Hội thảo là cơ hội giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm về du lịch có trách nhiệm tại các khu bảo tồn thiên nhiên và đẩy mạnh các hoạt động này tại Việt Nam trước mắt cũng như lâu dài. Hội thảo là hoạt động tiếp theo của một khảo sát do GIZ phối hợp với VBCSD tiến hành nhằm tìm hiểu các thách thức, cơ hội, nhu cầu và sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các bên liên quan đối với việc đầu tư và tổ chức kinh doanh du lịch tại các khu bảo tồn.
Là một nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới, Việt Nam đã có trên 13.200 loài thực vật, hơn 10.000 loài động vật, trên 3.000 loài thuỷ sinh (riêng trong các hệ sinh thái trên cạn). Các khu rừng đặc dụng, đặc biệt là các Vườn quốc gia được công nhận là khu di sản thiên nhiên ở khu vực và thế giới như Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Cát Tiên, Cát Bà, Ba Bể, Hoàng Liên, Chư Mom Ray... đã và đang là điểm đến du lịch hấp dẫn. Vì vậy các hoạt động du lịch có trách nhiệm tại các khu bảo tồn có tầm quan trọng đặc biệt, đảm bảo cân bằng giữa khai thác và bảo tồn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững.
Nguyên tắc chính của phát triển du lịch sinh thái là, các hoạt động du lịch không được làm ảnh hưởng đến diễn thế tự nhiên của các hệ sinh thái, đời sống tự nhiên của các loài động, thực vật, cảnh quan thiên nhiên cũng như bản sắc văn hoá của cộng đồng dân cư ở địa phương. Lợi nhuận từ các dịch vụ du lịch sinh thái được tái đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong các Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Bên cạnh đó, cộng đồng dân cư ở địa phương cũng được tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, nâng cao thu nhập cũng như nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Muốn được như vậy, trước mắt cần tiếp tục có các hoạt động nghiên cứu xây dựng phương thức hỗ trợ các mô hình du lịch có trách nhiệm với môi trường xung quanh tại các khu bảo tồn với sự tham gia có hiệu quả của khu vực tư nhân.
Điều phối viên Ban Thư ký vì Sự Phát triển Bền vững Việt Nam cho biết theo phản ánh từ các doanh nghiệp, trong bối cảnh phần lớn các địa điểm du lịch truyền thống đã trở nên quá tải, du lịch tại các khu bảo tồn là một hướng kinh doanh nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên, khai thác hướng kinh doanh này một cách bền vững là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương và các nhà hoạch định chính sách.
Từ trước tới nay vẫn phổ biến một quan niệm cho rằng lợi nhuận thu được từ hoạt động du lịch chưa được đầu tư trở lại cho bảo tồn. Nhưng cũng có một thực tế là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp rất nhiều khó khăn khi đầu tư cũng như vận hành các tuyến du lịch tại các khu bảo tồn. Đại diện một số doanh nghiệp tại hội thảo cho biết họ thường gặp phải các vấn đề về thủ tục đầu tư, chứng từ thanh toán không đầy đủ, mức phí không hợp lý và không ổn định do các ban quản lý khu bảo tồn đưa ra…
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần có cơ chế bảo hộ bản quyền để nhà đầu tư đủ thời gian khai thác, thu hồi vốn, đồng thời ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, dẫn tới việc kinh doanh du lịch tự phát tràn lan và không có trách nhiệm tại các khu bảo tồn.
Theo Bà Sophie Grunze, Chuyên gia của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), khảo sát sơ bộ vừa qua tại một số doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh du lịch tại các khu bảo tồn cho thấy trước mắt các doanh nghiệp vẫn đang phải đối diện với những khó khăn và thách thức nhất định.
Đó là: vấn đề Bảo tồn cân bằng và nhu cầu du lịch, Đảm bảo lợi ích cho cộng đồng địa phương, Các nguồn lực tài chính và nhân lực; Giáo dục môi trường cho du khách, hướng dẫn viên và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch mong muốn sớm có một khung pháp lý đầy đủ và cơ chế thực rõ ràng để tạo cơ sở cho việc phối hợp và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên liên quan.
Theo chuyên gia Vụ Bảo tồn thiên nhiên - Bộ NNPTNT cho biết, hiện nay một số hoạt động tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên còn mang tính tự phát, chưa có sản phẩm và thị trường mục tiêu, chưa có đầu tư phục vụ cho phát triển sinh thái.
Ngoài ra, nhiều vườn quốc gia do phát triển du lịch quá nóng, thiếu quy hoạch, giám sát đã gây nên tác động xấu đến bảo tồn thiên nhiên như vấn đề rác thải, ô nhiễm nguồn nước và phá vỡ cảnh quan môi trường. Mới đây Bộ NNPTNT đã ban hành một loạt văn bản liên quan tới lĩnh vực du lịch tại các khu bảo tồn, trong thời gian tới tình hình này sẽ được cải thiện hơn và mô hình du lịch sinh thái, du lịch có trách nhiệm sẽ được nhân rộng và mang lại nhiều ý nghĩa tích cực./.