Phát triển nghề nuôi chim yến bền vững ở Kiên Giang

Nuôi chim yến là nghề mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, tuy nhiên nghề nuôi chim yến tại địa phương này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần có giải pháp đồng bộ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có hơn 2.450 hộ nuôi chim yến, với gần 3.000 nhà nuôi chim yến, tổng diện tích sàn nuôi hơn 730.630m2, tập trung trên địa bàn TP Rạch Giá và Hà Tiên, các huyện Châu Thành, Hòn Ðất, Kiên Lương. Các cơ sở, hộ nuôi đầu tư thiết bị, công nghệ, kỹ thuật, quy trình nuôi theo hướng chuyên nghiệp trong dẫn dụ chim yến vào nhà để cho sản phẩm tổ yến hiệu quả. Theo một số hộ nuôi, hiện tổ yến thô có giá 16-17 triệu đồng/kg, tổ yến sơ chế từ 24-25 triệu đồng/kg, tổ yến cao cấp từ 30-35 triệu đồng/kg.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Kiên Giang cho biết, với số lượng 2.995 nhà nuôi chim yến (1.721 nhà kiên cố và 1.274 nhà cải tạo), Kiên Giang là tỉnh đứng đầu cả nước về nghề này. Năm 2022, sản lượng yến sào của Kiên Giang đạt hơn 17,5 tấn; riêng sáu tháng đầu năm 2023 đạt 7 tấn. 

Theo các hộ nuôi yến tại TP Rạch Giá, với khoảng 8 nhà dẫn dụ chim yến, trung bình cho thu hoạch khoảng 20 kg tổ yến/tháng. So với năm 2021, sản lượng tổ yến đã giảm khoảng 30%, nguyên nhân do số lượng nhà yến tăng nhanh trong khi thức ăn của chim đang giảm, thiếu thức ăn trong tự nhiên dẫn đến việc chim yến di đàn. Mặc dù vậy, nghề nuôi chim yến vẫn mang lại lợi nhuận đáng kể cho gia đình tôi và nhiều hộ khác, nhất là hộ nuôi lâu năm.

chim-yen-1691035563.jpg
Việc khắc phục những bất cập trong quy hoạch vùng nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ Yến sẽ giúp tỉnh Kiên Giang phát triển bền vững ngành nuôi chim yến.

Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Kiên Giang lại tồn tại nhiều hạn chế, bất cập cần các giải pháp đồng bộ về quy hoạch vùng nuôi hợp lý, sản xuất chế biến, thị trường, xây dựng thương hiệu yến sào và những vấn đề liên quan khác để phát triển an toàn, bền vững, khai thác hiệu quả. Việc nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ yến chưa hình thành chuỗi giá trị để nâng cao giá trị yến sào, chưa được truy xuất nguồn gốc.

Hiện, không ít nhà yến không có chim vào làm tổ, hoặc có nhưng sản lượng, thu hoạch rất thấp, số lượng nhà yến tăng mất cân đối so với tổng đàn, đàn yến có dấu hiệu giảm, rất khó khăn trong thống kê hiệu quả, bởi phần lớn các chủ nuôi thường không công bố thật số lượng. Quy hoạch phát triển nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh chậm triển khai thực hiện, phát triển mang tính tự phát; nhà nuôi yến còn nhiều trong nội ô đô thị, gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn phát ra từ thiết bị dẫn dụ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

so-che-1691035620.jpg
Sơ chế tổ yến tại cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đáp ứng nhu cầu từ thị trường tiêu thụ.

Tháng 8/2022, HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND quy định khu vực không được phép chăn nuôi, chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Địa phương này đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn.

Theo đó, năm 2023, triển khai trên toàn tỉnh, phấn đấu đạt khoảng 50% số cơ sở chăn nuôi buộc phải di dời hoặc chấm dứt hoạt động; năm 2024, hoàn thành công tác di dời, chấm dứt hoạt động các cơ sở chăn nuôi năm trong khu vực không được phép chăn nuôi; năm 2025, giải quyết các tồn đọng vấn đề này. Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với sở, ngành có liên quan xác định khu vực, ranh giới không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn, tuyên truyền đến tất cả các tổ chức, cá nhân trong tỉnh biết, chấp hành.

Cụ thể là khu vực không được phép chăn nuôi gia súc, gia cầm và động vật khác trong phạm vi 1.000 m tính từ trung tâm hành chính cấp huyện; 500 m tính từ trung tâm hành chính cấp xã; các khu dân cư, trung tâm thương mại, khu công trình công cộng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết. Quy định vùng nuôi chim yến phải đảm bảo phù hợp tập tính hoạt động của chim yến, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không gây ảnh hưởng đến đời sống của dân cư tại khu vực nuôi chim yến. Nhà yến phải có khoảng cách đến ranh giới đất của các cơ sở giáo dục, y tế, tôn giáo, cơ quan, chợ, trung tâm thương mại, sân bay, khu quân sự… tối thiểu là 300 m.

Tỉnh chọn địa bàn thành phố Rạch Giá làm điểm chỉ đạo, thực hiện và rút kinh nghiệm nhằm kịp thời điều chỉnh nội dung, phương pháp, trình tự, thủ tục phù hợp yêu cầu thực tiễn. Huyện, thành phố chọn 1 - 2 đơn vị cấp xã làm thí điểm và các đơn vị cấp xã khác vẫn triển khai thực hiện di dời, chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi. 

Sau đó, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2297/QĐ-UBND ngày 14/9/2022 Phê duyệt “Đề án phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 tỉnh Kiên Giang”. Theo đó, chim yến được xác định là một trong những đối tượng nuôi chính, có thế mạnh, đặc thù; phấn đấu sản lượng yến sào đạt từ 30-35 tấn vào năm 2025 và từ 35-40 tấn vào năm 2030. Từ đó, vừa định hướng, phát huy lợi thế đặc thù để phát triển, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi chim yến, được tổ chức tuyên truyền, phổ biến và đa số nhân dân đồng tình.

Để phát triển bền vững, hiệu quả nghề nuôi chim yến, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên; nghiêm cấm phát triển trong nội ô đô thị, khu dân cư; kết hợp từng bước di dời cơ sở nuôi ra khỏi địa bàn đô thị; không cho xây mới, cơi nới, mở rộng quy mô trong khu vực không được phép chăn nuôi.

Đề nghị ngành chuyên môn tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở, hộ nuôi, nhân rộng mô hình hiệu quả, triển khai giải pháp bảo vệ đàn chim yến tự nhiên tránh bị xâm hại, kết hợp với bảo vệ môi trường để phát triển bầy đàn. Có cơ chế quản lý và thúc đẩy liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao giá trị, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, không nơi tiêu thụ, làm hạ giá thành tổ yến…

Chi cục Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề đối với những trường hợp lao động chấm dứt chăn nuôi có nhu cầu chuyển đổi nghề, bố trí lồng ghép vào các chương trình dạy nghề nông thôn. Kiểm điểm trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn nếu để phát sinh mới cơ sở chăn nuôi, nhà nuôi chim yến tại khu vực không được phép chăn nuôi thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, tỉnh mời gọi đầu tư nhà máy sản xuất chế biến các sản phẩm từ tổ yến, xây dựng thương hiệu yến sào Kiên Giang, chứng nhận sản phẩm yến sào bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nuôi chim yến, sản xuất chế biến, kinh doanh tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo khoa học… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho mặt hàng yến sào, xuất khẩu tổ yến.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, ngành hàng yến của nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập cần được tập trung tháo gỡ. Trong đó, có thể kể đến việc cơ sở nuôi chim yến nằm xen lẫn trong khu dân cư (trên 90%), nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân. Một số tỉnh người dân đầu tư xây dựng nhà yến rất kiên cố ngay trong khu vực đông dân cư, chi phí đầu tư từ 1-6 tỷ đồng/nhà yến như ở Kiên Giang, Thành phố Hồ Chí Minh. Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang với 2.995 nhà yến, tiếp đến là Bình Định 1.722 nhà yến. 100% các tỉnh thuộc 4 vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nghề nuôi yến.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với sản phẩm tổ yến xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký và có hiệu lực từ ngày 9/11/2022. Việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới. Đây là cơ hội và động lực quan trọng để ngành yến Việt Nam phát triển, bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế rất cao, tạo việc làm cho người dân.