn định và ngày càng phồn vinh hơn.

Thứ ba, đảm bảo an ninh lương thực, đẩy mạnh việc xuất khẩu nông phẩm thu ngoại tệ

An ninh lương thực đang là vấn đề quan trọng trên thế giới, hiện có tới 33 nước thiếu lương thực nghiêm trọng. Việt Nam chúng ta là một trong ba nước xuất khẩu gạo hàng đầu, tuy nhiên xét về lâu dài, mang tính bền vững thì an ninh lương thực vẫn cần được đảm bảo. Theo thống kê từ năm 2002 đến năm 2010 mỗi năm chúng ta mất 73.000 ha đất nông nghiệp, tương đương với 500.000 tấn lương thực. Tình trạng huyện nào, tỉnh nào cũng đua nhau lấy đất nông nghiệp chuyển sang phát triển công nghiệp thì đến một lúc nào đó, an ninh lương thực quốc gia sẽ đáng báo động. Cần Thơ nằm trong vùng trọng điểm lương thực của đất nước, trong những năm qua thành phố cũng đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thu hồi đất nông nghiệp của nông dân.

Đây là một hướng đi đúng, tuy nhiên trong quy hoạch cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng để vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa phát triển công nghiệp, hình thành nền kinh tế công nghiệp hiện đại. Nhu cầu lương thực ngày một nhiều hơn do con người càng ngày càng tăng, diện tích canh tác thì đang giảm dần. Chính vì vậy, đảm bảo an ninh lương thực cũng là lý do cần thiết để phát triển nông nghiệp bền vững ở Cần Thơ nói riêng và trong cả nước nói chung.

Mặt khác, không những phải đảm bảo an ninh lương thực mà Cần Thơ lại có điều kiện để phát triển nông nghiệp chất lượng cao, hướng tới xuất khẩu thu ngoại tệ. Hiện nay Cần Thơ đang có một số mặt hàng nông phẩm xuất khẩu mang lại giá trị lớn cho thành phố như: lúa gạo, mỗi năm thành phố sản xuất được hơn một triệu tấn, năng suất bình quân 12 tấn/ha; cá Tra, cá Ba sa, nhờ dòng sông Hậu mà mỗi hec ta nuôi có thể cho năng suất 400 - 500 tấn/năm, với giá trị 13 - 14 triệu đồng/tấn; tôm càng xanh luân canh trên ruộng lúa, năng suất 500 - 3000kg/ha, lãi ròng từ 15 - 60 triệu đồng/ha... Cùng nhiều mặt hàng nông phẩm khác có thể phát triển để xuất khẩu, tăng thu nhập cho thành phố cũng như cho người dân. Vì thế, việc phát triển nông nghiệp bền vững ở Cần Thơ gắn với việc phát triển các nhà máy chế biến và xuất khẩu sẽ là hướng đi tốt để xây dựng nền kinh tế thành phố ngày một hiện đại và hiệu quả.

Thứ tư, bảo vệ môi trường sinh thái

Vấn đề môi trường bị ô nhiễm do tác động của con người trong quá trình phát triển kinh tế đang trở nên đặc biệt nghiêm trọng trên thế giới. Trái đất của chúng ta ngày một nóng lên, nguồn không khí không còn trong sạch, nguồn nước ngọt ngày càng bị ô nhiễm và cạn kiệt dần. Ở Việt Nam vấn đề môi trường cũng đang được cảnh báo. Hầu hết các xí nghiệp, công ty đều chưa đáp ứng được tiêu chuẩn xử lý chất thải, gây ảnh hưởng tới môi trường rất lớn. Sản xuất nông nghiệp ở các địa phương cũng đang tác động mạnh mẽ tới môi trường, do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học, rồi làm thay đổi môi trường sinh thái do nuôi trồng thuỷ sản gây ra. Chính vì vậy phát triển nông nghiệp bền vững là vấn đề cầp thiết phải đặt ra hiện nay.

Cần Thơ là thành phố trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, có môi trường sinh thái khá đẹp. Với 65 km chiều dài của dòng sông Mê Kông chảy qua thành phố, sẽ thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản kết hợp với du lịch trên sông nước và phục vụ ẩm thực ngay trên các điểm sản xuất này. Nguồn phù sa dồi dào của sông Hậu cũng đem lại cho thành phố những cánh đồng trù phú, có thể phát triển trồng lúa chất lượng cao hay trồng cây ăn trái kết hợp với du lịch miệt vườn.

Nó vừa có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vừa bảo vệ môi trường sinh thái nơi đây. Do vậy, phát triển nông nghiệp bền vững ở đây là hết sức cần thiết. Phát triển nông nghiệp sẽ góp phần làm môi trường xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn nếu thực hiện theo những qui trình phù hợp.

Để phát triển nông nghiệp bền vững, thành phố Cần thơ cần quan tâm tới một số vấn đề như:

- Cần có qui hoạch hợp lý trong việc phát triển nông nghiệp và công nghiệp, việc thu hồi đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp phải trên cơ sở cả lợi ích kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái;

- Đầu tư xây dựng một số vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao làm nền tảng để từ đó phát triển nông nghiệp toàn vùng;

- Có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ và hướng dẫn qui trình sản xuất cho bà con nông dân nhằm tăng chất lượng nông phẩm, tạo ra tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời phải giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái nơi đây;

- Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ để thực hiện liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với bà con nông dân về nhiều mặt: như hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đưa nông dân hay hợp tác xã tham gia cổ phần trở thành thành viên của doanh nghiệp, …

- Có kế hoạch đào tạo đội ngũ lao động nông nghiệp chất lượng cao để phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại, sử dụng máy móc rộng rãi và ứng dụng những công nghệ sinh học tiên tiến trong sản xuất. Đưa người nông dân trở thành những ông, bà chủ trên ruộng đồng, những công nhân nông nghiệp có trình độ cao;

- Gắn việc sản xuất nông nghiệp với du lịch sinh thái. Đây là một hình thức du lịch khá phổ biến hiện nay trên thế giới, con người đang có xu hướng tìm về với thiên nhiên. Với lợi thế về mặt tự nhiên khá đẹp, Cần Thơ có thể phát triển nông nghiệp chất lượng cao kết hợp với ngành du lịch của thành phố mở ra các tua du lịch sinh thái về với miệt vườn, sông nước, vừa ngắm cảnh, thư giãn vừa thưởng thức những đặc sản của nông nghiệp nơi đây.

Đây là một hướng đi khá phù hợp cho thành phố, vừa có thể phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo sự công bằng về cơ hội phát triển cho mỗi người dân, và cũng bảo vệ được môi trường sinh thái trong lành nơi đồng bằng trù phú này./.

Tài liệu tham khảo:

[1] Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê (tóm tắt) - 2008, Nxb Thống Kê, 2009, tr. 91

[2] TS. Trần Kim Dung, Càng trở nên quan trọng vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Tạp chí Cộng sản, số 13 (157) năm 2008.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2008, tr.123 – 124.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia, HN, 2008, tr.125-126.

[5] Thống kê của Sở Lao động - Thương binh xã hội thành phố Cần Thơ

Kiều Anh Vũ