Phan Vũ Nhật Linh: Tôi chưa bao giờ được hỏi nhiều và nói nhiều thế này!

Nhà báo Vũ Quang: Xin cám ơn Phan Vũ Nhật Linh đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện về nghề truyền hình của chúng ta

Thưa chị Tại sao bút danh của chị lại dài thế?

Nhiều người cũng để ý vì họ tên của tôi khá dài và không hề nữ tính một chút nào. Thậm chí thời học phổ thông vì nó mà tôi thường bị nhầm là con trai. Chỉ có điều thú vị là hồi đó tôi hay viết tắt là phóng viên Nhật Linh, thầy cô và bạn bè còn trêu là cứ như “Phóng viên” ấy. Thế mà giờ thành phóng viên thật!

Vì sao chị lại chọn VTV để khởi nghiệp?

Thực ra là tôi đã không dám chọn đài truyền hình Việt Nam (VTV0, vì từng nghe vào được nơi đó rất là khó. Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí, Trường Đại học Quốc gia Belarus trở về nước vào năm 2004, tôi đang phân vân với một số lời giới thiệu thì tình cờ gặp “những người từng học ở Liên Xô”, trong đó có chú Đỗ Viết Kháng, Trưởng ban Truyền hình đối ngoại VTV4 lúc bấy giờ. Biết tôi tốt nghiệp bằng Đỏ chuyên ngành Báo chí quốc tế, chú hỏi “Đã đi làm đâu chưa? Hay về V4 làm thử?”. Tôi gật đầu làm thử, và cuối cùng thì làm thật ở đó 8 năm cho đến khi đi thường trú ở LB Nga. Với tôi, khởi đầu đó là một chữ Duyên để tôi được là một thành viên của Đại gia đình VTV cho đến hôm nay.

nhatlinh3-1639142107.jpg
 Phóng viên Phan Vũ Nhật Linh

Ai là người hướng dẫn nghề đầu tiên khi chị đầu quân về VTV?

Những năm đại học, tôi đi thực tập chủ yếu ở các toà soạn báo ở Minsk, chứ chưa làm việc một ngày ở truyền hình. Bởi vậy khi về VTV4 tôi chưa hề có kinh nghiệm thực tế. Rất nhiều người, trực tiếp hoặc là gián tiếp, đã hướng dẫn tôi những ngày đầu tiên. Mặc dù lúc đó tôi được nhận về Phòng Chuyên mục, nhưng vẫn sang cả Phòng Thời sự để học làm từng cái tin ngắn. Đó những ngày xách làn băng betacam đi theo các đạo diễn, các biên tập bản tin, học từ những điều căn bản nhất của truyền hình. Tôi hiểu rất rõ sự khác nhau giữa học và hành, và thực tế là sau này, khi được “hành” tôi mới vỡ ra nhiều điều đã “học”.

Hành trình đến với nước Nga của phóng viên Nhật Linh diễn ra như thế nào?

Tôi vẫn gọi đó là “Hành trình trở về”. Thời sinh viên của tôi với 6 năm tuổi trẻ gắn liền với thành phố Minsk, Belarus. Không phải là nước Nga, nhưng vẫn là tiếng Nga, văn hoá văn học Nga và những con người Xô viết. Thú thật là tôi từng có thời gian cảm thấy hụt hẫng khi trở về nước. Và sau 8 năm công tác ở VTV, giấc mơ Nga lại đến khi tôi được Lãnh đạo Đài đề xuất cử đi thường trú vào năm 2012. Thực tế là tôi đã từng một lần từ chối vì lý do gia đình. Nhưng đúng là duyên nợ của tôi với nước Nga chưa hết, nên cuối cùng thì tôi vẫn được quay trở lại và đang có mặt ở đây, không phải 1 nhiệm kỳ 3 năm như dự định ban đầu, mà là 2 nhiệm kỳ – đến năm 2018.

nhatlinh-5-1639142187.jpg
Tác nghiệp tại Yarkrt với nhiệt độ -36 độ

Đâu là sự khác biệt giữa các đồng nghiệp Nga và nhóm phóng viên thường trú của VTV tại Matxcova?

Tôi luôn khâm phục các đồng nghiệp Nga bởi tính chuyên nghiệp, sự năng động và sáng tạo, cách họ xử lý tình huống và đưa thông tin từ những sự kiện mà chúng tôi có dịp cùng tham gia. Cũng khó so sánh, bởi sự khác biệt lớn ở đây, theo tôi chính là đặc thù của nhóm phóng viên thường trú: số lượng ít, lại ở một địa bàn lớn, phải theo dõi nhiều mảng tin tức sự kiện khác nhau cùng một lúc. Nhưng điều mà tôi có thể tự hào là chúng tôi không hề thua kém gì đồng nghiệp Nga là sự nhiệt tâm với nghề.

Một ngày làm việc của phóng viên Nhật Linh tại Nga như thế nào?

Không có gì quá đặc biệt. Thường lịch quay tiền kỳ, nếu không phải là các tin bài thời sự đột xuất thì tôi đã phải lên cho nhiều ngày, chứ không phải một ngày. Tôi dành khá nhiều thời gian đọc báo và xem tin tức qua các kênh truyền hình Nga. Tìm đề tài, gửi mail hay điện thoại liên hệ là việc thường của một ngày. Tôi có thói quen xấu là làm việc khuya.

Chuyến tác nghiệp nào đã làm thay đổi phóng viên Nhật Linh?

Chính là chuyến tác nghiệp sang Nga từ tháng 8/2012 và đến lúc này vẫn chưa kết thúc. Thực sự đây là bước ngoặt lớn giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Môi trường làm việc thoải mái nhưng luôn yêu cầu tính chủ động và trách nhiệm cao. Và trong hành trình gần 5 năm ở đây tôi đã có nhiều chuyến đi ý nghĩa và rất đáng nhớ. Tôi là người dễ bị xúc động bởi những câu chuyện nhỏ, nên sự thay đổi cũng được tích luỹ từ điều “nho nhỏ” như vậy.

Chị và các đồng nghiệp đã làm như thế nào để hoàn thành công việc qua 5 mùa đông khắc nghiệt của nước Nga?

Đúng là mùa đông nước Nga lạnh giá và khắc nghiệt. Đi lại và tác nghiệp rất khó khăn. Ngày đông lạnh nhất tôi từng trải qua là -45độ ở Yakursk, còn thời tiết -30độ chẳng có gì lạ ở Matxcơva hay nhiều thành phố khác. Tôi và quay phim chịu lạnh đã đành, nhưng máy móc vẫn thường bị sập nguồn và “đình công” là chuyện như cơm bữa. Không hiếm những lần chúng tôi đứng ngoài trời 4-5 tiếng đồng hồ liên tục trong giá buốt đến mất cảm giác tay chân chỉ để có chưa đến 2 phút hình phát sóng trong bản tin thời sự. Nhưng bù lại, mùa đông nước Nga cũng có sức hấp dẫn riêng của những ngày trắng tuyết và những câu chuyện đời sống thú vị của người Nga. Với chúng tôi, đó là những trải nghiệm không phải ai cũng có.

Thời khắc nào trong tác nghiệp mà chị cảm nhận cái chết đang cận kề? Chị đã vượt qua nó như thế nào?

Nói cái chết cận kề thì hơi quá, nhưng cũng có thời khắc tác nghiệp khá nguy hiểm, nhất là những ngày chúng tôi có mặt tại vùng chiến sự ở miền đông Ucraina. Mà đúng ra là sau này khi nghĩ lại mới thấy nguy hiểm, chứ ở chính thời điểm ấy – ngay cả khi đạn pháo bắn vào những khu nhà mà chúng tôi đứng – thì lại không hề có cảm giác sợ hãi hay nghĩ đến điều gì khác, ngoài việc có thể tránh vào đâu để tranh thủ …quay. Thật ra tôi biết mình cũng chẳng phải dũng cảm gì đâu, cũng sợ chết lắm, chỉ là lúc đó không hề có cảm nhận về cái chết mà chỉ thấy “máu nghề” ở đâu tự nhiên nổi lên.

nhatlinh4-1639142174.jpg
 Phóng viên Phan Vũ Nhật Linh

Điều làm chị lo lắng nhất khi tác nghiệp?

Là không làm được như mình mong muốn. Thực tế thì rất ít lần tác nghiệp mà sau đó tôi thấy mình không phải tiếc vì “giá như được làm lại, tôi có thể làm tốt hơn”.

Công việc nào mà Nhật Linh có thể làm suốt ngày với sự thích thú?

Xem truyền hình – nếu như có thể xem đó là một phần công việc. Tôi rất thích xem các chương trình truyền hình Nga. Không chỉ với tư cách một khán giả cần thông tin, mà còn với tư cách một nhà báo. Đôi khi từ đó, tôi tìm được một số đề tài cho mình, những khuôn hình hay hoặc là cố gắng học cách dẫn hiện trường của các phóng viên Nga.

Góc nhìn của Nhật Linh về Tổng thống Putin ?

Tôi, chắc cũng giống phần đông người Việt Nam yêu nước Nga và ngưỡng mộ Tổng thống Putin. Nhưng tôi ấn tượng về Người đàn ông quyền lực này hơn cả là qua các cuộc họp báo thường niên mà tôi được tham dự. Đó là trí tuệ và khả năng ứng biến xuất sắc trước mọi câu hỏi, mọi tình huống. Điều thú vị là các nhà báo chẳng mấy khi “bắt bí” được Ông, nếu không muốn nói là ngược lại. Khen Tổng thống Nga thông minh và dí dỏm thì có vẻ hơi thừa, nhưng tôi hiểu vì sao Ông lại là người đàn ông hấp dẫn với rất nhiều phụ nữ, trong đó có tôi.

Quê hương Quảng Trị ảnh hưởng như thế nào đến phóng viên Nhật Linh?

Đây là câu hỏi gây bất ngờ nhất đối với tôi. Tôi đang lo là sao có người lại biết chi tiết không có cả trong sơ yếu lý lịch này. Thực ra tôi chỉ có ¼ là người Quảng Trị thôi, chính xác Quảng Trị là quê ngoại của mẹ tôi. Tôi ấn tượng về miền quê này chủ yếu qua những câu chuyện của ông bà ngoại và mẹ từ khi còn bé. Bản thân tôi, giống như câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu – “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong”, nên chịu ảnh hưởng của cả đàng trong đàng ngoài. Vui vì được nhận đồng hương nhiều nơi, chỉ khổ khi đi xác minh lý lịch kết nạp Đảng.

Gia đình có ảnh hưởng như thế nào đến phóng viên Nhật Linh?

Gia đình tôi không ai làm báo và ba mẹ từng không muốn tôi theo nghề báo. Hồi học phổ thông tôi tham gia Bút nhóm ở Nghệ An, có tập lành viết lách cho các báo Thiếu niên Tiền phong, Hoa Học Trò, Mực Tím, v.v… và bắt đầu nhen nhóm ước mơ thành nhà báo. Mẹ tôi là giáo viên, chỉ mong tôi theo nghề của mẹ, vì không thích con gái phải đi nhiều, đi xa. Mẹ bảo: “Con gái làm báo vất vả, nếu thích thì chỉ làm tay trái”. Tôi nhớ lúc đó còn trêu mẹ “Vậy tay phải con làm gì?” Và giờ, như anh thấy, tôi đang làm báo bằng cả hai tay. Dù không ủng hộ từ đầu nhưng lúc nào gia đình cũng luôn ở bên tôi. Mẹ giờ rất chăm xem thời sự, thi thoảng lại nhắn tin: “Mấy hôm nay không thấy con lên hình, không biết con có ốm không?”…

Câu hỏi nào mà tôi quên chưa hỏi chị Nhật Linh?

Chắc chắn là anh không quên câu nào vì chưa bao giờ tôi được hỏi nhiều và được nói nhiều như thế này.