Phát triển điện khí LNG chính là giải pháp xanh trong chuyển dịch năng lượng

Khí thiên nhiên hóa lỏng LNG đã được biết đến trên thế giới là một dạng năng lượng xanh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia cũng như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước.
image00220240130154208-1706625157.jpg
Hội thảo về chuyển đổi xanh ngành công nghiệp liên quan đến ứng dụng LNG.

LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) được biết đến vào cuối thế kỷ 19 và ngày càng được phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, LNG trở thành con “át chủ bài” của xu thế năng lượng mới vì đây là nhiên liệu quan trọng của điện khí, nguồn điện nền ổn định cho phát triển năng lượng tái tạo.

Khi cháy, LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880 độ C), có khả năng cháy hoàn toàn, không để lại cặn, đảm bảo an toàn hơn cho thiết bị máy móc, giảm hao mòn, tăng tuổi thọ. LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% khí thải CO2 so với than đá, ít hơn 30% so với dầu mỏ. Điều này khiến LNG trở thành nhiên liệu sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống.

Chia sẻ trong hội thảo về chuyển đổi xanh ngành công nghiệp liên quan đến ứng dụng LNG chiều 30/1, TS. Nguyễn Hữu Lương, Chuyên gia cao cấp – Viện Dầu khí Việt Nam hiện nay, thị trường sử dụng chủ yếu của khí thiên nhiên sẽ là những nhà máy sản xuất điện, nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy sản xuất điện LNG. Bên cạnh đó, LNG cũng sẽ được sử dụng trong công nghiệp và dịch vụ...

Theo vị này, LNG hiện ứng dụng chính trong 5 lĩnh vực gồm dân dụng và thương mại (nấu ăn, sưởi ấm hộ gia đình và tòa nhà); giao thông vận tải (thay thế cho DO & FO); trong công nghiệp (sản xuất thép, xi măng, gốm); trong hóa chất/hóa dầu (sản xuất phân bón, các loại nhựa, xơ, sợi…); điện khí/LNG sạch hơn ½ phát thải so với điện than truyền thống, là bước chuyển tiếp từ than sang năng lượng tái tạo.

Cụ thể, trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển trên khoảng cách dài.

Trong xây dựng, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn nhiều so với dầu diesel truyền thống, có nghĩa là ít khí thải độc hại hơn tại các công trường xây dựng. Thiết bị xây dựng chạy bằng LNG có thể mang lại tiết kiệm chi phí đáng kể do chi phí nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ động cơ lâu hơn. LNG cũng có thể sử dụng tại các công trường xây dựng ở vùng sâu vùng xa, nơi các nguồn nhiên liệu khác có thể không dễ dàng tiếp cận.

Trong logistics, vận tải, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn cho tàu vận tải, sản xuất ra lượng lưu huỳnh và chất thải rắn đáng kể ít hơn so với dầu DO truyền thống. Các tàu chạy bằng LNG cũng có thể yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các tàu truyền thống.

image00120240130160818-1706625157.jpg
TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn thiếu cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực LNG đang là điểm nghẽn lớn cho phát triển, cần được tập trung xử lý, hoàn thiện, để đảm bảo cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu về LNG trong chiến lược năng lượng quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng yêu cầu về chuyển dịch năng lượng theo xu hướng xanh, sạch, bền vững phù hợp với xu thế chung trên toàn cầu. Và để các cơ chế, chính sách thực sự song hành, hỗ trợ cho việc thực hiện các định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tránh những rủi ro không đáng có cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tiên phong, đi đầu; cũng như tránh nguy cơ “vỡ” quy hoạch.

Các chuyên gia cũng nêu rõ, hiện nay Việt Nam thiếu khung pháp lý để hoàn thành đàm phán và ký kết các thỏa thuận pháp luật, kinh tế, thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG… Để hỗ trợ việc nhập khẩu, kinh doanh LNG hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần chấp thuận chủ trương bổ sung LNG là nguồn khí thay thế khi nguồn khí nội địa đang suy giảm.

Từ đó, TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, cần thay đổi nhận thức và tư duy. Điện khí LNG không phải chỉ có kho cảng LNG và nhà máy điện; điện khí LNG cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy; Điện khí LNG cần được vận hành theo thông lệ quốc tế đó là thị trường và thị trường dài hạn; Giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá; Các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch.

Đồng thời, cần mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch Điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn. Thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG; kích cầu điện, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng; tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh, các điều kiện tiên quyết hay điều kiện cần và đủ hay chìa khóa để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch điện 8 là: Các cam kết dài hạn, trung hạn và ngắn hạn; Cơ chế thị trường cho chuỗi khí điện LNG và các hộ tiêu thụ điện; Đổi mới nhận thức và tư duy từ xây dựng cơ chế chính sách, tới triển khai thực hiện; Hợp tác quốc tế sâu rộng; Cần thiết có một Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội cho lĩnh vực năng lượng, trong đó có điện khí LNG./.

Đông Nghi