Hai người phụ nữ hơn 60 năm cưu mang đàn chim trời

Hơn 60 năm qua, kể từ khi về làm dâu tại thôn Đinh Phùng (xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), 2 chị em dâu là bà Bùi Thị Minh (Sn 1942) và Đinh Thị Trí (Sn 1944) đã dành khu vườn của mình để “cưu mang” hàng ngàn con chim về trú ngụ sinh sôi, nảy nở.

Đất lành chim đậu

Những ngày đầu tháng 3/2023, chúng tôi có dịp đến thăm khu vườn của bà Bùi Thị Minh và Đinh Thị Trí cùng trú tại thôn Đinh Phùng. Khu vườn của 2 bà là nơi hàng ngàn con chim trời trú ngụ, giúp chúng có nơi sinh sản và phát triển an toàn.
Qua trò chuyện, mới biết 2 bà là chị em dâu. Bà Đinh Thị Trí lấy người anh vào năm 1965 khi ấy bà 21 tuổi còn bà Bùi Thị Minh lấy người em trai năm 1960 khi vừa tròn 18 tuổi.

hai-nguoi-phu-nu-nuoi-chim-1-khu-vuon-voi-nhieu-cay-co-thu-la-noi-tru-ngu-cua-dan-chim-tu-nhien-1682825086.jpg
Khu vườn với nhiều cây cổ thụ là nơi trú ngụ của đàn chim tự nhiên.

Bà Minh chia sẻ: Khi tôi về làm dâu thì đã có đàn chim về trú ngụ sinh sản ở vườn cây này rồi. Từ đó, hằng năm thấy đàn chim lại bay về đây làm tổ để sinh sản, tôi bảo vệ để chúng sinh sản an toàn rồi bay đi.

Nhìn lên vườn cây của gia đình mình, hai bà cho hay, thông thường vào cuối tháng 2 (âm lịch - ÂL) hằng năm đàn chim bắt đầu kéo về. Đến mùa mưa bão khoảng tháng 8 - 9 chúng cùng đàn con bay đi. Nhưng năm nay chim về muộn hơn.

Hai bà cho biết, khi theo chồng về đây, lúc mới ở độ tuổi 18 - 20, được bố chồng chia cho 2 mảnh vườn sát cạnh nhau để bảo quản, chăm sóc. Khi ấy, khu vườn đã có nhiều cây lớn, rất nhiều chim tự nhiên bay về đây cư trú và sinh sản. Lúc đó chúng tôi nghĩ ở vùng này có nhiều vườn cây nhưng đàn chim mỗi năm lại chủ yếu tập trung về khu vườn của gia đình mình, đây chính là “đất lành chim đậu” nên từ đó các bà đã bảo vệ cho đến ngày nay.

Bà Trí tâm sự: Khu vườn rộng này, có rất nhiều loài chim như: Cò, vạc, cói, diệc … trú ngụ và sinh sản. Cứ mỗi mùa xuân đến, (khoảng từ rằm tháng 2 ÂL), đàn chim hàng ngàn con lại kéo về vườn của gia đình làm tổ. Đến khoảng tháng 9 ÂL khi chim non cứng cáp, bay được, chúng lại di cư và năm sau quay trở lại. Mỗi buổi chiều được ngắm, nhìn đàn chim non đói gọi mẹ, hình ảnh chim bố mẹ bay về mớm mồi cho con khiến chúng tôi có cảm giác rất yên bình.

Theo bà Trí, trong 7 tháng chim trời về vườn của bà cư trú, chúng sẽ có 3 lần sinh sản, mỗi lần đẻ từ 3 - 5 quả trứng. Vào tháng 4 (ÂL) nhiệt độ dịu mát, thời tiết ít biến động chim sẻ làm tổ, sinh sản mạnh nhất của năm.

Mỗi ngày, chim bố mẹ sẽ bay đi kiếm ăn 2 lần mang về nuôi chim non. Vào sáng sớm chim bố mẹ đã bay đi kiếm mồi, gần trưa quay về cho con ăn, sau đó lại đi tiếp đến khi tắt nắng mặt trời lại mang thức ăn về nuôi con.

Nguyện cả đời bảo vệ đàn chim

Theo quan sát của phóng viên, vườn của 2 gia đình sát cạnh nhau, rộng khoảng 3.000 m2. Trong vườn có hàng chục cây cổ thụ hàng chục tuổi, cao từ 15 - 30m, đây là ngôi nhà của hàng ngàn chim hoang dã như: cò, vạc, cói, diệc … Đến nay, hành động bảo vệ chim hoang dã của của bà Minh đã diễn ra suốt hơn 63 năm, còn bà Trí cũng đã được 57 năm.

hai-nguoi-phu-nu-nuoi-chim2-hon-60-nam-cuu-mang-dan-chim-troi-1682825086.jpg
Hai người phụ nữ hơn 60 năm cưu mang đàn chim trời.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, nơi đàn chim tự nhiên thường về trú ngụ, bà Bùi Thị Minh nói: Ban đầu vì yêu thích những loài chim, chúng tôi bảo vệ chúng, dần dà tôi coi những con chim như người bạn. Vào tháng 9 (ÂL) lần lượt nhìn những con chim này đi tôi lại buồn, cảm thấy trống trải, lại mong ngóng năm sau chúng nhanh chóng quay trở lại.

Hai bà cho biết, sau khi chúng đi hết, 2 chị em sẽ dọn dẹp lại vườn, trồng thêm cây để năm sau chúng quay lại có chỗ ở tốt hơn. Những năm thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, lạnh sẽ khiến đàn chim về muộn hơn.

Bà Minh tâm sự: Đến khi đàn chim trở về, mỗi chiều chúng lại chao lượn trên ngọn cây, nhìn trên các ngọn cây chi chít các loại tổ chim… tạo ra một cảm giác rất yên bình. Chúng tôi nguyện nếu còn sức, sẽ luôn bảo vệ đàn chim tự nhiên này. Các con của chúng tôi, cũng luôn động viên khích lệ việc làm của mẹ.

“Có nhiều người đến săn chim, chúng tôi nói nhưng họ không nghe, đến lúc chúng tôi căng thẳng họ mới chịu bỏ đi không săn bắn. Cũng có người hỏi mua chim nhưng nhất quyết chúng tôi không bán. Thậm chí, để góp sức bảo vệ đàn chim, tôi nuôi chó quanh khu vườn để chúng kịp “báo động” khi có người lạ “đột nhập” vào nơi chim trú ngụ” - Bà Minh cho biết thêm.

Chia sẻ cùng phóng viên, bà Lê Thị Khiêm, Trưởng thôn Đinh Phùng cho hay: Từ lâu, tại địa phương tấm gương của bà Minh và bà Trí bảo vệ đàn chim trời đã được người dân nhắc tới. Hai bà dù tuổi đã cao, nhưng luôn có ý thức, nêu cao tấm gương bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài chim tự nhiên. Từ tấm gương của hai bà ngày càng có nhiều người dân có ý thức bảo vệ chim trời, không săn bắt các loại chim trời. Trong các cuộc họp thôn, chúng tôi luôn nêu tấm gương của hai bà, tuyên truyền để người dân trong thôn cùng nhau bảo vệ chim trời, bảo vệ thiên nhiên. Khi thấy có người trong thôn hoặc người từ địa phương khác đến để săn bắt chim trời thì kịp thời tuyên truyền, tố giác để sớm có biện pháp ngăn chặn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lạc chia sẻ: Hành động bảo vệ đàn chim trời của bà Minh và bà Trí là tấm gương sáng, một hình ảnh đẹp tại địa phương. Khu vườn của gia đình hai bà được xem là khu vườn truyền thống. Hàng chục năm qua, hai bà cùng nhau bảo vệ đàn chim trời đã góp phần rất lớn để tuyên truyền, vận động bà con nhân dân địa phương cùng chung tay bảo về môi trường, bảo vệ các loài động vật tự nhiên, đặc biệt là loài chim ngày càng sinh sôi phát triển. Trước hành động đáng quý của hai bà, chúng tôi cũng thường xuyên gặp gỡ, động viên về mặt tinh thần để hai bà tiếp tục tạo sự lan tỏa, tuyên truyền đến các thế hệ con cháu.

Dù là phụ nữ, chồng đều đã mất lại ở tuổi thất thập cổ lai hi nhưng bà Minh và bà Trí luôn duy trì và nỗ lực để bảo vệ đàn chim trời mỗi khi chúng về trong khu vườn của hai bà trú ngụ và sinh sản./.

Nguyễn Duyên