Phát triển chuỗi giá trị từ sen Hà Nội

Hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị, hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, dược liệu, nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may và đem lại giá trị kinh tế cao.
hoi-thao-sen-dnktx-1720796452.jpg
Đầm sen Bách Diệp của gia đình nghệ nhân Ngô Văn Xiêm.

Khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ

Với mục tiêu bảo tồn và phát triển hoa sen trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hội thảo Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND quận Tây Hồ và Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 12/7 có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước, đại diện các tỉnh, thành phố tham dự. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Ở Hà Nội, nhắc đến hoa Sen người ta nghĩ ngay đến sen Bách Diệp của vùng đất Tây Hồ. Sen Bách diệp có khoảng trăm cánh nở rất to, có màu hồng nhạt, hương thơm ngát, có màu sắc và hương thơm độc đáo, khác biệt so với hoa sen của các vùng đất khác.

Trước đây, sen Hà Nội chỉ có hoa trong mùa hè, song nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên đã tạo ra nhiều giống mới, giúp mùa sen ở Hà Nội bây giờ có thể kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng sen Tây Hồ đang bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

Do vậy, để bảo tồn và phát triển cây sen quý Tây Hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội. Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội. Trong đó bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội.

hoi-thao-sen-dnktx1-1720796765.jpg
Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ về sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ cho biết: Là một quận nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, Tây Hồ được thiên nhiên ưu đãi, nổi bật không chỉ với Hồ Tây – lá phổi xanh của thành phố, mà còn có sen Bách Diệp – một giống sen có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loại sen khác. Người dân trồng sen Tây Hồ coi đây là một đặc ân được trời đất ban tặng và đặc biệt các hồ sen lại được hiện diện bên cạnh hồ Tây thơ mộng, đó cũng chính là niềm tự hào của người dân Tây Hồ.

Nhằm khôi phục và bảo tồn giống sen Bách Diệp nổi tiếng của Tây Hồ, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã giao Trung tâm Khuyến nông Hà nội triển khai mô hình “sản xuất hoa Sen chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu” tại quận Tây Hồ với quy mô 7 ha tại 2 đầm sen Đầu Đồng và Thủy Sứ của quận Tây Hồ. Đến nay đã đạt được kết quả rất đáng kích lệ, sen sinh trưởng phát triển tốt, cho hoa rất đẹp vào đúng dịp Lễ hội này (12-16/7/2024), góp phần bảo vệ môi trường, phát triển du lịch sinh thái.

Thúc đẩy nghề trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện các nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước tại Hà Nội và các tỉnh Đồng Tháp, Thừa thiên Huế, các doanh nghiệp sơ chế, chế biến các sản phẩm từ sen và các nghệ nhân làng nghề tạo tác các sản phẩm từ sen và sáng tạo ý tưởng từ sen trình bày các tham luận một cách khoa học, sáng tạo đảm bảo tính thực tiễn, chuyên sâu và bổ ích.

Nói về sự phát triển ngành tơ sen góp phần bảo tồn và phát triển giá trị cây sen Việt Nam, Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, giám đốc công ty Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho hay, từ ngàn đời nay, cây sen và hoa sen đã ăn sâu vào tâm trí, cuộc sống và tồn tại trong lòng của mỗi người dân đất Việt, một biểu tượng của sự linh thiêng, trường tồn và luôn được trân trọng. Hình ảnh của cây sen, hoa sen được kết hợp với hình ảnh của những chiếc áo dài của người phụ nữ Việt Nam và luôn được phụ nữ khắp năm châu ngưỡng mộ và trân quý.

Nghệ nhân Lưu Thị Hiền (Trà sen Hiền Xiêm) cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề, những người dân trực tiếp làm nghề truyền thống tại địa phương mong muốn tiếp tục được tham gia trồng sen Bách Diệp tại tất cả các hồ nhỏ xung quanh Hồ Tây, tiếp tục được các lãnh đạo quan tâm hỗ trợ về giống cây, kỹ thuật và được phổ biến những kinh nghiệm, những công nghệ mới tiên tiến trong việc chăm sóc cây sen - nguồn nguyên liệu chính để sản xuất trà sen. 

hoi-thao-sen-dnktx2-1720796827.jpg
Đại điện các Hợp tác xã, doanh nghiệp trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác.

Ông Nguyễn Đình Hoa mong muốn sẽ có nhiều tổ chức, cá nhân quan tâm đến bảo tồn và tôn vinh, phát triển sen Việt Nam trên địa bàn thành phố Hà Nội, thúc đẩy ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương .

Hà Nội cũng sẽ xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách tham quan du lịch, trải nghiệm sen; bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm sen Việt Nam nói chung và sen Hà Nội nói riêng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Hoa bày tỏ mong muốn các nghệ nhân sẽ có thiết kế sản phẩm mới từ sen phù hợp thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sen tại làng nghề nông thôn; tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản phẩm sen trong chuỗi sản phẩm làng nghề Hà Nội gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế.

Trong khuôn khổ buổi hội thảo đã diễn ra lễ ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công nghệ, xây dựng mô hình phát triển sen và hợp tác tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân đại diện cho nhà khoa học, nhà quản lý và các Hợp tác xã, doanh nghiệp trồng sen, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ sen./.

“Sen bách diệp hồ Tây, có khoảng 100 cánh, bông to, hương thơm đặc trưng rất khác biệt so với các loài sen khác. Từ sen bách diệp, người dân Tây Hồ khéo léo ướp trà sen Tây Hồ - sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ trở thành món quà đặc biệt, được nhiều người yêu thích, lựa chọn cho gia đình, bạn bè”- Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng.
Trần Minh